Doanh nhân, công chức nhậu thịt thú rừng nhiều nhất!!!

22/12/2010 11:07 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hiện có khoảng 80 loài động vật quý hiếm đang được kinh doanh sử dụng. Đáng lưu ý, các doanh nhân và công chức nhà nước có tỷ lệ sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) cao nhất.  

1. Đó là thông tin dây “giật mình” tại Hội thảo Phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội.

Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về môi trường (C49) cho biết, các loài bị khai thác vận chuyển buôn bán bất hợp pháp chủ yếu là: rắn, kỳ đà, rùa các loại, mèo rừng, hổ, báo, hươu xạ, nai, khỉ các loại, cầy các loại, gấu, sơn dương, nhím... Nhiều nhất vẫn là rùa, rắn. Chỉ tính riêng trong năm 2010, đã có 55 vụ bị bắt giữ.

Sơn Dương là một trong những loài bị khai thách và vận chuyển
buôn bán bất hợp pháp. (Nguồn: Internet)

Một số người trở nên giàu có do việc lén lút thu gom, buôn bán bất hợp pháp qua các cửa khẩu. Cũng do giá ĐVHD cao nên đã kích thích nhiều người dân ồ ạt vào rừng săn bắn, bẫy các loài động vật, tổ chức từng tốp 7-8 người cùng với đàn chó săn với thời gian 3-4 ngày; cùng nhiều phương tiện săn bắt ĐVHD.

Nghiên cứu của Hội Động vật VN cũng chỉ ra, xu hướng mở rộng thị trường tiêu dùng phục vụ cho khách hàng sang trọng, không ít các viên chức, các nhà quản lý, các chủ DN chỉ muốn nếm của ngon vật lạ, đã khiến việc sử dụng ĐVHD trở thành quy mô trên toàn quốc.  

2. Nghệ An được coi là địa bàn trung chuyển ĐVHD từ các tỉnh phía Nam đưa ra Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn và vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. PC49 Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Đối tượng thường có thái độ liều lĩnh, điều khiển xe chạy tốc độ cao, bởi vì hàng hóa có giá trị cao, nếu bị bắt giữ không truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức phạt hành chính có thể lên đến 500 triệu đồng (tùy giá trị hàng), có thể bị tịch thu phương tiện. Đối với hoạt động nuôi nhốt trái phép, khi bị kiểm tra, thường gây khó khăn, không hợp tác, kêu gọi hàng xóm, họ hàng đến gây cản trở không cho kiểm tra, thu giữ ĐVHD bất hợp pháp”.

Dẫn chứng thêm về việc phát hiện sai phạm nhưng không thể xử lý, đại diện PC49 Công an tỉnh Quảng Ninh cho hay, hành lang pháp lý thiếu cụ thể, hướng dẫn thực hiện thiếu chi tiết rõ ràng. Cụ thể, PC49 bắt quả tang vụ hút mật gấu trái phép, nổi đình đám trên báo chí tháng 10/2009, nhưng không có văn bản quy định dịch mật gấu là sản phẩm của ĐVHD quý hiếm nên không xử lý hình sự được.

Hiện số vụ buôn bán trái phép bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong tổng số vụ thực tế.

Tử Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm