Chính quyền Hải Phòng lên tiếng về vụ cưỡng chế

13/01/2012 09:38 GMT+7 | Thế giới

Cuối giờ chiều ngày 12/1, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp báo với các cơ quan thông tấn báo chí nhằm cung cấp những thông tin cụ thể về vụ cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. 

Công an và chó nghiệp vụ đã được huy động tới hiện trường để khống chế, bắt các đối tượng, tuy nhiên việc tập kích, bắt giữ đã không thành. (Nguồn: Lao động online)

Theo thông cáo báo chí của UBND thành phố Hải Phòng, từ năm 1992 đến 2000, thực hiện chính sách giao diện tích đất bồi ven sông, ven biển vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản, huyện Tiên Lãng đã đưa được 1.431 ha/3.157 ha đất sử dụng vào mục đích này (theo quy định của Luật đất đai, đây là quỹ đất chưa sử dụng). Trong đó, UBND huyện Tiên Lãng giao 515ha đất cho 56 hộ gia đình; UBND các xã hợp đồng cho 219 hộ thuê 583ha; diện tích còn lại 333ha, UBND thành phố giao cho tổ chức thuê theo thẩm quyền.

Trong các Quyết định giao đất cho các cá nhân, tổ chức đều ghi rõ thời hạn sử dụng đất, khi hết thời hạn, chủ sử dụng đất phải giao trả lại đất để Nhà nước quản lý.
 
Ngày 4/10/1993, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 447/QĐ-UB giao cho ông Đoàn Văn Vươn, quê ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, diện tích 21ha đất bãi biển khu vực nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang (phần giáp đê Quốc gia) để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản, thời hạn sử dụng là 14 năm tính từ ngày ban hành Quyết định giao đất.

Diễn biến vụ việc: Ngày 5/1/2012 đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng gồm cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, bộ đội biên phòng và đại diện các ban, ngành chức năng tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 50ha đất đầm nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả vùng bãi bồi tại khu cống Rộc, xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng). Diện tích đất này do Đào Văn Vươn, 41 tuổi, cư trú tại xã Vinh Quang thuê nhưng đến nay đã hết thời hạn và Vươn không chịu đóng thuế đất trong thời gian dài.

Để đảm bảo an toàn cho đoàn công tác tiến hành cưỡng chế, một tổ công tác bí mật tiếp cận nhà của Vươn xây dựng trên diện tích đất này thì bất ngờ một quả mìn tự chế phát nổ, làm 2 cán bộ chiến sỹ công an huyện Tiên Lãng bất tỉnh tại chỗ.

Trong quá trình sử dụng ông Đoàn Văn Vươn đã tự ý đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao. Ngày 2/3/1997, ông Vươn làm đơn xin giao đất bổ sung phần diện tích lấn chiếm ngoài diện tích được giao. Ngày 9/4/1997, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm. Như vậy, với 2 Quyết định trên, ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để nuôi trồng thuỷ sản.
 
Đến thời điểm hết hạn giao đất, UBND huyện đã làm thủ tục thu hồi toàn bộ 40,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, ông Vươn đã khiếu nại việc thu hồi 19,3ha đất (theo Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 7/4/2009 của huyện Tiên Lãng). Không đồng tình với việc giải quyết khiếu nại Quyết định thu hồi đất của huyện, ông Vươn khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án. Ngày 27/1/2010, Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm vụ án này và bác đơn khởi kiện của ông Vươn; giữ nguyên Quyết định thu hồi đất số 461.
 
Cho rằng việc giải quyết của cơ quan chức năng chưa thoả đáng, ông Đoàn Văn Vươn tiếp tục có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Toà hành chính Toá án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã thụ lý hồ sơ. Sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 19/4/2010, ông Vươn có đơn rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo. Ngày 22/4/2010 Toà án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính này. Sau đó, UBND huyện Tiên đã nhiều lần gửi thông báo làm việc với ông Vươn về việc thu hồi đất đã hết thời hạn sử dụng. Nhưng ông Vươn vẫn yêu cầu huyện tiếp tục giao đất cho ông để nuôi trồng thuỷ sản.
 
Sau nhiều lần giải thích, thuyết phục, ông Đoàn Văn Vươn không chấp hành nghiêm túc Quyết định thu hồi đất. Vào lúc 7h30 ngày 5/1/2012, UBND huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế. Khi tổ công tác vừa áp sát ngôi nhà, bất ngờ từ trong nhà, Vươn cùng người nhà chĩa súng bắn đạn hoa cải liên tiếp vào lực lượng chức năng làm 6 cán bộ, chiến sỹ công an huyện và Ban chỉ huy quân sự huyện bị thương.
 
Hiện, Công an thành phố Hải Phòng đã khởi tố vụ án hình sự với tội danh giết người; chống người thi hành công vụ. Ngày 11/1/2012, Công an cũng đã có Báo cáo số 214/TTXH về nội dung, diễn biến và kết quả điều tra ban đầu vụ án này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, nhiều nhà báo tỏ ra không đồng tình và cho rằng, các câu trả lời của các cơ quan chức năng trong vụ cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thuỷ sản đối với ông Đoàn Văn Vươn, chưa đúng trọng tâm; mong muốn nhận được những câu trả lời cụ thể hơn.

Mời bạn đọc tham khảo thêm ý kiến của ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường dưới đây.

"Quyết định thu hồi đất ở Hải Phòng là trái luật"



Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường.

Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân.

- Dưới góc độ pháp lý, ông nhìn nhận thế nào về quyết định giao đất và thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn?

- Việc giao đất của UBND huyện Tiên Lãng là không đúng pháp luật. Cụ thể, thời gian hạn chế giao đất 14 năm là không đúng, mà phải là 20 năm và sau 20 năm vẫn tiếp tục được sử dụng nếu Nhà nước không có quyết định thu hồi đất. Huyện Tiên Lãng có những quyết định giao tới 20 ha, trong khi theo khung giao đất bãi bồi ven sông ven biển ở Quyết định 773 của Thủ tướng, diện tích tối đa là 10ha.

Việc ban hành Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng trái pháp luật. Khi giao bãi bồi ven sông, ven biển cho hộ gia đình cải tạo trở thành nơi nuôi trồng thủy sản thì công sức, mồ hôi của người dân đã đổ xuống trong quá trình lao động. Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi hết thời hạn sử dụng đất (của gia đình ông Vươn sớm nhất là 15/10/2013), đương nhiên được kéo dài sang thời hạn tiếp theo trừ những trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất. Quốc hội sẽ xem xét quyết định vấn đề "hết thời hạn" này khi thông qua Luật đất đai mới trước năm 2013.

- Ông nghĩ sao trước khẳng định của Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng rằng huyện không làm sai khi cưỡng chế thu hồi đất của dân?

- Nhiều cán bộ quản lý ở nhiều địa phương hay nói câu buông sõng: "Nhà nước thì thu hồi đất nào cũng được". Đó là cái nhầm lẫn rất cơ bản. Nhà nước cũng phải thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Chiểu theo pháp luật hiện hành về thời hạn sử dụng đất, chắc chắn là họ sai. Chiểu theo quy định về giải quyết thế nào khi đất nuôi trồng thủy sản hết thời hạn, chắc chắn họ cũng sai.

- Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đất đai, theo ông việc thu hồi đất của huyện Tiên Lãng là do thiếu kiến thức pháp luật hay nguyên nhân nào khác?

- Trong vụ việc này, tòa yêu cầu hai bên thương thảo giải quyết, UBND huyện hứa sẽ tiếp tục giao đất nên người dân rút đơn. Các hộ dân thực hiện nhưng địa phương lại không giữ lời. Trong đơn gửi tòa, người dân nói ông Chủ tịch huyện khăng khăng không thực hiện cam kết.

Người dân đang sử dụng đất có hiệu quả thì không có lý do gì để thu hồi đất của người ta. Điều này thể hiện có cái gì lẩn khuất phía sau các quyết định thu hồi đất. UBND huyện Tiên Lãng cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân trong khi hai bên đã thỏa thuận giải quyết thỏa đáng. Ở đây, nguy cơ là chính quyền có thể thấy vùng đất đó sau khi được cải tạo là quá màu mỡ và muốn chuyển đổi cho đối tượng khác.

Còn nếu đất được dùng vào dự án khác thì ngay trong quyết định thu hồi cũng phải nói đến chuyện bồi thường. Nhưng quyết định của UBND huyện Tiên Lãng không hề nói đến chuyện bồi thường mà thậm chí còn bắt người dân phải bàn giao toàn bộ mặt bằng kèm theo những công sức của dân cải tạo trước đây. Điều này không chỉ sai luật mà còn trái cả đạo lý.

Theo Vietnam+/Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm