Ẩm thực kháng chiến: Rưng rưng những món ăn trong tù

12/06/2011 11:07 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong chương trình “Ẩm thực kháng chiến” do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức ngày 7/6 mới đây, bà Ngô Thị Cẩm Tiên đã khiến cho hàng trăm du khách xúc động và thán phục vì món ăn “cốm mẹ quê hương”, “trứng rồng rô ti” do bà làm … Nhưng thật ra đó chỉ là những món ăn làm từ hạt cơm khô, đậu phộng và muối hột để giúp các chiến sĩ cách mạng trung kiên vượt qua ngày tháng bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man.

Bà Ngô Thị Cẩm Tiên, 68 tuổi, người nữ tù chính trị với khuôn mặt hiền từ, mái tóc đã ngả màu muối tiêu, tiếp chúng tôi tại một ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Lữ Gia, quận 11, TP.HCM.

Câu chuyện về các món ăn tù

Nhắc đến những ngày tháng bị giam cầm trong nhà tù Mỹ - ngụy, bà không khỏi xúc động: “Đó là những ngày tháng bi thương nhưng hào hùng của những người chiến sĩ cách mạng như chúng tôi. Tôi cũng như bao nữ tù chính trị khác đã kiên cường trước đủ kiểu tra tấn của kẻ thù”.

Bà chậm chạp bước vào bên trong một căn phòng nhỏ, gần nơi chúng tôi ngồi và đem ra một bản thảo với tựa đề “Hồi ký về những ngày trong các nhà tù Mỹ - ngụy”. Bà cho biết: “Tôi cùng một số anh chị em bị bắt vào những ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công mùa Xuân Mậu Thân năm 1968. Đi qua biết bao nhà tù như: nhà tù của Ty cảnh sát quận 6, nhà tù của Nha cảnh sát đô thành, Tổng nha cảnh sát, Trung tâm cải huấn Thủ Đức, nhà tù Chí Hòa và cuối cùng là ra nhà tù Côn Đảo”.


Bà Ngô Thị Cẩm Tiên và những món ăn “độc nhất, vô nhị”


Lần từng những trang hồi ký, bà đã mô tả những lần chúng tra tấn bà và các nữ tù chính trị khác bằng những màn tra tấn dã man, ghê rợn như: đánh bằng ma-trắc, cho “đi tàu bay”, đâm kim vào đầu ngón tay, tra điện và cả việc thả con lươn sống chui vào “vùng kín” của các nữ tù... Bà kể lại: “Chúng đánh đập chị em chúng tôi dã man và làm rất nhiều điều ghê rợn khác... nhưng chúng tôi phải sống để đấu tranh. Để sống được, chị em chúng tôi phải ăn cả thằn lằn vì những tên cai ngục cho chúng tôi ăn bằng những thứ thức ăn rất bẩn thỉu”.

Những món ăn trong các nhà tù Mỹ - ngụy, theo bà Ngô Thị Cẩm Tiên, mỗi ngày, người tù được ăn cơm với mắm cá sặc đầy dòi và cá khô bị mục ruỗng với rất nhiều con bọ bám dính vào trong đó. Bà kể tiếp: “Tôi ở nhà tù nào cũng được cho ăn kiểu như vậy. Như ở nhà tù Côn Đảo, 5 người chúng tôi bị giam trong chuồng cọp, có diện tích chỉ khoảng 1,6 m2 và mỗi ngày chỉ được ăn đúng 1 chén mắm dòi và 1 con khô cá bị mục. Để ăn được những món ăn này, chúng tôi phải gạt hết những con dòi ra khỏi chén mắm và nước mắm cá sặc chỉ đủ cho mỗi người 1 thìa chan vào chén cơm. Còn miếng cá khô thì phải tách những con bọ chết bám đen kịt. Cũng chính vì thế, ngoài chuyện ăn thằn lằn, những món “trứng rồng rô ti”, “cốm mẹ quê hương”... ra đời trong hoàn cảnh đó”.

Kể về món ăn mang tên độc đáo đó, bà nói: “Đặt tên độc đáo để chị em cảm thấy vui thôi. Thực ra, trước khi chuyển ra nhà tù Côn Đảo, chúng tôi đem theo đậu phộng, muối hột, bếp từ lon nhôm và củi làm từ quần áo cũ để làm ra món “trứng rồng rô ti”. Mỗi ngày, chúng tôi phân công nhau để dành ít cơm, sau đó phơi khô và làm thành món “cốm mẹ quê hương” để phòng khi đói hoặc bị bọn cai ngục cắt cơm sẽ ngậm vài hạt cho qua cơn đói”.

Vợi cao, bức tranh “Hòa bình”

Gần 4 tiếng đồng hồ trôi qua, chúng tôi ngồi lặng im để lắng nghe bà kể chuyện, những câu chuyện bi thương nhưng qua lời nói, ánh mắt của bà chứa đầy niềm tự hào, sục sôi ý chí của những người tù chính trị, những người cách mạng trung kiên. Qua bài viết này, chúng tôi không thể nói hết được những gì mà người nữ tù này đã viết rất chi tiết trong bản hồi ký của mình. Nhưng đối với bà, dường như những câu chuyện đó mới xảy ra ngày hôm qua.


Bức tranh thêu “Hòa bình” do bà thêu trong nhà tù thực dân, đế quốc


“Đã có lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ chết vì những lần tra tấn dã man của địch, nhưng tôi đã sống vì ý chí của người chiến sĩ cách mạng, vì sự yêu thương, đùm bọc của những người bạn tù và tiếp tục đấu tranh dưới lưới thép gai của quân thù” - bà xúc động nói.

Ở phía xa của bức tường phòng khách, nơi bà treo những tấm ảnh của gia đình, có một bức tranh được thêu bằng tay rất tỉ mỉ với hình 5 con chim bồ câu trắng, quả địa cầu và 11 người phụ nữ nắm tay nhau bao quanh địa cầu. Ngay phía dưới bức tranh có thêu dòng chữ “Côn Đảo 8-3-1973”, bà cho biết: “Đó là một kỷ vật quí giá của tôi khi còn bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, tôi đặt tên cho bức tranh này là “Hòa bình”. Bức tranh này do chính tay tôi thêu, 5 con chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình ở 5 châu lục, 11 người phụ nữ với 11 màu áo và trang phục khác nhau tượng trưng cho người phụ nữ ở 11 quốc gia xã hội chủ nghĩa lúc đó. Thực ra, tôi định thêu 13 người phụ nữ, tượng trưng cho 13 quốc gia xã hội chủ nghĩa nhưng do ở trong tù thiếu vải và chỉ thêu”.

Theo bà, để có được vải và chỉ thêu bà phải “hối lộ” bằng cách nhận thêu hình rồng, phượng trên áo gối cho bọn cai ngục nữ ở nhà tù Côn Đảo và từ đó bà có nguồn vải, chỉ khâu và kim khâu. Bà kể: “Tôi làm bức thêu này mất 3 tháng, tôi luôn phải giấu nó sau lưng áo của mình để tránh bị phát hiện”.

Thời gian trong nhà tù Côn Đảo bà còn thêu một bức tranh mang tên “Phụ nữ phá tan xiềng xích”, tuy nhiên sau giải phóng, bức tranh này đã bị thất lạc. Bà rưng rưng: “Bức tranh “Hòa bình” là “báu vật” của tôi, khi tôi chết đi, các con tôi sẽ gìn giữ, tôi không muốn nó bị mất đi như bức tranh thêu “Phụ nữ phá tan xiềng xích”.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm