VFF muốn giữ quyền quản lý VPF: Bài toán không dễ giải

12/10/2011 10:39 GMT+7 | V-League

(TT&VH)- Liệu có thể cho rằng việc vẫn muốn VPF khi ra đời phải chịu sự quản lý và giám sát về chuyên môn của VFF là biểu hiện của việc VFF vẫn chưa thực sự chấp nhận được thực tế sẽ không còn giữ quyền lực tuyệt đối của một ông chủ đối với các giải đấu quốc nội?

Cộng cả V-League và giải hạng Nhất, theo tính toán chưa đầy đủ, mỗi năm VFF cũng thu lại trên dưới 50 tỷ đồng. Đây hiện là nguồn thu chính, đặt trong điều kiện ngân sách Nhà nước cấp cho VFF còn ở mức hạn chế. Một ví dụ như năm 2011, VFF được hỗ trợ 200.000 USD thi đấu quốc tế, thì riêng chuyến thi đấu vòng loại Olympic London 2012 của ĐT nữ ở Đài Loan Trung Quốc đã tiêu tốn gần 100.000 USD. Mới đây nhất, khi đề cập đến đề án thành lập VPF, Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cũng đưa ra một con số khác, là khoản tiền 10 tỷ đồng VFF phải chi, chỉ cho riêng các ĐT trẻ thi đấu nước ngoài. Ông Viễn đặt thẳng câu hỏi, là số tiền trên ở đâu ra, nếu không từ các giải đấu?!

Không phải vô tình, khi chuyện nguồn thu từ các giải đấu sẽ được phân bổ và sử dụng như thế nào lại trở thành vấn đề “nhạy cảm” khi đề án thành lập VPF được “trình làng”. Khoản 20% nguồn thu trích lại từ VPF, như đề xuất ban đầu của Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng ở hội nghị 28 CLB tại Hà Nội, trong hoàn cảnh này, có lẽ chưa thể thỏa mãn được VFF. Giữa việc làm chủ đồng tiền với chuyện phải nhận “viện trợ” từ VPF, bản thân nó đã là một sự khác biệt.



Để VPF có thể ra đời ngay ở mùa giải 2012 thì Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và bầu Kiên sẽ còn rất nhiều việc để làm- Ảnh: VSI

Tuy nhiên, có cảm giác như bản thân VFF cũng đang thực sự lúng túng trong việc xác định vị trí pháp lý của VPF, đặt trong mối quan hệ tương tác với VFF. Cách nào để VFF thực hiện được quyền quản lý và giám sát của mình, trong bối cảnh VPF được thành lập dưới hình thức Công ty cổ phần, hoạt động chỉ tuân thủ theo Luật doanh nghiệp là vấn đề nan giải. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn hôm qua đồng thời khẳng định, điều lệ VPF tự thân đã quy định VPF là thành viên của VFF. Ông Viễn tái khẳng định quan điểm VPF phải chịu sự quản lý của VFF “như thông lệ quốc tế, và không thể là một đơn vị đứng chơ vơ”. Tuy nhiên, cả 2 lãnh đạo hàng “tốp” của VFF đều chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho việc xác lập mối quan hệ pháp lý giữa VFF với VPF khi ra đời trong tương lai.

Trong khi đấy, phía các CLB đã sớm có ý kiến phản ứng. Chủ tịch CLB bóng đá HA.GL Đoàn Nguyên Đức đã “thẳng tưng” cho rằng, VPF sẽ không chịu sự quản lý của bất kỳ đối tượng nào, ngoại trừ việc báo cáo những vấn đề cần thiết lên Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội, đơn vị sẽ cấp phép hoạt động cho VPF. “Quyền lực tối thượng đối với mọi vấn đề của VPF là Đại hội cổ đông. VFF hay bất kỳ ai trong số các CLB cũng không có quyền tự quyết”, ông Đức cho biết, “lợi thế của VFF là giữ vai trò cổ đông lớn nhất, với 35,5% cổ phần. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa VFF quyết tất cả mọi chuyện. Tôi nói như vậy không phải để tranh giành với VFF, mà khi VPF được thành lập rồi, thì những ai tham gia đều phải tuân thủ theo luật một cách sòng phẳng”.

Ông Đức đồng thời viện dẫn ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, để khẳng định cho sự cần thiết phải thành lập VPF. “Hôm Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vào thăm Gia Lai đã phát biểu, là chỉ có một con đường, và phải làm ngay, là thành lập VPF. Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ. Bộ VH-TT&DL sẽ tạo điều kiện thuận lợi để VPF ra đời trong thời gian sớm nhất. Khi ấy có mặt cả Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng và các lãnh đạo khác của ngành thể thao. Hơn nữa việc này đã được hội nghị 28 CLB thống nhất thông qua rồi, theo tôi chúng ta không cần thiết phải nói đi nói lại nữa”.

Đại diện các CLB họp bàn với VFF về kế hoạch thành lập VPF khẳng định, VPF trong đề án trình lên Bộ VH-TT&DL về cơ bản sẽ không có nhiều điểm khác so với đề án ban đầu trình ở hội nghị 28 CLB với VFF ngày 29/9.

Quốc Công

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm