“VFF nên lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của dư luận”

02/10/2011 06:32 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Cựu Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (BC-VT), ông Mai Liêm Trực, từng được trao giải thưởng Sao Khuê sau nhiều đóng góp cho lĩnh vực công nghệ thông tin. Ông Trực còn được biết tới là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ IV (2001-2005). Dù đó là giai đoạn sóng gió của bóng đá Việt Nam nhưng vị chủ tịch họ Mai vẫn để lại những dấu ấn sâu sắc và nhận được sự tôn trọng của xã hội.

Từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khen

* Từ ngày không còn làm Chủ tịch VFF, ông có theo dõi bóng đá Việt Nam và VFF thường xuyên hay không?

- Kể từ khi rời chức vụ Chủ tịch VFF vào năm 2005, tôi cũng chính thức thôi chức Thứ trưởng Bộ BC-VT. Dù thế, máu bóng đá vẫn thôi thúc mãnh liệt. Tất nhiên cả máu nghề nghiệp nữa nên tôi cũng không chịu ở nhà vui thú điền viên. Ngay khi về hưu, tôi vẫn bận trăm công ngàn việc trong vai trò cố vấn. Tất nhiên, tôi vẫn theo dõi bóng đá Việt Nam và VFF, vẫn nắm rõ thông tin, sự kiện.


Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Chủ tịch VFF khóa IV

* Thời gian ngắn làm Chủ tịch VFF, kỷ niệm nào gắn chặt với ông nhất?

- Năm 2003, tôi bất ngờ nhận quyết định từ lãnh đạo chính phủ về kiêm nhiệm chức Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam thay anh Hồ Đức Việt. Tôi vốn là dân kinh tế, lại chuyên về ngành viễn thông là chủ yếu. Nay nhận thêm lĩnh vực mới không thuộc chuyên môn, làm sao cho tốt cũng là trăn trở trong lòng. Nhiệm vụ đầu tiên là làm sao để bóng đá phải có thành tích cao, khi Việt Nam đứng ra đăng cai kỳ SEA Games 2003 đầu tiên trên sân nhà. Trận chung kết năm ấy, U23 Việt Nam để thua đáng tiếc đối thủ Thái Lan trong hiệp phụ. Dù buồn khi đội nhà không tới đỉnh vinh quang cao nhất, song nhìn sân Mỹ Đình đầy ắp khán giả và mỗi trận đấu đều như một ngày hội, tôi cảm thấy tự hào khi có chút đóng góp nhỏ trong những ngày ấy.

Thời điểm năm 2004 có lẽ là khoảng thời gian nhiều biến cố nhất với tôi. Những đề án cải cách bộ máy VFF, giải chuyên nghiệp vẫn còn dang dở, đội tuyển Việt Nam thất bại ở Tiger Cup, VFF nhận bài học đắng lòng đền bù hợp đồng cho HLV người Pháp Letard... Nhưng trước khi tôi quyết định nghỉ hưu, tôi vẫn quyết tâm tổ chức Đại hội VFF khóa 5 có tính dân chủ và được tường thuật trực tiếp trên phương tiện truyền thông. Lúc đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp theo dõi qua ti vi và có lời khen ngợi: “Đại hội VFF khóa 5 là một đại hội có tính đổi mới - dân chủ - trí tuệ và trách nhiệm nhất từ trước đến nay”. Lời khen ấy đã khiến tôi nhẹ lòng sau khi chia tay VFF.

VFF đã cải tổ, nhưng...

* Ông từng nói bên Bộ BC-VT ông nói một tiếng cả nghìn người nghe, còn VFF nói 3 ngày không ai nghe cả? Rõ ràng VFF đang là một thành trì, một thế giới riêng biệt so với các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác.

- Thời điểm tôi đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng ở Tập đoàn VNPT, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, tất cả các hoạt động được đưa vào điều lệ chặt chẽ. Tôi làm tốt nên được anh em trong ngành tín nhiệm. Nhưng khi chuyển qua một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF, tôi dường như là “kẻ ngoại đạo”. Nhiều thói quen, nề nếp từ thời bóng đá bao cấp còn đè nặng trong cơ cấu tổ chức của VFF, nhiều khâu còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ lẫn kỷ cương nên không tài nào cải tổ được.

* Thế nên ông mới có nhận xét bất hủ: trình độ của VFF thấp hơn mặt bằng xã hội. Đến nay, theo ông, ý nghĩa câu nói đó vẫn còn giá trị?

- Thực ra, tôi có nói câu nói ấy trong buổi họp giao ban BCH VFF. Nhìn từ con mắt người hâm mộ lẫn cán bộ quản lý lâu năm, tôi thấy cơ chế vận hành VFF chưa hợp lý. Trong những năm đó, quản lý nhà nước tách bạch với quản lý doanh nghiệp. Nhưng VFF thì chưa, còn nhiều bất cập. VFF vận hành theo mô hình mà cả chủ tịch và phó chủ tịch vừa đại diện cho cấp quản lý (Ban thường vụ, Ban chấp hành) vừa là “người điều hành cao nhất” (chủ tài khoản), lại hoạt động kiêm nhiệm nên không thể tập hợp được sức mạnh của toàn xã hội (thể hiện qua hoạt động thiếu hiệu quả của Ban chấp hành ở cấp quản lý). Như thế bộ máy hoạt động kém hiệu quả và dễ mắc nhiều sai sót. Về bố trí nhân sự, còn nhiều điều chưa hợp lý trong quá trình xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa và trong sạch hóa thể hiện trong cơ cấu Ban chấp hành, thường vụ, chủ tịch và các phó chủ tịch. Vì thế, bộ máy dễ tạo nên sự phân công trách nhiệm không rõ ràng, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thiếu dân chủ, không được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt không được bảo vệ kể cả khi làm đúng.


Ông Mai Liêm Trực (thứ hai từ trái sang) là cha đẻ của đề cương Cải tổ bộ máy hoạt động LĐBĐ VN năm 2004

Còn bối cảnh lúc này, dù sao VFF đã có một số điều chỉnh cơ cấu đúng với ý đồ của tôi. Có nghĩa, đã tách chủ tài khoản khỏi Chủ tịch VFF và người đảm nhận là Tổng thư ký VFF. Ngoài ra, VFF tự thành lập ban, phòng và lựa chọn nhân viên làm việc toàn tâm, toàn ý, chứ không còn nặng tính kiêm nhiệm. VFF đã có những thay đổi phù hợp nhưng một số vấn đề vẫn còn chưa thực sự ổn. Giữa quản lý và điều hành còn nhập nhèm, nhất là cấp quản lý chưa tốt, chưa tận dụng chất xám từ những ông bầu của đội bóng. Cấp điều hành chưa đủ nhạy cảm trước bức xúc, đòi hỏi từ công luận, thiếu bản lĩnh, dám nói dám làm và dám chịu trách nhiệm.

* Có lần ông đi làm có chú bé khoanh tay chào: Cháu chào bác Chủ tịch VFF, chứ không phải bác Thứ trưởng Bộ BC-VT. Ông có nghĩ nhờ bóng đá ông được biết đến nhiều hơn không?

- Thời ở Bộ BC-VT thi thoảng tôi mới lên mặt báo. Nhưng khi sang VFF, gần như ngày nào cũng phải trả lời câu hỏi và lên mặt báo như cơm bữa. Chưa kể, độc giả quan tâm sát sao với bóng đá Việt Nam, nên tôi càng được chú ý hơn kể từ khi nhận nhiệm vụ ở VFF thật. Chuyện một cậu bé bán báo chào tôi như thế, khiến tôi thực sự ngỡ ngàng và ý thức hơn trách nhiệm nặng nề khi ngồi lên ghế Chủ tịch VFF. Đúng như nhiều anh em báo chí còn nói vui, tôi “tự nhảy vào lửa” khi từ Bộ BC-VT qua làm quản lý bóng đá.

* Theo ông, điều mà bóng đá Việt Nam, với VFF nói chung được nhất, tích cực nhất so với thời ông làm Chủ tịch VFF là gì?

- Cải tiến lớn nhất là việc coi tổng thư ký như tổng giám đốc công ty chịu trách nhiệm nắm giữ tài khoản. Các hoạt động đã có nề nếp quy củ, tách bạch hơn với thời gian trước. Nhất là bóng đá có khả năng hội nhập quốc tế hơn mọi lĩnh vực trong xã hội. Hiếm có một lĩnh vực nào chúng ta thuê cầu thủ ngoại, HLV ngoại hay ra nước ngoài du đấu như bóng đá.

* Ông nghĩ sao trước những lời ông bầu Kiên, phe “chủ chiến” vừa qua, và đa số thái độ cầu an của hàng loạt CLB khác.

- Khi cấp điều hành VFF thiếu đi sự nhạy cảm trong việc xử lý những sai sót trong khâu tổ chức, trọng tài, phản ứng của các đội bóng như thế là một điều đáng phải bàn. Tôi không nghĩ tới thái độ cầu an của một số đội bóng. Tôi cũng ủng hộ đại hội bất thường, một hoạt động rất bình thường với các tổ chức, doanh nghiệp. Đấy cũng là đòi hỏi bức thiết, nghiêm túc từ các CLB, báo chí, người hâm mộ.

VFF cần tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

* Với kinh nghiệm từng quản lý nhiều lĩnh vực, ông nghĩ VFF cần thay đổi, cách mạng từ đâu?

- Dư luận nói khá nhiều việc nền bóng đá Việt Nam trải qua 11 năm làm chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa chuyên nghiệp. Tôi nói thẳng thắn thế này, quản lý hành chính nhà nước trong một số lĩnh vực ở ta cũng còn trì trệ, chứ đừng nói gì VFF - vốn là một tổ chức xã hội hóa nghề nghiệp đơn thuần. Nhưng khi bóng đá là “con cưng” của toàn xã hội, VFF phải có trách nhiệm đẩy nhanh sự phát triển cho phù hợp. Nhiều bộ phận trong VFF phối hợp thiếu hiệu quả. Cần có một ủy ban chuyên trách hành pháp. Ngay việc bầu chọn trưởng giải không nhất thiết là cán bộ nằm trong VFF.

* Trong cuộc họp tổng kết mùa giải 2011, “bầu” Kiên từng nói bộ máy VFF hiện nay còn bao cấp hơn thời bao cấp. Ông nghĩ VFF đang thiếu người tài, cá tính, chịu trách nhiệm?

- Nói bao cấp hơn bao cấp thì chưa hẳn đúng. Cái đáng nói nhất lúc này là nhiều vị trí chủ chốt của VFF kiêm nhiệm nhiều thứ quá, không có người giám sát chặt chẽ. Ngay ý tưởng tách bạch hẳn BTC giải V-League rồi hạng Nhất ra riêng biệt là ý tưởng không tồi. Cấp độ quản lý doanh nghiệp, bất cứ công ty, doanh nghiệp nào cũng phải có cơ cấu tổ chức và hoạt động riêng để hoạt động có hiệu quả kinh tế. Nhưng VFF vẫn đảm nhiệm cả cấp quản lý - điều hành, nhưng lại thiếu đồng bộ, quyết đoán thì sẽ rất khó làm việc. Lãnh đạo VFF quá nhập nhằng giữa các khâu, nên làm việc chồng chéo mà lại không có hiệu quả.


Dù đã nghỉ hưu nhưng ông Mai Liêm Trực vẫn luôn quan tâm đến bóng đá Việt Nam và VFF

* Theo ông, làm sao để công tác trọng tài tốt lên?

- Xã hội giờ có “hai” vua cầm còi đặc biệt. “Vua cầm còi xa lộ” mỗi lần thổi phạt chỉ vài ba triệu đã khiến dư luận phê phán dữ dội. Còn “vua sân cỏ”, mỗi quyết định sai có thể đổ vài ba tỷ bạc của ông bầu bóng đá ra sông, ra biển. Nếu thổi sai do nhận định đã đành, nhưng thổi không đúng thực tâm, cố tình bẻ cong tiếng còi là vô cùng sai trái. Muốn trọng tài tốt, VFF, Ban trọng tài phải xiết chặt trong công tác xử lý và giáo dục từng trọng tài. Phải kiểm soát được trọng tài và giám sát.

Có thể thuê trưởng giải là người ngoài VFF

Tiến sĩ Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Thứ trưởng Bộ BC-VT, người đầu tiên đề xuất kế hoạch mua vệ tinh riêng cho Việt Nam, từng được bình chọn là nhân vật số 1 có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong thập niên qua.

Cuộc bình chọn này do CLB các nhà báo công nghệ thông tin thực hiện. Tiến sĩ Mai Liêm Trực sớm nhận thức ra xu hướng phát triển Internet, đã thuyết phục cho mở Internet và tạo điều kiện về mặt quản lý nhà nước cho Internet phát triển.

* Theo ông, người giữ ghế trưởng giải và trưởng ban trọng tài phải là thế nào (chuyên môn và đạo đức, tư cách). Liệu cách bỏ phiếu bầu trưởng giải, trưởng ban trọng tài của VFF đã thực sự dân chủ?

- Tôi thấy cách bỏ phiếu bầu trưởng giải, trưởng ban trọng tài của VFF chỉ là biện pháp tình thế giải quyết bức xúc từ các CLB. Đó là hành động thiếu căn bản và cái nhìn xa rộng. Tôi nghĩ trưởng giải mới hay trưởng ban trọng tài đôi khi thiếu đi chuyên môn cũng tạm chấp nhận. Nhưng phải có tư cách đạo đức và cái tâm sáng mới làm được việc. Nhất là mạnh tay chấp pháp, có sai thì phải xử lý và không nể, sợ bất cứ thế lực nào.

* Thế làm cách nào để có được trưởng giải thực sự tâm sáng như như ông nói?

- Lâu nay, bóng đá Việt Nam trong tình trạng lãnh đạo VFF vừa kiêm nhiệm lãnh đạo giải chuyên nghiệp. Cứ kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” sao có tính khách quan và minh bạch được. Theo tôi, trưởng giải không nhất thiết là người của VFF hay Tổng cục TDTT điều xuống. Không phải nhất thiết ông Dương Nghiệp Khôi, Trần Quốc Tuấn hay một thành viên Ban chấp hành VFF làm việc là tốt. Bởi nó thiếu đi người giám sát và giúp anh có được quyết định đúng. Lâu nay, các doanh nghiệp thường thuê tổng giám đốc về quản lý công việc của mình. Giải pháp VFF và các đội bóng chi tiền thuê một trưởng giải độc lập để tránh mắc sai sót như vừa qua là cần tính đến.

* Ông có nghĩ trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước của Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT với VFF vẫn còn lỏng, còn “hiền”?

- Thực tế, VFF là một tổ chức xã hội hóa nghề nghiệp và FIFA luôn có điều luật tránh hạn chế việc Nhà nước tác động tới bộ máy liên đoàn bóng đá. Nhưng về mặt quản lý, VFF cần phải chứng tỏ sự minh bạch, công khai dân chủ, nhằm lấy lại lòng tin của các CLB, người hâm mộ. Một phần nào đó, Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT phải điều chỉnh quản lý nghiệp vụ và định hướng về chủ trương chính sách với VFF để khỏi đi lệch chuẩn. Còn về thu chi tài chính, hoạt động trong ngành nghề, còn có sự kiểm soát của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Nhưng cái đáng quan tâm nhất là lãnh đạo VFF phải tự thay đổi mình để phù hợp với đòi hỏi, xu thế từ trong xã hội với tổ chức mình. Lúc nào VFF chịu lắng nghe và thấu hiểu tiếng nói của dư luận, của người hâm mộ, bóng đá VN mới chuyên nghiệp được.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng này!

Mộc Miên(thực hiện)

7 năm trước đã có đề cương cải tổ VFF

Ông Trực cũng chính là cha đẻ của đề cương Cải tổ bộ máy hoạt động LĐBĐ VN năm 2004. Có 3 vấn đề trong bản đề cương đó:

* Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức, cần phải tách bạch giữa cấp quản lý và cấp điều hành. Đại hội LĐBĐ VN sẽ xác định cấp quản lý bao gồm: Ban chấp hành, Ban thường vụ (chủ tịch, các phó chủ tịch, các hội đồng, các ủy ban tư vấn, giám sát). Cấp điều hành là bộ máy tác nghiệp, những chuyên gia giỏi về quản lý bóng đá, tài chính, luật pháp, hành chính và các lĩnh vực khác hoạt động chuyên nghiệp.

* Thứ hai, về cơ chế hoạt động. Về chuyên môn: VFF tuân thủ sự chỉ đạo của Ủy ban TDTT, FIFA, AFC, AFF... Nhưng cơ chế tài chính, đầu tư, tổ chức cán bộ, lao động tiền lương, quy chế nội bộ của VFF phải xác định rõ mối quan hệ về quản lý nhà nước với các Bộ Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư… VFF sẽ hoạt động như một doanh nghiệp, một tổng công ty.

* Thứ ba, về bố trí nhân sự: Phải xác định rõ cấp quản lý bao gồm: Ban chấp hành, Ban thường vụ, chủ tịch, các phó chủ tịch và các hội đồng tư vấn giám sát. Cấp quản lý quyết định những nội dung quan trọng, cần thiết để hướng dẫn và kiểm soát hoạt động của bộ máy liên đoàn (ở đây, Ban thường vụ gần giống như Hội đồng quản trị của các công ty). Với vị trí xã hội và uy tín của mình, những thành viên tham gia cấp quản lý hoạt động kiêm nhiệm, không hưởng lương và phụ cấp gì của liên đoàn sẵn sàng cống hiến khả năng của mình cho bóng đá nước nhà.

Ở cấp điều hành, thì tổng thư ký và các phó tổng thư ký (giống như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các công ty) làm việc chuyên nghiệp, chuyên trách, có đủ quyền lực, cơ chế và nhân sự để thực thi nhiệm vụ của mình. Những người tham gia bộ phận điều hành sẽ hưởng lương của liên đoàn (có thể ở mức cao hoặc rất cao theo quyết định của Ban thường vụ - Hội đồng quản trị. Ví dụ, tổng thư ký có thể hưởng lương tới 10 triệu đồng hoặc hơn nữa). Tất nhiên cần có tiêu chí, chức năng, yêu cầu nhiệm vụ rõ ràng của tất cả các chức danh của bộ máy điều hành.

Tiếc rằng 7 năm qua, đề án cải tổ VFF theo hướng ông Trực vẫn chưa phát huy như mong muốn.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm