Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống: Cái nhìn phiến diện về áo dài nam

29/02/2020 07:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong thời gian gần đây, nhóm Đình Làng Việt tổ chức các hoạt động thể nghiệm tà áo dài nam ngũ thân - y phục truyền thống - bộ “Quốc phục” (đã được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát - 1744) trong đời sống đương đại, như: Áo dài xuống phố, áo dài về làng, vào đình, chùa… Các hoạt động này đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, hướng ứng của mọi giới trong xã hội.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần" tại đây

Từ áo dài nam truyền thống đến 'Quốc phục'

Từ áo dài nam truyền thống đến 'Quốc phục'

Là hội viên thứ 3000 của nhóm Đình Làng Việt, tôi cũng được anh “Trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình động viên may bộ áo dài nam để vận (mặc) vào ngày Tết Việt, cuối năm Đinh Dậu (2017), được tổ chức tài đình làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, để nghênh đón xuân mới. Tôi hoan hỉ nhận lời.

Có những cụ giờ tầm tuổi 70 - 80 cứ đứng ngắm hoài rồi lại chép miệng thở dài: “Thời chúng tôi những năm trước 1945, các cụ đều vận đồ thế này cả. Giờ có tuổi, nhìn thấy các anh chị mặc y phục truyền thống mà thèm quá. Tiếc lắm”!

Có những cô chú anh chị em trẻ hơn thì nhìn trầm trồ mà rằng: Anh hai chị hai quan họ đấy. Rồi có người lại than: Lý tổng, lý trưởng phong kiến thời xưa. Cổ lỗ sĩ rồi!

Thôi thì đủ cả, khen có, chê có, động viên có mà phê bình cũng có. Nhóm Đình Làng Việt chỉ biết cười trừ.

Trang phục áo dài nam - nhìn từ lịch sử

Các vua chúa, kể từ thời nhà Lý (1010 - 1225) đến thời nhà Nguyễn (Gia Long) (1802 - 1945) đều có sắc lệnh, chỉ dụ quy định rõ ràng về bộ Quốc phục, tỏ rõ tính độc lập, tự cường, bảo vệ quốc thể. Xin lược kể:

Thời vua Lý Phật Mã (Lý Thái Tông), Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép: “Tháng 2 năm Canh Thìn (1040), vua dạy cung nữ dệt lấy gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nhà Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ tứ phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa”.

Chú thích ảnh
Gia đình vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương mặc áo dài năm thân truyền thống

Thời vua Trần Anh Tông, ĐVSKTT chép: “Mùa Đông, tháng 10 năm Canh Tý (1300), chế kiểu mũ áo: Võ quan thì đội mũ chữ đinh sắc đen, tụng quan (quan văn) thì đội mũ toàn hoa sắc xanh, vẫn như kiểu cũ. Cửa tay áo các quan văn võ rộng từ 9 tấc đến 1 thước 2 tấc (1 thước = 10 tấc, 1 tấc = 4cm, theo thước ta cổ) kiểu hẹp từ 8 tấc trở xuống thì không được dùng; các quan văn võ không được mặc xiêm, tụng quan không được mặc thường (mũ toàn hoa xanh có hai cái vòng vành đính vào hai bên)”.

Thời vua Lê Thánh Tông, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: “Hồng Đức 1488 triều Lê Thánh Tông định triều phục kiểu mới: Thân áo dài cách mặt đất 2 tấc, tay áo rộng 1 thước 2 tấc” (48cm). Thời vua Lê Huyền Tông (1665), niên hiệu Cảnh Trị năm thứ hai, định rõ lệnh về y phục: “Áo các quan có ống tay rộng 9 tấc 5 phân (38cm), nách rộng 8 tấc 2 phân (gần 33cm); áo của thường dân thì rộng 9 tấc, nách rộng 7 tấc 8 phân (hơn 31cm). Những người thấp bé cho thu hẹp bớt đi. Triều phục thì không theo quy chế này”.

Trong Phủ biên tạp lục (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, năm 2007), nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Năm Bính Thân (1776, thời chúa Nguyễn Phúc Thuần), tháng 7 mới hiểu dụ rằng: Y phục bản quốc có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục. Nay kính vâng thượng đức, dẹp yên cõi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục phải nên thống nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người khách (hàng vạn người Minh Hương - còn gọi là Khách trú, bất mãn với nhà Thanh sang định cư lập nghiệp ở Đàng Trong) thì nên đổi theo thể chế của nước nhà. Đổi may y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải lụa”… “Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không được xẻ mở. Duy đàn ông muốn mặc áo cổ tròn và ống tay hẹp cho tiện làm việc thì cũng được. Lễ phục thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh chàm hay vải đen, hay vải trắng, tùy nghi. Còn các bực viền cổ và kết lót thì đều theo như điều hiểu dụ năm trước mà chế dùng…”.

Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744) nghe người Nghệ An truyền câu sấm: “Bát đại thời hoàn trung nguyên” (8 đời trở về trung nguyên), thấy từ Đoan Quốc Công (Nguyễn Hoàng) đến nay vừa đúng 8 đời bèn xưng hiệu lấy thể chế áo mũ trong Bách khoa thư Tam tài đồ hội của Vương Kỳ và Vương Tư Nghĩa làm kiểu…”

Sách Đại Nam thực lục viết:"Chúa cho rằng lời sấm có nói 8 đời trở lại trung đô, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới, châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ, văn quan từ quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo; võ từ chưởng dinh đến cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng mãng bào hoặc gấm đoạn theo cấp bậc”.

Tới năm 1836 - 1837, vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc Hà, tận mắt nhìn thấy người dân Bắc vẫn giữ kiểu ăn mặc cũ đã quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để. Theo đó Minh Mạng ra lệnh cấm áo tứ thân, váy đụp, cấm áo giao lĩnh, khố vải, thắt lưng vải, cấm cả các dạng tiện phục thời Lê Trung Hưng như mũ bình đính, mã vĩ, khăn vuông, khăn bọc tóc....

Như vậy, đến trước năm 1945, chiếc áo dài ngũ thân nam đã được mặc phổ biến rộng rãi ở cả hai đàng Trong - Ngoài, Nam - Bắc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, có cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã vận trên mình bộ “Quốc phục” này.

Nốt trầm thời hiện đại và những ngộ nhận

Bước sang thời hiện đại, trang phục áo dài nam ngũ thân không còn hiện diện trong cuộc sống là bởi nó dễ bị quy về thành phần địa chủ, cường hào ác bá, tàn dư của chế độ quân chủ phong kiến.

Không còn chỗ đứng, bộ trang phục này bước vào sân khấu chèo, quan họ, cải lương, hầu đồng nơi cửa đền cửa phủ và dĩ nhiên, văn học và nghệ thuật sân khấu mang một chiều kích khác - chiều kích tư tưởng, truyền tải đạo lý hướng thượng, giáo dục mỹ cảm và lên án những thói hư, tật xấu trong xã hội. Đạo diễn, các nhà thiết kế phục trang, cổ trang hoàn toàn có quyền cách điệu, biến tấu, thêm bớt, thậm chí thổi phổng để làm nổi bật nét thiện, ác trong tính cách nhân vật. Vì thế, bộ trang phục cũng được cải biên cho phù hợp với vở diễn.

Chú thích ảnh
Áo dài nam trong “Ngao sò ốc hến”

Những nhân vật trong vở kịch Ngao, sò, ốc, hến, vở chèo Quan âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ…đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Từ các chiếu “quan họ cổ” không nhạc đệm, các anh ba, chị ba, anh tư, chị tư, anh năm, chị năm cũng bước lên sân khấu với tiếng nhạc xập xình để quảng bá những làn điệu quan họ tình tứ, mượt mà đậm chất Kinh Bắc.

Những cô gái mớ ba, mớ bảy (áo 3 lớp, 7 lớp màu khác nhau, thường được mặc vào mùa Đông) và những chiếc áo dài ngũ thân nam cũng được cách điệu cải tiến cho phù hợp với không gian diễn xướng trên sân khấu, trên thuyền, trong các tiệc cưới, ăn hỏi...

Chúng ta nên biết, những nhân vật trong văn học nghệ thuật, trong phim, trên sân khấu, điện ảnh đều được các đạo diễn xây dựng rất công phu nên nó “thật hơn cả ngoài đời”, lẽ dĩ nhiên, sau vở diễn, các nhân vật trong văn học, sân khấu, điện ảnh lại trở về với cuộc sống đời thường và họ bê nguyên kiểu dáng y phục trên sân khấu vào trong cuộc sống thì làm sao tránh được cái màu mè, biến cải và khôi hài.

Xin đừng đánh đồng

Do ảnh hưởng của trang phục từ các nhân vật sân khấu kể trên, cho nên chính các nhà thiết kế thời trang, các nhà may đương đại đã góp phần bóp méo nét đẹp vốn nền nã, trang nhã, đoan trang, lịch thiệp của bộ trang phục áo dài ngũ thân truyền thống.

Thế nên, chúng tôi - nhóm Đình Làng Việt bị hiểu là các anh hai, chị hai, là ông Nghị Hách trong Giông tố của nhà văn Vũ Trọng Phụng, là Lưu Bình, Dương Lễ, là lý tổng, lý trưởng trong Ngao, sò, ốc, hến…là điều dễ đồng cảm. Nhưng đó là sự đánh đồng, ngộ nhận một cách đáng thương và cũng là đáng trách nữa.

Trong câu chuyện bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, nhóm Đình Làng Việt cũng muốn tôn vinh chiếu chèo sân đình, hát xẩm, hát xoan, hát cửa đình, hát quan họ, nhã nhạc cung đình Huế nhưng xin đừng đổ đồng “cá mè một lứa”.

(Còn nữa)

Đinh Hồng Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm