(Thethaovanhoa.vn) -
Trong tiểu thuyết Săn cá thần, Đặng Thiều Quang tả “bộ lạc câu cá” là những kẻ săn bắt hái lượm sót lại ở thời văn minh – qua lời kể của Đăng, một trí thức. Nhưng ngoài đời, tác giả chính là thành viên của “bộ lạc” đó.
Cây bút 7x (sinh năm 1974) được tuổi teen yêu thích trên báo
Hoa Học Trò một thời vừa ra mắt tiểu thuyết mới nhất,
Săn cá thần, hồi tháng 11. Đây là một tác phẩm mới lạ, ấn tượng trong năm của văn học Việt Nam.
Cá thần – hình tượng văn chương đặc sắc
Tác phẩm đến với công chúng theo cách khá đặc biệt: đăng dài kỳ trên trang web của
VOV vào năm 2012 nhưng còn dở dang. Ấn bản đầy đủ và được biên tập chỉn chu và xuất bản vào tháng 11 năm nay, do Nhã Nam và NXB Thời đại ấn hành. Tác phẩm có cốt truyện ly kỳ và tình tiết sống động.
Đặng Thiều Quang kể lại cuộc đi săn con cá thần – một sinh vật ít ai tận mắt nhìn thấy nhưng được đồn đại thì vô kể, ban đầu là của 2 người bạn, về sau là của một “bộ lạc câu cá” vì một vụ cá cược tiền tỷ. Địa điểm là sông Thiêng vùng Tây Bắc.
Xuyên suốt cuộc đi săn, tính cách và hoàn cảnh sống của từng nhân vật dần được bộc lộ. Càng đi về phía thiên nhiên, đối mặt với thử thách gian nguy, con người càng bộc lộ bản chất.
Hình tượng cá thần, được lấy đặt tên tác phẩm, là một sáng tạo đắt của Đặng Thiều Quang. Đó là biểu tượng của dục vọng, lòng tham của con người, cá thần cũng là một chiến quả vừa hữu hình vừa vô hình. Con cá thần vừa có thể hiện diện, tấn công những con cá lớn hay con người một cách man rợ, nhưng cũng là nỗi sợ vô hình bao trùm và ám ảnh.
Chính vì vậy, tác giả dùng từ “săn” – từ ít dùng với việc câu cá, bởi đây là một con cá quá lớn và hung dữ, vừa vì tâm thế của con người trong cuộc “săn” – không chỉ vì niềm vui, mà còn vì tiền và dục vọng.
Nhà văn Đặng Thiều Quang (trái) và bìa cuốn tiểu thuyết Săn cá thần.
“Tôi tin rằng câu cá là bản năng của con người”Săn cá thần là câu chuyện có chất giả tưởng, siêu thực, kinh dị. Trong đó, niềm đam mê câu cá của tác giả ảnh hưởng lớn đến tác phẩm. Trong buổi ra mắt sách, Đặng Thiều Quang cho biết, ngoài đời anh là thành viên của một "bộ lạc câu cá" như vậy.
Khi nói về bộ lạc, anh dùng từ “chúng tôi” trìu mến. Qua góc nhìn của nhân vật Đăng, đó là một nhóm người man rợ, ngổ ngáo và bạo lực, hoàn toàn ngoài cuộc. Nhưng những trang văn cụ thể và đầy hiểu biết về họ lại cho thấy Đặng Thiều Quang là người trong cuộc.
“Chúng tôi vẫn đùa: Bọn mình là những kẻ thời ăn lông ở lỗ còn sót lại trong xã hội văn minh này. Tôi tin rằng câu cá là bản năng của con người từ thời hồng hoang” – nhà văn chia sẻ.
“Cuộc đấu tranh sinh tồn của con người cũng giống như cảm giác lúc cầm cần câu, nếu câu được con cá to, kéo nó lên bờ là cả một nỗ lực to lớn, nhiều lúc tưởng như sắp đứt cần câu hoặc phải buông tay, nhưng khi kéo lên được, trong người lại ngập tràn hưng phấn, ta thấy như trở thành một người khác. Niềm đam mê này có thể khiến ta quên mọi thứ trên đời”.
Nhắn nhủ với Đặng Thiều Quang, nhà văn cùng tuổi Đỗ Bích Thúy bày tỏ: "Cách đây 20 năm, anh là cây bút tôi ngưỡng mộ vì những truyện ngắn đăng trên
Hoa Học Trò và
Tiền Phong với bút danh d’Artagnan".
Nữ nhà văn ngạc nhiên vì "d’Artagnan" ngày trước viết rất lãng mạn, nay viết trần trụi và chân thực. Yếu tố tục được tác giả vận dụng không chút run tay, theo thú nhận của anh, đôi khi viết hăng quá nên thiếu chừng mực.
Khi đưa bản thảo cho biên tập viên của Nhã Nam, anh đùa: “Xin lỗi, anh chỉ là thằng bán café” (vì ngoài viết văn, Đặng Thiều Quang còn là chủ quán café mang tên anh, với café tự sản xuất). Biên tập viên Diệu Thủy cho biết, nhiều đoạn trần trụi của Đặng Thiều Quang đã được tiết chế bớt khi in sách.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa