'Săn cá thần' cùng Đặng Thiều Quang

14/11/2013 13:28 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Trong văn của Đặng Thiều Quang ẩn chứa đau đớn, mất mát. Đôi chỗ siêu hình và cường điệu, nhưng đẹp!”

Đó là nhận xét của nhà báo, nhà thơ Lê Anh Hoài dành tặng cho các tác phẩm của Đặng Thiều Quang, đặc biệt là cuốn sách “Săn cá thần” trong buổi họp báo ra mắt độc giả ngày 13/11, tại Phòng Triển lãm, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam (36, Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

1. Buổi họp báo thu hút sự quan tâm đông đảo của các cơ quan báo chí, truyền thông. Cuốn tiểu thuyết “Săn cá thần” với nhiều tình tiết li kì và ý nghĩa được coi như sự quay trở lại văn đàn của Đặng Thiều Quang sau thời gian dài vắng bóng.

Đặng Thiều Quang mê viết văn từ nhỏ và từ thời sinh viên đã là một cây bút có tiếng. Những ai yêu mến Đặng Thiều Quang chắc hẳn sẽ bất ngờ trước “Săn cá thần”, bởi sự kịch tính, hoang đường, phiêu lưu và đạm chất kinh dị của nó, rất khác so với các tác phẩm trước đây của anh như Hoen gỉ (1996), Chờ tuyết rơi (2007), Bóng giai nhân (2009)…

Đọc “Săn cá thần” sẽ thấy ở đó màu sắc hiện thực huyền ảo. Hình ảnh con cá thần mang tính chất siêu thực xuất hiện ngay từ chương đầu tác phẩm như một biểu tượng. Nhiều người còn bán tín bán nghi với chuyện cá thần thì ngược lại, tác phẩm khiến người ta tin chắc vào cốt lõi hiện thực mà nó thể hiện.

Những câu chuyện tưởng chừng hoang đường nhưng dười ngòi bút Đặng Thiều Quang, nó được phác họa chi tiết, tỉ mỉ, gần gũi và xen kẽ vào đó là bức tranh hiện thực cuộc sống chẳng mấy xa lạ với chúng ta.

Nhà văn, nhà báo Đặng Thiều Quang tại buổi họp báo ra mắt “Săn cá thần”

2. Câu chuyện kể về hai gã đàn ông tẻ dấn thân vào cuộc săn con cá thần trên sông Thiêng miền Tây Bắc. Chẳng có gì ngạc nhiên khi thắc mắc, liệu con cá thần này “thật” tới đâu. Nói về điều này, Đặng Thiều Quang chia sẻ: “Con cá thần là một hình ảnh thú vị. Trong truyện của tôi nó là biểu tượng, nhưng ngoài đời là nguyên mẫu có thật”. Rõ ràng, nhà văn đã khéo léo trong việc khoác lên cuốn tiểu thuyết tấm màn huyền ảo, chi tiết hư cấu nhưng chất liệu từ cuộc sống bình dị, một bức tranh được dựng nên như thật và đầy sức cuốn hút.

“Săn cá thần” từ khi còn là những chương truyện nhỏ được đăng tải trên VOV 2 kì/tuần hay trên mạng xã hội facebook đã nhận được sự hưởng ứng và thích thú của các độc giả trẻ. “Đọc bản thảo của tôi đăng trên VOV, nhiều bạn đã để lại comment hi vọng tôi nhanh chóng viết tiếp chương mới. Thậm chí, có một số bạn còn tự sáng tác 1 – 2 chương nữa” – Đặng Thiều Quang cho biết.

Cuốn tiểu thuyết dù mới chỉ ở dạng sơ khai, thuộc dạng “văn nói” (theo lời tác giả) với những từ ngữ trần trụi và đời thường nhưng sự sống động và chân thực mà nó mang lại khiến người đọc không thể tự chủ mà đắm chìm trong đó. Như hòa vào thế giới của cuộc đi săn đầy bất ngờ, từ đầu đến cuối cuộc hành trình.

Bìa cuốn Săn cá thần

3. Ngoài đời, Đặng Thiều Quang rất nghiền câu cả và cũng là một tay câu có hạng. Chính vì thế mà tác giả có những trang văn viết về nghề câu cá với những công phu của nghề một cách tự tin và tự nhiên. Những hiểu biết thực tế về những chuyến đi câu, đi săn cá đã trở thành một cái xương sống vững chắc cho những dụng ý nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết. “Tác phẩm tái hiện cuộc sống trần trụi với những tiền và dục vọng, là con người hiện đại và tự tin, không sợ hãi bất cứ điều gì, muốn chinh phục và chiếm hữu những thứ “đỉnh nhất” – chị Diệu Thủy, biên tập viên Nhã Nam chia sẻ.

Thông qua hình tượng con cá thần, Đặng Thiều Quang gửi đến chúng ta thông điệp về niềm tin, về một giá trị, về sự hướng thiện trong mỗi con người, về những gánh nặng cơm áo gạo tiền rất đỗi bình dị trong cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết đi tìm những giá trị chân, thiện, mỹ mà nhân vật “tôi” hướng đến. Trong cuộc sống luôn có giá trị nào đó, chẳng phải mỗi người luôn đang đi săn một con cá thần nào đó của riêng ta sao?

“Săn cá thần” được coi là bước đột phá mới trong phong cách viết của Đặng Thiều Quang. Dù xuất hiện với một diện mạo mới đầy sành sỏi, lọc lõi, trải đời, thậm chí đầy nhọc nhằn, tuyệt vọng và cay nghiệt, thế nhưng, chất tinh tế, lãng mạn và những giá trị nhân văn trong tác phẩm không mất đi, vẫn luôn hiện hữu, thường trực và ghi dấu ấn như “Phải lòng” thưở nào.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm