Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Bình Phương: Tôi vẫn là kẻ mộng mơ

25/02/2012 14:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ít khi trả lời phỏng vấn trên báo chí, lại không thích đám đông, thế nhưng cái tên Nguyễn Bình Phương thường được nhắc tới trong các hội thảo tọa đàm, trên bài trả lời phỏng vấn của nhà nghiên cứu, phê bình văn học, cả trong những tiệc rượu giữa trưa của dân sáng tác văn chương bởi sự làm nghề nghiêm túc, giàu sáng tạo của anh.

Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Tác phẩm thơ mới nhất của nhà văn - nhà thơ Nguyễn Bình Phương là Buổi câu hờ hững, vừa ra mắt, đã được giới chuyên môn chắc nghề đánh giá cao. Đọc tác phẩm để tìm chân dung bên trong con người viết, đối thoại với người viết để hiểu hơn về tác phẩm. TT&VH trò chuyện cùng anh:

* Tập thơ Buổi câu hờ hững ra mắt và nhận không ít lời ngợi khen của đồng nghiệp cũng như một số nhà nghiên cứu văn học uy tín, anh cảm thấy ra sao?

- Tôi thấy là đã làm được một việc là gói lại một quãng thời gian sáng tác. Vậy thôi.

* Tác phẩm này có gì khác so với tập thơ trước?

- Tôi thấy tôi trầm đi, già hơn, ít ảo huyền hơn dù tôi tin rằng mình vẫn là kẻ mộng mơ. Dù sao tôi vẫn giữ cho mình một cõi riêng, trong thơ.

* Khi đọc tác phẩm của anh, thấy tác giả như đang ở trong một thế giới khác viết ra. Thế giới đó sống trong anh ra sao?

- Thật là khó cắt nghĩa cho rạch ròi điều này. Tôi cho rằng, mình là người không thuộc tuýp vui và lạc quan. Tôi luôn luôn có cái gì đó như là u uẩn, lưu đày, luôn lo lắng, luôn phấp phỏng bồn chồn với cuộc sống. Đời tôi bảo có phút thư thái thì hiếm lắm, có chăng cũng chỉ thoảng qua và có dài hơn chút nữa cũng chỉ là vờ thế thôi. Tôi thấy cuộc sống luôn bất an, nó không suôn sẻ, không đẹp như tôi hình dung và tôi thấy sống thực sự là một gánh nặng với quãng đường quá dài. Những cái đó một phần tác động tới cách viết của tôi. Một phần nữa là bởi quan niệm.

Theo tôi, nghệ thuật không phải là sao chép đời sống mà là tái tạo đời sống theo cách của ta. Viết, tức là trình ra một thế giới khác, nhưng từ thế giới này và có ích với thế giới này. Tôi quan sát, tôi trải nghiệm và tôi nghĩ về nó, tôi thấy nó là thế này chứ không phải là thế kia, tôi thấy trái tim đập dưới gót chân người ta chứ không phải ở lồng ngực và ý nghĩ nhìn thế giới chứ không phải đôi mắt nhìn thế giới. Tôi thấy đời người là u buồn dù cho đến giờ phút này chúng ta ngập chìm trong những thú vui, ngập chìm trong cảm giác về sự chúa tể của mình với một trái đất nhỏ xíu trong lòng tay. Tôi không bi quan nhưng tôi không quá hớn hở với cuộc sống dù nó rất thú vị.

* Ngừng viết, làm thế nào để anh cân bằng, bước ra cuộc đời thực này?

- Khi viết, tôi không quan tâm tới bất cứ gì quanh mình, tôi chìm vào đó và có cảm giác như sống trong cái thế giới mà mình đang viết. Khi đang viết thì tôi thật sự thấy có khoái cảm. Viết xong, thì lãng xa khỏi thứ mình vừa viết, cố gắng lãng quên nó và bắt tay vào làm một việc khác, không dính dáng gì tới văn chương. Ngừng viết, ngay lập tức tôi đối diện với sự thật rằng mình là một kẻ bình thường như những người bình thường khác, phải làm việc, phải lo toan, phải trách nhiệm, phải mưu cầu. Tôi rèn cho mình thói quen là khi ngồi viết khác hẳn với khi sống, không dính dáng tới nhau. Tôi sống theo phương châm do chính tôi đặt ra: nhà văn là kẻ viết không giống ai và sống như mọi người.

* Những trang viết của anh đầy sáng tạo bao nhiêu, thì cuộc sống đời thường của anh bình dị bấy nhiêu, anh có thể chia sẻ điều đó?

- Tôi cũng không để ý lắm tới điều này, chỉ biết mình thế nào thì sống thế ấy, nghĩ thế nào thì viết thế ấy. Còn lại thì để mọi người phán xét. Có điều tôi không thích ồn ào, không thích khua chiêng gõ mõ, không thích xuất hiện ở chỗ đông người vì thấy rất mệt và rất vô nghĩa. Tôi khoái sự lặng lẽ, trầm tĩnh hơn. Tôi không thích những người hám danh và những người máu mê làm thủ lĩnh. Tính tôi thì rất hiền trong đời sống, nhưng khi chạm đến nghề nghiệp tôi thấy mình cũng là người nghiêm khắc, đôi khi khó tính. Sự cầu kỳ tôi cũng không thích. Tôi ghét thói đố kỵ, nhất là đố kỵ trong nghề nghiệp.

* Ở thơ và tiểu thuyết, anh đều ghi dấu ấn sáng tạo cá nhân, vậy  mỗi thể loại trong anh  có ý nghĩa như thế nào?

- Với tôi, đơn giản đó là hai thể loại mà tôi thích. Thường khi có ai đó thắc mắc rằng thơ và văn xuôi là hai thứ khác xa nhau sao tôi có thể viết được cả hai? Họ hỏi một cách nghi ngờ. Và tôi chỉ cười. Thực ra thơ hay văn xuôi thì cũng vẫn chỉ là sáng tạo nghệ thuật và chẳng nên quá câu nệ vào sự chia tách thể loại. Người ta có thể viết cả hai nếu người ta có khả năng, và rất nhiều nhà văn trên thế giới, nhiều những bậc thầy đã như thế.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm