“Kịch trà” Tâm Ngọc

12/11/2012 08:25 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Lâu nay nghe đến phòng trà (dù ở đó thường không có “nước trà”) thì người ta nghĩ ngay đến nơi để nghe nhạc sống, còn “kịch trà” để xem kịch thì quả là xa lạ. Bằng cách kết hợp mô hình phòng trà và quán cà phê, Kịch Tâm Ngọc (15-17 Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM) dù chưa chính thức gọi mình là kịch trà, nhưng bản chất của nó đã như vậy.

Với mô hình nhỏ, Kịch Tâm Ngọc khai màn lúc 19h30 các ngày thứ Tư, thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, có sân khấu riêng và đủ bàn ghế cho khoảng 100 khách mỗi suất diễn, phục vụ nước uống tại bàn. Sân khấu non trẻ này với đa phần là diễn viên trẻ, họ thường mới ra trường, chưa có tên tuổi.

Nói như anh Phạm Vũ Kiên (giám đốc Kịch Tâm Ngọc): “Tôi có vài người bạn mới tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh và sân khấu Kịch Hồng Vân, họ chia sẻ là sau khi học xong phải đến 90% là thất nghiệp và bỏ nghề. Từ đó, tôi nảy ý định thành lập sân khấu cho các bạn diễn viên này. Nhìn vào thực lực thì chúng tôi chưa thể làm một sân khấu thuần túy, nên đã kết hợp với sự thoải mái của quán cà phê, với nhiều loại nước uống, để khán giả thấy thân thiện hơn”.

Sân khấu “kịch trà” Tâm Ngọc

Nhìn vào kịch mục, nào là Ma búp bê, Hồn về từ đáy mộ, Mổ xác, Tử thi 25 năm… dễ tưởng sân khấu này chuyên kịch kinh dị. Nhưng không, các vở kịch của họ là sự kết hợp của kịch tâm lý, bi hài kịch và kinh dị… để thành vở kịch dài đa thể loại. Nhìn cách họ dựng một vài vở cũng cho thấy tính trường quy và tính bài bản vẫn “treo bên lưng”, nên họ luôn cố gắng làm theo hướng bài bản.

Với giá vé 80.000 đồng đã bao gồm nước uống, doanh thu tối đa cũng khá giới hạn nên tiền cát-sê là rất khó khăn với một vở kịch dài, thường cần đến 5-7 diễn viên. “Khó khăn này mọi người đã biết trước khi tham gia làm việc tại sân khấu này, nên chẳng có ai bất ngờ. Cùng chung sức xây một ngọn tháp, mà ngành nghề khác xây viên gạch nào họ hưởng viên đó, còn chúng tôi phải xây đến viên cuối cùng mới được hưởng thành quả công sức của mình. Nên vấn đề lợi nhuận của riêng tôi và của anh chị em tại sân khấu là ngày chúng tôi xây xong ngọn tháp mơ ước ấy. Chính vì vậy, dù đang gặp muôn vàn khó khăn chúng tôi đều có niềm tin vào tương lai, nên cố gắng hết sức để đi đường dài và vươn lên”, anh Phạm Vũ Kiên cho biết thêm.

Tối 10/11, kịch trà Tâm Ngọc đã ra mắt vở hài kịch - tâm lý Tình so le; họ cũng đang chờ ngày phúc khảo vở Tử thi 25 năm, được đầu tư tốt. Với hơn 20 diễn viên trẻ, kịch trà Tâm Ngọc vẫn đang tiếp tục tuyển thêm và dự định mở thêm chi nhánh hoặc mở rộng quy mô để các bạn trẻ khác có nơi hành nghề, để tiếp tục chung sức xây tiếp “ngọn tháp” Tâm Ngọc.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm