“Tiểu” ca kịch ra cà phê Bệt

04/03/2011 14:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau 5-6 suất diễn, nay Tình ca phố (KB: Tiến Đạt, ĐD: Thanh Tùng) đã thực sự nhuyễn hơn, khiến khán giả nhận ra nhiều điều ý vị hơn. Vở “tiểu” ca kịch này sẽ có suất diễn mới vào đêm 8/3, cũng tại cà phê Bệt, TP.HCM.

Gọi Tình ca phố là “tiểu” ca kịch vì nó thực sự không phải vở ca kịch theo lẽ thông thường. Các nghệ sĩ trẻ đã mạnh dạn rút gọn và kết hợp kịch nói với ca khúc để tạo thành một vở diễn biến tấu, làm nhòa ranh giới thể loại. Các ca khúc như Quán quen, Sài Gòn cao, Đợi, Ghét, Em đi... vừa làm nhiệm vụ thay thế lời thoại để nhân vật bày tỏ tâm sự, vừa là bài hát độc lập.

Một cảnh trong Tình ca phố
Nếu vở này diễn ra ở các không gian lớn như nhà hát thì sẽ còn rất nhiều điều phải bàn, nhiều lỗ hổng phải bù đắp. Thế nhưng vở này lại diễn ở quán cà phê, với không gian khoảng 70 m2, mọi thứ trở nên xinh xắn, vừa phải.

Cà phê Bệt gần như không có sự phân biệt giữa sân khấu và hàng ghế khán giả, nên tiếng hát của họ như chen lẫn vào dòng đời. Cũng giống như khi ta ngồi ngoài công viên, đi trong siêu thị mà nghe đâu đó lời hát: “Sài Gòn chưa xa đã nhớ... tình yêu chưa xa đã nhớ...”.

Cảm hứng chủ đạo của vở diễn là một chuyện tình trong trắng, lãng mạn ở Sài Gòn. Thế nhưng, cái kết của vở diễn thì hoàn toàn khác biệt, khi tác giả cho chàng trai Sài Gòn chết trong một tai nạn, mà chưa một lần tỏ tiếng yêu. Phải biết quý những giây phút hiện tại, hãy yêu thương, sẻ chia ngay khi còn có thể... phải chăng là thông điệp mà các nghệ sĩ muốn gởi cho khán giả?

Xem xong Tình ca phố, nhưng ai khắt khe có thể thấy không hài lòng ở nhiều điểm, nhưng nếu nhìn vào cách mà các nghệ sĩ trẻ biến tấu cùng không gian nhỏ hẹp thì rất đáng khâm phục. Bởi ứng biến và tương tác cùng hoàn cảnh vốn là xu thế mới của nghệ thuật đương đại.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm