Cục trưởng Cục Điện ảnh: "Sẽ không chia tiền làm phim theo kế hoạch nữa"

12/01/2013 06:27 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Cát nóng bất ngờ “nóng rãy” chuyện tranh cãi kịch bản, Mùa hè lạnh suýt phải hủy lịch chiếu vì không kịp duyệt. Các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam bức xúc trước tương lai sắp xóa sổ “ngôi nhà” từng là “rường cột” của điện ảnh nước nhà. Cuộc đối thoại đầu năm với TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, toàn chuyện nóng.

* Liên quan tới những lùm xùm quanh phim "Cát nóng", với tư cách là người đứng đầu Cục Điện ảnh, người “đặt hàng” Hãng phim Giải phóng sản xuất phim này từ kịch bản của Phạm Thùy Nhân, lại cũng là người nghiệm thu phim với kịch bản Lê Hoàng, xin bà cho biết ý kiến?

- Cát nóng do Hãng phim Giải Phóng sản xuất, kịch bản văn học: Phạm Thùy Nhân, kịch bản phân cảnh và đạo diễn: Lê Hoàng, được đưa vào sản xuất năm 2011 trước khi tôi về Cục Điện ảnh. Phim được chọn chiếu khai mạc tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ hai bởi chỉ có nó kịp hoàn thành trước LHP, trong khi các phim khác đăng ký dự thi hoặc dự kiến chiếu khai mạc đều không hoàn thành, thậm chí có những phim đến tận bây giờ vẫn đang trong giai đoạn hậu kỳ. Phim chiếu khai mạc bao giờ cũng là phim công chiếu lần đầu, không thể là phim đã chiếu rạp hay ra mắt ở đâu đó. Bộ phim này cũng được Hội đồng T.Ư thẩm định phim truyện cho điểm bình quân trên 8.

* Vậy còn "Mùa Hè lạnh" “vượt rào” đặt lịch chiếu trước khi duyệt, hiển nhiên là sai luật. Thực tế, cơ quan quản lý “xử” những vấn đề này như thế nào?

- Về nguyên tắc, phim chưa có giấy phép phổ biến chưa được đặt lịch chiếu. Năm ngoái, Bẫy cấp ba không được phép phổ biến, dù đã được công bố lịch chiếu. Có giấy phép phổ biến, phim mới đặt lịch chiếu. Luật như vậy nhưng một số công ty cố tình làm không đúng quy định. Bản trình duyệt không đạt yêu cầu, phải xem đi xem lại thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của hãng phim. Cục đã nhắc nhở, lỗi hoàn toàn thuộc hãng phim. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn của điện ảnh, nhiều nguyên tắc cấp phép làm nghiêm, đúng theo luật, nhưng cũng có những sự việc xử lý có tình, có lý, đặc biệt là đối với những phim Việt Nam. Phim của nhà sản xuất trong nước bao giờ cũng ưu tiên về thời gian. Quy định 15 ngày sau khi trình duyệt mới cấp giấy phép, nhưng chúng tôi luôn cố gắng thu xếp lịch thẩm định sớm, và hầu như các hãng không phải chờ lâu như thế.

* Hội đồng thẩm định phim truyện có nhiệm vụ chấm điểm phim. Nhiều bộ phim năm vừa qua bị báo giới gọi là “thảm họa”, liệu bà có nhớ số điểm của chúng không?

- Quy chế thẩm định phim quy định việc chấm điểm, xếp bậc phim để trả nhuận bút. Vì là Hội đồng thẩm định phim nên ngoài việc thẩm định đúng sai, còn phải đánh giá chất lượng tác phẩm.

Về điểm chấm các phim năm qua, để có con số chính xác thì tôi cần kiểm tra lại. Với phim truyện của Việt Nam, để đạt từ 8 trở lên không dễ. Khá nhiều phim chỉ đạt trên dưới 6 điểm, chủ yếu là phim tư nhân mà bạn gọi là “thảm họa”. Còn phim tài liệu, hoạt hình năm qua được hội đồng đánh giá tốt - có đến 4 phim tài liệu và 2 phim hoạt hình được xếp bậc 3 (là bậc cao nhất, điểm trung bình trên 8,5) dù có những năm trước đó không có phim nào đạt bậc 3.

Mùa Hè lạnh suýt bị “tuýt còi” vì lịch ra mắt có trước khi phim được Hội đồng thẩm định thông qua

* Tới đây, có những chính sách, định hướng nào theo bà sẽ tác động lớn tới đường đi của điện ảnh Việt Nam?

- Khi tôi tiếp nhận Cục Điện ảnh, có hai việc tồn tại (từ năm 2007 khi có Luật Điện ảnh ra đời) đã được hoàn thành. Thứ nhất là soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn đặt hàng và đấu thầu sản xuất phim từ ngân sách nhà nước, hiện văn bản đã chuyển sang Bộ Tài chính, đang chờ ý kiến phối hợp. Phim đặt hàng nhắm vào đề tài truyền thống cách mạng, lãnh tụ, danh nhân văn hóa, phim phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc, tất nhiên có giá trị nghệ thuật cao, đề tài thiếu nhi… Khi thông tư ra đời sẽ không còn việc duyệt kịch bản do các hãng phim trình, rồi phân chia kinh phí cho hãng đó làm phim theo kịch bản được duyệt nữa mà Cục Điện ảnh căn cứ đánh giá của Hội đồng thẩm định và tuyển chọn kịch bản đấu thầu để mua đứt bản quyền kịch bản được chọn, sau đó sẽ mời các hãng phim - cả hãng nhà nước và tư nhân - xây dựng dự án làm phim để lựa chọn cũng theo phương thức đấu thầu. Hoặc cũng có thể Cục sẽ tổ chức tuyển chọn các dự án làm phim bao gồm kịch bản và phương án sản xuất chi tiết - có nghĩa là một bộ phim trên giấy. Như vậy sẽ bình đẳng hơn, xã hội hóa thực sự hơn và chất lượng phim hy vọng sẽ nâng cao hơn. Quan trọng nhất là sẽ tránh được tình trạng kiện cáo, thắc mắc tồn tại dai dẳng giữa biên kịch và đạo diễn (nhiều khi chỉ vì động cơ cá nhân mà làm um xùm, mang tiếng chung cho ngành điện ảnh), cũng tránh được việc kịch bản do hãng phim trình duyệt, nhưng khi được cấp kinh phí thì các đạo diễn hãng đó lại chê bai, để lay lắt năm này qua năm khác, hãng không hoàn thành phim đúng hạn. Hiện nay, có phim cấp tiền từ năm 2009 - 2010 mà chưa hoàn thành.

Thứ hai là lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam, có hai mục tiêu chính, một là để thưởng cho những tác phẩm nhân văn, có giá trị nghệ thuật… (thưởng sau, nhưng là khoản lớn để đầu tư cho các dự án tiếp sau) và hai là đầu tư cho tác giả trẻ, phim thể nghiệm, mang tính nghệ thuật… Như vậy, việc đầu tư cho điện ảnh nếu thực theo thông tư và qua quỹ sẽ có điều kiện cho điện ảnh Việt Nam phát triển cân đối, cả mảng phim truyền thống lẫn mảng phim nghệ thuật - phim tác giả…

* Trong thế cạnh tranh sòng phẳng với các hãng phim tư nhân, số phận các hãng phim nhà nước sẽ ra sao?

- Không có cách nào khác phải có dự án tốt. Không thể phân chia theo kế hoạch nữa. Năm 2012 đã không có dự án phim truyện nào được cấp ngân sách sản xuất.

* Hãng phim Truyện Việt Nam sắp rơi vào trạng thái chết lâm sàng. Bà nghĩ sao về số phận của hãng phim này?

Cả năm 2012, ngành điện ảnh không được cấp bất kỳ một đồng nào để làm phim truyện. Sau sự cố thất thoát hàng chục tỷ đồng ở Cục Điện ảnh, tài khoản của Cục bị phong tỏa. Tới giữa năm 2012, với sự can thiệp của Bộ VH,TT&DL và các cơ quan chức năng, tài khoản mới được mở trở lại.

- Hãng vẫn là nơi tập trung nhiều nhất nguồn lực con người, các nhà biên kịch, đạo diễn được đánh giá cao. Nhiều người tài ở đó. Đã thành chủ trương, anh buộc phải có kịch bản có chất lượng hoặc dự án khả thi. Bản thân truyền thống đã là thuận lợi. Một bên họ có thể theo đuổi những phim đặt hàng được đầu tư, đi theo hướng chính thống. Mặt khác, nếu quỹ hỗ trợ được thông qua, hãng cũng có cơ hội làm phim nghệ thuật. Tên của hãng bây giờ là Công ty TNHH MTV nghĩa là hãng phim trở thành doanh nghiệp, về quy định, nếu Bộ đầu tư cho doanh nghiệp là sai luật.

* NSƯT Vương Đức - người đứng đầu hãng phim - nói rằng, hai năm nữa nếu không có những làn gió mới, hãng phim sẽ…chết. Cục Điện ảnh và Bộ VH,TT&DL có động thái nào đó hỗ trợ hãng phim hay chỉ ngồi đó và áp dụng luật cứng?

- Đầu tiên hai dự án phim của hãng phải hoàn thành: Những người viết huyền thoạiNếu anh còn được sống. Cục, Bộ rất ủng hộ nhưng quan trọng là phải trông vào chất lượng của phim.

* Vì sao khi ngành điện ảnh đang đối mặt với vô vàn khó khăn, bà lại đồng ý trở lại vị trí “đứng mũi chịu sào” ở Cục Điện ảnh?

- Đó là một quyết định được lãnh đạo Bộ ban hành rất nhanh sau một chuyến tôi đi công tác trở về. Buổi chiều ngày đầu tiên đi làm là lúc công bố quyết định, nên không có thời gian phân vân, đắn đo. Nếu có phân vân thì cố mà làm vì đó là ngành mình theo học, cũng đã có nhiều kinh nghiệm công tác. Điện ảnh là ngành mà tôi say mê, là nơi có thể tự tin. Nhưng một mình tôi thì không thể xoay chuyển được gì. Mừng là cho đến nay hình như đâu đó đã nhen nhóm một bầu không khí tích cực trong ngành…

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm