Điện ảnh Việt Nam thời kỳ Đổi mới: Người ngoài khen, người nhà… bối rối

27/11/2012 08:09 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua (26/11), cuộc hội thảo quốc tế Điện ảnh VN thời kỳ Đổi mới được tổ chức trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội với sự tham dự của hai thành viên ban cố vấn LHP là bà Aruna Vesudev - Chủ tịch của mạng lưới Khuyến khích điện ảnh châu Á (NETPAC) và bà Jeannette Paulson Hereniko - người sáng lập LHP Quốc tế Hawaii. Hai vị khách nước ngoài này chính là những người đầu tiên đưa phim Việt ra thế giới kể từ sau ngày  miền Nam hoàn toàn giải phóng.

>> Theo dõi thông tin LHP Quốc tế Hà Nội tại đây

Bà Aruna Vesudev đặc biệt ấn tượng với các tác phẩm của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh. Những tên phim của ông được nhắc tới như: Bao giờ cho tới tháng Mười, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê… Những bộ phim đã trở thành động lực thôi thúc bà Aruna tới Việt Nam sau này.


Đạo diễn Lê Hoàng (bìa phải) phát biểu tại hội thảo quốc tế Điện ảnh VN thời kỳ Đổi mới

Trong khi đó, bà Jeannette Paulson Hereniko được khẳng định là người đầu tiên đưa phim Việt tới các LHP ở Mỹ, theo lời kể của TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh. Bà Jeannette không thể quên được buổi chiếu Bao giờ cho tới tháng Mười khi mà hai rạp chiếu ở cạnh nhau thì một rạp chiếu phim chiến tranh Việt Nam, một rạp chiếu phim chiến tranh của Mỹ. Có những phụ nữ Mỹ đã lao ra khỏi rạp chiếu và khóc nức nở khi xem bộ phim này.

Những người bạn nước ngoài có một ấn tượng khá đẹp về phim Việt Nam thời kỳ đổi mới. Trong khi đó, cả biên kịch Trịnh Thanh Nhã và đạo diễn Lê Hoàng - hai trong số bốn đại biểu Việt Nam có tham luận tại hội thảo lại cho rằng, điện ảnh Việt thời kỳ đổi mới là một cuộc chuyển mình bối rối hay cuộc đấu tranh giữa phim Nhà nước và phim tư nhân, phim nghệ thuật và phim thương mại…

Nói về sự “bối rối” của nền điện ảnh, bà Nhã cho rằng: “Sự “lên ngôi” rồi nhanh chóng lụi tàn của dòng phim thương mại, hay còn gọi là phim “mì ăn liền” hồi những năm 1986-1999 đã để lại một hệ lụy nặng nề. Đó là sự “nghiệp dư hóa” trong sản xuất phim của Việt Nam. Hệ quả đó còn để lại di chứng đến ngày nay. Nó phá tan đội ngũ, hủy hoại tính chuyên nghiệp và cả lòng tự trọng nghề nghiệp của một số cá nhân nghệ sĩ. Đây là hai bài học chưa bao giờ cũ cho điện ảnh Việt”.

Còn đạo diễn Lê Hoàng vẫn nguyên bức xúc về sự phân biệt phim thương mại và phim nghệ thuật, phim Nhà nước và phim tư nhân như nhiều năm trước đó. Khẳng định sự song hành của những dòng phim này như một tất yếu, đạo diễn cho rằng, một cái nhìn công bằng với các dòng phim là điều cần thiết.

Hà Chi - Hoàng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm