5 'Già làng' và ông Tiến sĩ Nhật: Vì một bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan

20/08/2013 07:18 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

>>> Giải Bùi Xuân Phái lần 6 - năm 2013

(Thethaovanhoa.vn) - Đều qua cái tuổi “thất thập”, song các ông không nghỉ ngơi, tận hưởng thú điền viên tuổi già. Ngược lại, họ quyết chìm nổi theo con nước sông Hồng để tìm kiếm những mảnh gốm cổ nhằm “Tìm lại cội nguồn của làng”.

Nhiều người bảo họ lẩm cẩm, cho đến một ngày, dư luận cả nước bất ngờ trước thông tin làng Kim Lan thành lập bảo tàng gốm cổ.

Nhờ tình yêu quê hương, bản quán trong sáng, hồn hậu của 5 ông lão ở làng Kim Lan cùng sự giúp đỡ vô tư và tận tụy của TS Nishimura, những trang sử đất Kim Lan đã được “đánh thức”… 

Chân trần “tìm về nguồn cội”

“Tôi nhớ như in ngày 28/5/1999, tôi cùng một nhóm cán bộ sang Long Biên thăm làng Kim Quan Sở. Làng này có nhiều địa danh trùng tên với làng Kim Lan. Tôi bắt đầu băn khoăn về nguồn cội của làng và những mối quan hệ liên quan.”- ông giáo làng về hưu Nguyễn Văn Nhung mở đầu câu chuyện khi “thuyết minh” tại Bảo tàng gốm sứ Kim Lan.

Bảo tàng gốm có phần mái được thiết kế cách điệu theo các kiểu lò nung gốm của người dân Kim Lan. Bảo tàng do TS Nishimura và 5 “già làng” Kim Lan ngược xuôi để xây dựng

Nói là làm, từ cái “băn khoăn về nguồn cội” của tuổi già, ông Nhung mau chóng tìm những người có tuổi trong làng giãi bày và thành lập nhóm “Tìm về nguồn cội của làng” sau đó không lâu. Nhóm gồm các ông Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Việt Hồng, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Tiến Cung và Nguyễn Văn Lanh.

“Trước đó, năm 1996, ông Nguyễn Việt Hồng, bạn tôi, có tìm được rất nhiều mảnh gốm cổ. Ông Hồng kể năm diễn ra trận lụt lịch sử, khi nước rút, nhà lại ven sông, ông bước ra cửa bỗng thấy bạt ngàn những mảnh gốm với hình thù kỳ lạ trên bãi sông. Là dân gốm, ông Hồng biết đấy chính là những mảnh gốm cổ quý giá”- ông Nhung kể.

Từ khi thành lập nhóm “Tìm về nguồn cội của làng”, các “già làng” miệt mài kiếm tìm những mảnh gốm cổ ven bờ sông Hồng. Theo ông Nhung, trở ngại lớn nhất của nhóm là không có chuyên môn khảo cổ, không thể xác định niên đại hay giám định giá trị thật của những món đồ cổ tìm được. Tuy nhiều văn bản được gửi đi từ Kim Lan tới các đơn vị có chuyên môn đề nghị giám định song đều bặt vô âm tín.


Ông Nguyễn Văn Nhung - một trong 5 già làng của làng Kim Lan

“Ngôi nhà Nishimura”

Ngày 24/4/2000, một đoàn khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tới Kim Lan. Đặc biệt, trong thành phần đoàn có một tiến sĩ người Nhật. “Thực tình, lúc đó tôi nghĩ “ông Nhật” tới chắc chỉ xem chơi thôi, nào ngờ sau này ông ấy đã tin tưởng và dốc toàn lực cùng chúng tôi xây bảo tàng”- ông Nhung xúc động khi nhớ về TS Nishimura Masanari.

Kim Lan - làng gốm từ thời Trần

Kim Lan từng là trung tâm sản xuất gốm sứ cổ vào thế kỷ 13-14. Gốm Kim Lan có thể từng được xuất khẩu do những mảnh gốm thời Trần có hoa văn gần giống những mảnh gốm tìm thấy ở Philippines và Indonesia. Khu vực Hàm Rồng, xã Kim Lan được công nhận là Di chỉ khảo cổ học.

Bảo tàng Kim Lan hiện nay trưng bày khoảng 300 hiện vật (kể cả các sản phẩm, hiện vật mới của làng gốm). Dù không gian không rộng, hiện vật không nhiều nhưng khá đa dạng loại hình, chất liệu, niên đại, và được bày biện rất khoa học, hiện đại.

Đón tiếp đoàn nghiên cứu, ông Hồng đã kéo ra 2 bao tải những hiện vật từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 17 gồm: Tiền cổ, đồ gốm, chậu sành, hũ sành, gốm sứ gia dụng… Đoàn nghiên cứu lập tức cùng người dân Kim Lan kiểm kê, phân loại từng nhóm hiện vật. Liên tục sau đó, từ năm 2001 đến 2003, TS Nishimura đã tham gia 3 đợt khai quật khảo cổ trên bãi Hàm Rồng (nơi các ông lão ở Kim Lan vẫn nhặt cổ vật).

Không chỉ nghiêm túc trong chuyên môn, TS Nishimura còn gắn bó như một người dân của làng Kim Lan, một thành viên danh dự trong nhóm “Tìm về cội nguồn làng”. “Khi có nhiều món đồ có giá trị của cha ông, chúng tôi nảy ra ý định kêu gọi cả làng chung tiền xây một cái nhà trưng bày. Nishimura tán thành ngay và quyết xây “Bảo tàng Khảo cổ học cộng đồng”, điều chúng tôi chưa từng mơ tới”- ông Nhung nhớ lại.

Cùng TS Nishimura, 5 ông già ở làng Kim Lan ngược xuôi lo trăm bề để xây bảo tàng. Tới ngày 20/3/2012, một bảo tàng cấp xã chính thức khánh thành tại Kim Lan.

Từ việc thiết kế và quyên góp 30.000 USD để xây dựng bảo tàng, tới việc sắp đặt, viết lời bình… đều do TS Nishimura thực hiện. Ông còn hiến tặng một số gốm cổ châu Á từ bộ sưu tập cá nhân để người xem dễ bề so sánh với Kim Lan.

3 đề cử giải Việc làm của Giải Bùi Xuân Phái 2013

- Việc tìm kiếm các bằng chứng lịch sử và tổ chức vinh danh các liệt sĩ Hà Nội đã hy sinh tại Chư Tan Kra’ (Kontum).

- Việc 5 “già làng” Kim Lan cùng tiến sĩ Nhật Bản Nishimura đã xây bảo tàng gốm cổ cho làng.

- Việc thống nhất quản lý mặt bằng để thực hiện Quy hoạch Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Lễ công bố và trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013 diễn ra ngày 29/8/2013.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm