(Thethaovanhoa.vn) -
Ngày 30/10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Huyền Trân.
Trần Huyền Trân tên thật là Trần Đình Kim, sinh ngày 13/9/1913 và mất ngày 22/4/1989 tại Hà Nội. Ông quê ở huyện Ân Thi (Hưng Yên); tham gia phong trào thơ mới. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Việt Minh, làm việc ở đoàn kịch Tháng Tám. Sau1954, Trần Huyền Trân chuyển sang hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực sân khấu.
Làm thơ từ năm 20 tuổi, Trần Huyền Trân đã để lại một di sản văn học, nghệ thuật khá đồ sộ, gồm 13 vở kịch - kịch thơ, 17 vở chèo, như: Lên đường, Hoàng Văn Thụ, Đêm trong tù, Lam Sơn tụ nghĩa, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tiếng hát bên nôi, Tạ Thị Kiều, Lửa Hà Nội, Lý Thường Kiệt... Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của khối lượng lớn những tác phẩm văn xuôi, tiểu thuyết: Tấm lòng người kỹ nữ, Người ngàn thu cũ, Sau ánh sáng, Lẽ sống… và hơn 100 bài thơ viết từ trước cách mạng tháng Tám. Từ những đóng góp trên, Trần Huyền Trân được truy tặng Giải Thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2007).
Chân dung Trần Huyền Trân
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Thành tựu của Trần Huyền Trân đóng góp cho nghệ thuật Việt Nam là rất lớn. Thơ của ông so với Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu… không thua kém, song việc có nhiều ý kiến đánh giá chưa hết những đóng góp của ông trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong hoạt động cách mạng, nhất là trong văn hóa cứu quốc là một thiệt thòi lớn đối với Nhà thơ và gia đình Trần Huyền Trân. Đây cũng là thiếu sót lớn của Hội Nhà văn Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị:
Báo Văn nghệ, Tạp chí
Thơ, Website của Hội, tuyên truyền đúng mức về Trần Huyền Trân. Bảo tàng văn học dành không gian riêng trưng bày ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp Nhà thơ. Đặc biệt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn chịu trách nhiệm tổng hợp những tư liệu về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Trần Huyền Trân để xuất bản tổng tập về một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỷ 20.
Nhà văn, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ và Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng đã chia sẻ nhận định xung quanh sự nghiệp phong phú của “con người nghệ sĩ” Trần Huyền Trân trên nhiều lĩnh vực tiểu thuyết, thơ, sáng tác kịch bản sân khấu, đạo diễn sân khấu, hoạt động báo chí.
Thethaovanhoa.vn xin giới thiệu những ký họa Nhà thơ Trần Huyền Trân của bạn bè nghệ sĩ cùng thời:
P.V - Nguyễn Quốc Trị - TTXVN