Trần Huyền Trân & tuyên ngôn thế hệ văn nghệ lãng mạn

14/09/2013 10:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân đã không kịp nghiên cứu kỹ Trần Huyền Trân, cũng bởi lẽ nhà thơ này không xuất lộ sớm hơn. Hôm nay (14/9), Hội Nhà văn Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo về ông.

1. Khi viết tới những trang cuối Thi nhân Việt Nam, dường như Hoài Thanh - Hoài Chân đã mệt mỏi sau khi đã nghiên cứu giới thiệu đến 45 nhà thơ mới một cách thấu đáo. Như một doanh gia sau thời gian tất bật với thị trường, đang muốn khoá sổ để kiểm lại doanh số, thì vị khách cuối cùng Trần Huyền Trân bỗng xuất hiện. Cái vẻ khác người của ông làm chủ nhà phải hoãn công việc để tiếp thêm vị khách mới, nhưng cũng là thù tiếp qua loa…

Tôi nhận ra điều ấy, khi hai ông nhận xét: “…Trần Huyền Trân  không phải là một thiên tài. Nhưng tôi ưa những vần thơ hiền lành và ít nói yêu đương.” Và ở cuối bài, ông thêm: “…Tôi đã tìm thấy cái thú của người đi đổi gió”, kèm theo một số câu thơ trích cho kín hai trang, và không dẫn ra một bài thơ nào trọn vẹn. Tôi e nhận xét của Hoài Thanh, Hoài Chân quá vội, khác với ấn tượng khá rõ nét của tôi và có lẽ cũng của nhiều người khác về thơ Trần Huyền Trân.

Nhưng, ta cũng nên khách quan mà thể tình cho hai tác giả, khi hai ông mới chỉ chạm mặt thơ Trần Huyền Trân qua những bài thơ lẻ in trên báo Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san… chưa in thành tập, vào năm khép lại cuốn Thi nhân Việt Nam, 1941, khi nhà thơ họ Trần mới 28 tuổi. Còn tập Thơ Trần Huyền Trân tuyển tập (NXB Văn học, 2001) tôi đang cầm trên tay là thơ tuyển của cả cuộc đời ông. Tuyển tập xếp bài trước sau theo đúng thứ tự ngày ra đời của chúng, gồm 99 bài. Vậy là hai ông Hoài Thanh, Hoài Chân chỉ có thể đọc của Trần Huyền Trân những bài từ năm 1940 trở về trước: 24/ 99 bài.     


2. Trần Huyền Trân xuất thân từ tầng lớp dân nghèo thành thị, cha  mất sớm năm ông mới 13 tuổi, ông phải bỏ học để kiếm kế mưu sinh, ông từng làm thợ nguội, thợ chiếu phim, dạy học tư, làm báo, viết văn, lập đoàn kịch…

Ông gắn bó nhiều với tầng lớp dưới đáy của xã hội. Ngay xuất xứ bút danh của ông đã chứng minh điều ấy: Ông cưu mang một cô gái nhà nghèo cũng họ Trần, phải lấy lẽ một kẻ giàu. Nhưng khi cô có mang, hắn đuổi cô ra khỏi nhà! Trước khi mang bút danh Trần Huyền Trân, ông lấy bút danh Đỗ Quyên hoặc Trần Kim, rút gọn cái tên khai sinh Trần Đình Kim. Đến khi ông gặp gỡ, thương cảm hoàn cảnh cô gái, nhận khai sinh cho đứa “con hoang” như con của mình, ông mới lấy bút danh Trần Huyền Trân, một dấu huyền đã gắn bó hai số phận cùng khổ họ Trần!

Trần Huyền Trân thuộc thi phái “áo bào, gốc liễu” gồm 3 thi nhân đồng điệu: Thâm Tâm, Nguyễn Bính và ông.  

Thật tiếc là Hoài Thanh - Hoài Chân đã không kịp nghiên cứu kỹ nhà thơ này, cũng bởi lẽ Trần Huyền Trân không xuất lộ sớm hơn.

Tuy ông là người đến sau với trào lưu Thơ mới, nhưng tôi cảm thấy ông đã khai thác được nhiều đặc điểm thơ mới và đẩy chúng đến tận cùng ưu thế mà chúng có được.

Các nhà thơ thời ấy thường hay viết về rượu để quên, để nén nỗi đau đời. Nhưng hình như tôi chưa thấy nhà thơ nào thế hệ ông vượt qua được mấy câu thơ cảm khái về rượu này của Trần Huyền Trân: Cụ hâm rượu nữa đi thôi/ Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu/ Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (Với Tản Đà - Uống rượu).

Trần Huyền Trân (Trần Đình Kim, 13/9/1913 - 22/4/1989). Ông tham gia phong trào Thơ mới. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Việt Minh, làm việc ở Đoàn kịch Tháng Tám. Sau năm 1954, Trần Huyền Trân chuyển sang hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực sân khấu. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước.

3. Bài Độc hành ca viết năm 1940 gần 100 câu thơ mà không ít những câu đầy bức xúc như: “Lũ mình rấp hận thành điên/ Cái câm thuở ấy cười lên thuở này”.

Cả bài thơ là một chuyển biến tích cực từ những nghệ sĩ cũ bế tắc, nay đã thấy hé lộ ánh sáng cuối đường… “Chiều nay nhấp chén lên môi/ Không dưng tưởng nhấp máu người tanh tanh/ Khóc nhau ném chén tan tành/ Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ!”.

Nhà phê bình Hoài Nam nhận định: Cái tên Trần Huyền Trân thì đượm mùi “váy áo”, nhưng giọng thơ lại rắn rỏi, gân guốc, để ông có thể “nâng cái bất bình lên thành thơ”!     

GS Hoàng Như Mai cũng từng khái quát: Độc hành ca của thi sĩ Trần Huyền Trân là một tuyên ngôn của thế hệ văn nghệ lãng mạn tuyên bố cáo chung cho một thời kỳ sáng tác và khởi đầu một thời kỳ sáng tác khác…

Do vậy, tác giả không thể là một con người hiền lành như nhận định của Hoài Thanh - Hoài Chân, đó là một con người chứa chất nhiều căm uất, cuối cùng đã biến bức xúc nội tâm thành hành động!

Chính từ những tố chất ngoan cường lúc thì ghìm nén bức xúc, lúc được bung ra sảng khoái, đã tạo nên một Trần Huyền Trân giai đoạn tiền Cách mạng mà ông tham gia Mặt trận Việt Minh và Hội Văn hoá cứu quốc từ năm 1943. Khi nghe tiếng súng kẻ xâm lược gây hấn ở Hải Phòng và của quân dân ta chống lại, ông đã nổ bùng bài thơ hào sảng như một bài hịch Hải Phòng 19 tháng 11 – 1946, mở đầu cuộc  kháng chiến chống Pháp 9 năm:     

“Cây đổ hiện lên chiến sĩ/ Gạch vụn hiện lên anh hùng/ Cả quán Bà Mau, cả Cánh Gà, cả Hạ Lý / Cả những gái Pháp kêu đồ đĩ/ Cả những trai Nhật gọi lưu manh/ Cả những anh “bấu sấu, voi xanh” / Nửa đêm  nay dao tày gậy bẩy/ Đi băm nát thời nô lệ ấy…”.

Ông không còn “độc hành” nữa, ông đã lên đường cùng cả dân tộc! Hoành tráng biết bao với ngọn lửa giận của những người yêu nước: “Lửa xuống cửa ga /Xe tăng dẫy chết/ Lửa vào Cát Bi/ Máy bay tan tành/ Hải Phòng khu 7 tay ôm lửa/ Một mái nhà thiêu một đạo binh!”.

Vân Long
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm