Về quê đọc sách

23/04/2010 13:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hưởng ứng Ngày đọc sách thế giới (23/4), chương trình giao lưu Văn hóa đọc với nông thôn vừa diễn ra tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình do Phòng giáo dục huyện Quỳnh Phụ, Trung tâm VH,TT&DL huyện Quỳnh Phụ và Trường THCS thị trấn Quỳnh Côi tổ chức. Ngạc nhiên hơn khi chương trình thu hút gần 400 đại biểu ở nhiều lứa tuổi về dự và tham gia trao đổi khá sôi nổi...

Quê lúa trở thành điển hình về đọc sách

Không có nhiều thế mạnh kinh tế cũng như không thuận tiện về giao thông, nhưng vài năm trở lại đây, huyện Quỳnh Phụ trở thành điểm sáng về phong trào đọc sách. Dự án Tủ sách dòng họ do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập đã triển khai được 8 điểm tại đây, thu hút hàng trăm lượt bạn đọc.


Người dân quê lúa hồ hởi tham gia buổi toạ đàm về Văn hoá đọc với nông thôn.
Anh Thạch cho biết, kế hoạch đến hết năm 2011 là triển khai 20 điểm tại Thái Bình. Mô hình này tại Thái Bình vừa được Bộ VH,TT-DL công nhận là điểm điển hình và khuyến khích nhân rộng ra cả nước.

Về dự buổi giao lưu Văn hóa đọc với nông thôn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà - chia sẻ: “Ban đầu, nghe ý tưởng của Thạch, tôi thấy thật điên rồ, vì ở thành phố người ta còn không đọc sách huống hồ nông thôn. Nhưng khi nhìn thấy hiệu quả của mô hình này, đặc biệt là ở Quỳnh Phụ, tôi đã hiểu việc lập tủ sách dòng họ là cách làm hiệu quả. Các gia đình bảo ban nhau, các cháu bé được đọc sách từ nhỏ sẽ tạo thói quen tốt cho sau này”.

Cũng tại Quỳnh Phụ, tủ sách Không gian đọc của nhóm tình nguyện đã triển khai tại một số xã trong huyện từ tháng 4/ 2008, thu hút hàng nghìn lượt bạn đọc ở nhiều ngành nghề khác nhau... Sau gần hai năm hoạt động, Không gian đọc hiện có 3 điểm chính thức và một số điểm bán chính thức tại Quỳnh Phụ. Không gian đọc An Phú – điểm thành lập đầu tiên đến nay có khoảng 1.000 đầu sách, 5 đầu báo, tạp chí thường xuyên và chừng 10 đầu báo, tạp chí không thường xuyên, với khoảng 1.000 bạn đọc.

Tại Không gian đọc An Phú, chúng tôi có dịp gặp bạn đọc lớn tuổi nhất, bác Vũ Thị Nga, 68 tuổi, vốn là nhân viên bưu điện và giáo viên về hưu. Nhà bác ở xã Quỳnh Ngọc, cách Không gian đọc An Phú khoảng 15 km. Cứ vài ngày, bác lại đạp xe đến An Phú để đọc và mượn sách. “Ban đầu, tôi đi cùng cháu ngoại đến đây để xem cháu đọc những gì rồi hai bà cháu trở thành bạn đọc thân thiết của Không gian đọc An Phú từ hơn nửa năm nay”, bà Nga thủ thỉ.

Nhiều mô hình tủ sách cộng đồng từ Bắc chí Nam

Tọa đàm Phát triển vốn tri thức xã hội thông qua việc đọc sách sẽ diễn ra vào 20h tối nay 23/4/2010 tại Hub Book Coffee (18A Cộng Hòa, Tân Bình, TP.HCM). Tọa đàm nằm trong chương trình quảng bá và hướng dẫn việc đọc sách nhằm đưa tri thức từ sách vào cuộc sống, phát triển vốn tri thức xã hội cho cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Tọa đàm lần này với những nội dung chính: hướng dẫn các phương pháp và kỹ năng đọc sách, cách chọn lựa sách và xây dựng tủ sách cá nhân, gia đình, cách tự học thông qua việc đọc sách...

Thạch Thảo
Ở Thái Bình còn có cụ Tô Văn Sắc, 82 tuổi, vốn là cán bộ văn hóa ở tỉnh, sau khi về hưu, cứ vài ngày, cụ đạp xe từ nhà ở khu chợ Nội, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà đến thị xã Thái Bình (khoảng 30 km) mượn hoặc thuê sách mang về cho người trong làng xóm đọc. Suốt 20 năm nay, cụ cần mẫn làm “thủ thư di động”. Bây giờ, cụ vẫn đi xe đạp ở khu vực trong làng, xã, khi ra thị xã thì bắt xe bus hoặc xe khách. Nhà cửa chật chội, cụ và cụ bà sống bằng tiền lương hưu của cụ ông và tiền tuất của con trai nhưng cụ ông vẫn tham gia hoạt động của xã hăng hái.


Phong trào tủ sách ở nông thôn xuất hiện sớm hơn ở phía Nam. Chương trình Tủ sách giải trí và giáo dục dành cho thiếu nhi nông thôn Việt Nam của bác sĩ Hồ Đắc Duy được xem là mô hình tủ sách cộng đồng hiệu quả. Bắt đầu từ năm 2003 cho đến nay, hàng trăm tủ sách ra đời tại nhiều vùng quê, mỗi tủ sách ban đầu có khoảng 200 cuốn. Các em nhỏ ở một số vùng quê yêu mến gọi đó là “Tủ sách vàng”.

Hệ thống tủ sách của bác sĩ Duy trải dài từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên miền núi... Gần 10 năm nay, nhóm của bác sĩ Duy tài trợ gần một tỷ đồng cho việc thiết lập các tủ sách ở nông thôn. Ngoài tủ sách của bác sĩ Duy, còn có tủ sách của bà Hồ Thị Hoa, 75 tuổi, ở TPHCM. Học hỏi mô hình của anh Nguyễn Văn Thạch, bà Hoa mở Tủ sách ấp tôi tại 20 điểm ở Sóc Trăng và theo hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên ấp, xã.

Không tổ chức thành mô hình nhưng nhiều cá nhân ở nông thôn có các tủ sách gia đình cũng được nhiều người tìm đọc. Ở Hải Dương, chuyện một thầy giáo có 10.000 cuốn sách, trong đó có nhiều sách quí mà Thư viện quốc gia không có, được nhiều người biết đến. Ông vừa đoạt giải Nhất cuộc thi “Tủ sách gia đình”. Hơn 50 năm đọc sách rồi sưu tầm sách, thầy giáo dạy văn gây dựng được tủ sách quý và được rất nhiều người tìm đến. Ông tiếp tục được bổ sung sách mới và mong xây dựng thư viện để cho mọi người có cơ hội được đọc sách nhiều hơn. Đó là ông Phạm Chí Thiện.


Bạn đọc nhỏ tuổi tại Không gian đọc An Phú.
Văn hóa đọc cũng phải được chăm sóc

Không chỉ đến khi dự án Tủ sách dòng họ của Nguyễn Quang Thạch được biết đến thì vấn đề văn hóa đọc ở nông thôn mới được quan tâm.

Có những câu chuyện lý thú trong lịch sử về việc chăm sóc cho văn hóa đọc. Chẳng hạn, Thời Lê Thánh Tông, ở xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, Thái Bình có hai anh em ruột là Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm đỗ tiến sĩ, cho mở thư viện Phúc Khê. Nay ở vùng Thái Giang, Thái Phúc, bên sông Diêm Hộ (sông Côn) còn đền thờ hai ông tương truyền rất thiêng.

Cuối thế kỷ 19, ở vùng phủ Sóc, nay là huyện Kiến Xương, Thái Bình có cha con ông Nguyễn Hữu Cương (hậu duệ sau này chính là NSND Trung Kiên, nhạc sĩ Quốc Trung). Khi quân Pháp chiếm Bắc Kỳ, đánh chiếm thành Nam Định, cha con ông Nguyễn Hữu Cương đã hô hào nhân dân tấn công thành Nam Định, sau hai cha con đều tử trận. Trước đó, cha con ông mở thư viện và nhà in Chiêm Bái Đường, in những cuốn sách tiến bộ thời ấy, nhiều chí sĩ yêu nước đều qua lại (Sau này thư viện bị phá, chỉ còn tấm bia).

Ngày nay đã có khá nhiều mô hình đưa sách về quê với nỗ lực và tâm huyết của không ít người. Tuy nhiên, có những nơi, phong trào không duy trì được lâu... Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức theo hệ thống các cơ quan đoàn thể chính quyền hay Điểm Văn hóa xã do Bưu điện các địa phương tổ chức cũng đưa sách về nông thôn nhưng sức sống của các mô hình này không được bền lâu.

Tủ sách dòng họ có hình thức khuyến khích các em học sinh đọc sách bằng việc tặng thẻ đọc. Khi các em đọc xong một cuốn thì được tặng một thẻ, các em tích lũy được một số thẻ nhất định sẽ được tặng sách... Nhóm “thiện nguyện” của bác sĩ Hồ Đắc Duy về tận các vùng xa xôi - nơi đặt tủ sách để kiểm tra tính hiệu quả của mỗi tủ sách và xem nơi nào có yêu cầu phát sinh thì kịp thời giúp đỡ.

“Những người quản lý trực tiếp ở các tủ sách phải có tinh thần cộng đồng rất lớn. Có không ít người được tài trợ làm thư viện nhưng rồi phải đem trả lại sách vì 9- 10h tối hay gần nửa đêm vẫn có người đến mượn sách” - anh Phạm Bắc Cường, một trong ba thành viên sáng lập Không gian đọc - chia sẻ

“Cuộc sống của bà con ở nông thôn đang ngày một thay đổi. Chúng tôi tin rằng thế giới tri thức góp phần giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn và con cái họ sẽ học hành tốt hơn”, anh Phạm Hoàng Cảnh - thành viên nhóm tình nguyện Không gian đọc, nói. Anh hy vọng, mô hình các mô hình đọc sách ở nông thôn sẽ được nhân rộng trong cả nước để 80% dân số VN tự hào về mảnh đất họ đang sống.

Tùng Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm