Chỉ có sách mới khiến người ta sống nhân văn hơn

24/03/2010 08:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nguyễn Quang Thạch, người suốt 13 năm qua theo đuổi sự nghiệp đưa sách về nông thôn, người sáng lập và quản lý Tủ sách dòng họ - dự án cung cấp sách báo miễn phí cho cộng đồng tại nông thôn, vừa kết thúc hành trình xuyên Việt để quảng bá và vận động cho tủ sách này. “Tôi hy vọng mô hình Tủ sách dòng họ với chuyến xuyên Việt lần này sẽ tạo ra hiệu ứng xây dựng tủ sách trên quy mô rộng lớn, giảm thiểu vấn đề thiếu sách ở khu vực nông thôn cũng như kêu gọi những người ở thành phố có trách nhiệm chia sẻ thông tin với dòng họ của mình ở quê, kêu gọi nhà quản lý văn hóa đưa quy định: bất cứ làng văn hóa, dòng họ văn hóa thì đều phải có tủ sách” - Thạch chia sẻ.


Mẹ đón Nguyễn Quang Thạch tại Hà Tĩnh
* Thưa, chuyến xuyên Việt của anh hẳn có nhiều điều thú vị?

- Chúng tôi xuyên Việt, nhưng chỉ có thể ghé thăm và giao lưu với ngành văn hóa, quản lý thư viện, các tủ sách dòng họ tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và kết thúc tại TP.HCM. Rất vui là mặc dù là ngày Tết, nhưng đến địa phương nào, chúng tôi (tôi và ông cậu ruột) cũng nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt. Trong chuyến đi có nhiều chuyện khiến tôi day dứt, như ở Quảng Trị, có em bé 3 tuổi không nói được do khi người mẹ mang thai bị ốm nặng và không được biết bất kỳ thông tin nào để phòng tránh, chị ấy nói giá như được đọc sách báo, biết thông tin thì cuộc sống của con mình sẽ khác. Nhưng cũng có chuyện thú vị là khi qua Quảng Bình, đang trên đường, thì có mấy bạn trẻ phóng xe máy đuổi theo chúng tôi để hỏi về mô hình, cách làm Tủ sách dòng họ và họ hứa là sẽ về vận động dòng họ triển khai.


Với ban lãnh đạo thư viện tỉnh Thanh Hóa
* Ở các xã đều có những nơi cung cấp sách báo sẵn là thư viện trường, bưu điện văn hóa xã, tại sao anh lại lập mô hình Tủ sách dòng họ?

- Hơn 10 năm nay, tôi đã nghiên cứu nhiều mô hình tủ sách ở nông thôn, thấy các mô hình đã có đều thiếu yếu tố tự nhân rộng. Trong khi ấy, ở quê sợi dây họ tộc rất bền chặt, và tôi thấy đó có thể là một cơ sở để nhân rộng các tủ sách cũng như văn hóa đọc sách. Năm 1994 dòng họ Nguyễn Quang - họ nội nhà tôi đã dựng lại nhà thờ họ sau khi bị phá sập từ hàng chục năm trước. Các nghĩa trang ở quê giờ đây đều được quy tập bề thế theo dòng họ. Thời gian gần đây lại có hàng trăm dòng họ lập quỹ khuyến học. Bởi vậy tôi đã nảy ra ý tưởng làm Tủ sách dòng họ. Nhưng phải đến năm 2007 thì dự án này mới thực sự bắt đầu từ số tiền tiết kiệm 10 triệu đồng của bản thân. Khi bàn với nhà văn Nguyễn Quang Thân - chú tôi, tôi đã được ủng hộ nhiệt tình và được tặng 200 cuốn cuốn sách để làm vốn. Các dòng họ Nguyễn Quang, Nguyễn Duy (bên nội) và họ Trần (họ mẹ tôi) được lập tủ sách đầu tiên. Tôi cảm động đến rơi nước mắt khi những người lớn tuổi trong họ dặn con cháu phải quý trọng sách, trẻ con thì đua nhau đến mượn, số lượng vượt quá chỉ tiêu, vì lúc đầu tôi chỉ dám đặt chỉ tiêu mỗi năm chỉ cần một đứa trẻ nông thôn đọc sách. Tôi đi nhiều nơi, thấy có làng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây cổng làng rồi chẳng để làm gì, có thôn bỏ ra 150 triệu để xây nhà văn hóa, nhưng trong ấy chẳng có gì để phổ biến văn hóa, hay có những dòng họ bỏ vài chục triệu để xây nhà thờ hoành tráng, rồi chẳng giúp ích gì cho con cháu… Nếu có khoản tiền ấy, tôi có thể mua được hàng nghìn đầu sách, và hàng chục nghìn người sẽ có sách đọc. Chúng ta hay nói Việt Nam chưa có văn hóa đọc, nhất là ở nông thôn, nhưng có sách đâu cho họ đọc, trong khi thành phố thì thừa mứa, giá sách lại quá đắt với nông dân!


Thanh niên gặp trên đường đuổi xe máy theo hỏi cách làm tủ sách
Trong cuộc sống hiện nay, người ta cũng đã kêu nhiều về sự vô cảm. Năm 1996, khi còn là sinh viên, tôi về quê, thấy một người phụ nữ nằm chèo queo ven đường, tưởng đã chết, tôi lay dậy thì mới biết chị ở Nghệ An, bị tâm thần. Vận động gần 6.000 sinh viên sư phạm tìm cách đưa chị ấy về quê, nhưng chỉ nhận được sự ủng hộ của hai người, thực tế ấy tôi giật mình vì sự hờ hững, vô cảm của con người với con người. Tôi nghĩ chỉ có sách mới khiến người ta sống nhân văn hơn.

* Khi bắt tay vào dự án này, anh có gặp trở ngại gì không?

- Nhiều người bảo tôi hâm, việc nhà không lo, đi lo việc thiên hạ. Chuyện ấy thì cũng bình thường thôi, nhưng mình có khát vọng, có mục tiêu cụ thể thì cứ làm. Khen chê không tác động nhiều tới tôi mà cuộc đấu tranh giằng xé nhất là khi tôi làm ở PMU (ban quản lý các dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải). Có nên nhận phong bì để làm tủ sách không, hay bằng đồng tiền lương thiện nhưng ít ỏi kiếm được bằng phiên dịch, dạy ngoại ngữ? Đó là cả một giai đoạn đầy khó khăn với tôi, vì tiền thì nhà thầu đưa cho rất tự nhiên, và mình cũng có lý do biện minh cho hành động ấy là lấy tiền để làm việc cho cộng đồng thì cũng đâu có sao? Nhưng có một lần…con chó Mikha làm tôi thay đổi. Mikha rất nghiện bánh bích quy, để dưới đất thì nó ăn, nhưng để lên bàn thì không bao giờ ăn. Tôi bừng tỉnh vì con chó còn biết giới hạn của mình, vậy mình thì sao. Vì thế, tôi quyết chỉ sống và làm sách bằng đồng lương của mình.


Với em bé 3 tuổi không nói được tại Quảng Trị
* Thế nhưng đã bao giờ anh phiền lòng vì chính những người thân yêu nhất của mình ngăn cản chưa?

- Bố tôi dạy khuyến học 15 năm, mẹ tôi cũng dạy học. Dòng họ tôi có nhiều người làm việc vì cộng đồng. Dân trong vùng tôi vẫn có câu ca: “Trường ông Bát Hoàn, cầu bà Hàn Tấn” (bà Hàn Tấn là mẹ nhà văn Nguyễn Quang Thân, đã bán ruộng lấy tiền xây cầu cho dân, vì mùa mưa lũ nhiều người qua sông bị chết đuối). Cho nên tôi đến với chuyện này cũng là lẽ tự nhiên.


Nguyễn Quang Thạch trên đường xuyên Việt
* Kế hoạch sắp tới của anh với Tủ sách dòng họ?

- Tôi mong sẽ đáp ứng được tất cả yêu cầu các dòng họ về sách và tư vấn miễn phí cho các dòng họ muốn thành lập tủ sách. Tôi vừa thành lập Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng và sẽ đi vào hoạt động từ tháng Ba này, nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động. Tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị của nhiều người làm tình nguyện viên đưa sách về làng quê. Riêng việc tập huấn kỹ năng quản lý tủ sách cho dòng họ thì tôi sẽ phối hợp với ngành thư viện các địa phương.

* Cảm ơn anh. Chúc anh và Tủ sách dòng họ thành công.

Sinh năm 1975 ở Hà Tĩnh, chưa học hết tiểu học, Thạch đã đọc hết tủ sách 700 cuốn của gia đình. Khi còn làm việc tại một tổ chức phi chính phủ, hàng tháng Thạch bỏ ra khoảng một triệu đồng tiền lương để mua sách. Anh cũng kêu gọi, xin sách ở khắp nơi để thực hiện Tủ sách dòng họ với một mong ước vì một nông thôn Việt Nam an toàn, tiến bộ, bền vững và nhân văn. Hiện nay Tủ sách dòng họ đã xây dựng được 51 tủ sách với hơn 9.000 đầu sách ở 15 tỉnh, thành cả nước (11 tủ sách đầu là anh đầu tư cả tủ lẫn sách, sau này các dòng họ đầu tư tủ, còn Thạch đầu tư sách từ 150 - 200 đầu sách). Ngoài ra, 5 dòng họ và 2 cá nhân đã tự nhân rộng Tủ sách dòng họ ở Sóc Trăng, Dăklăk, Quảng Nam, Hà Tĩnh và đảo Cát Bà (Hải Phòng). Dự án cũng nhận được sự đóng góp của nhiều cá nhân trong và ngoài nước, sự đồng hành của công ty CP sách Thái Hà và ông Alistair Sawer, giám đốc điều hành công ty ATI Telecom tại Việt Nam.

Mới đây, Tủ sách dòng họ nhận được 400 triệu đồng từ cuộc thi Ý tưởng phục vụ cộng đồng, và được Bộ VH-TT-DL cho phép chuẩn hóa mô hình tại Thái Bình. Trong mô hình của Thạch, dòng họ Vũ Thế thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã tổ chức tủ sách có bài bản và hiệu quả nhất. Với 200 cuốn ban đầu, chỉ sau 10 tháng, con cháu họ Vũ đã gửi 2.000 đầu sách về bổ sung và đã có 4.000 lượt sách được mượn; tủ sách dòng họ Vũ tại Mộ Trạch, Bình Giang, Hải Dương hiện có 2.000 đầu sách và 5.000 lượt mượn về nhà; tủ sách dòng họ Nguyễn Đại (Hợp Hải, Lâm Thao, Phú Thọ) có 350 đầu sách và chi 20 triệu đồng mua sách, có 1.500 lượt đọc sách… Dòng họ Vũ, họ Bùi sẽ triển khai mô hình tủ sách dòng họ tới các chi họ trên toàn quốc. Để đóng góp cho Tủ sách dòng họ, có thể liên lạc với anh Nguyễn Quang Thạch qua qua số điện thoại 0912.188.644, email: thienson09@yahoo.com hoặc website://www.sachlangque.net/

Bài Tùng Cường

Ảnh: Tùng Cường, Sachlangque.net

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm