NSƯT Phạm Cường: Để đồng tiền mua đứt mình thì đau lắm

23/08/2012 13:51 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Tưởng rằng NSƯT Phạm Cường chỉ “đóng đinh” tên tuổi vào những vai diễn chính diện, vậy mà trong bộ phim Mặt nạ da người (đang phát sóng trên kênh VTV3), đạo diễn Mai Hồng Phong “đặt” diễn viên này vào vai một đại gia bất động sản lắm mưu mô, xấu đến mức bạo hành người tình về tình dục…

Quân trong Mặt nạ da người là một vai có nhiều đất diễn, khởi đầu câu chuyện của chúng tôi là vậy. Tuy nhiên, NSƯT Phạm Cường nói rằng, anh muốn chia sẻ nhiều hơn về nghề, về sự trăn trở của một diễn viên kịch - thể loại mà anh đang “sống còn” với nó. Vì thế, câu chuyện của chúng tôi cũng rẽ sang một hướng khác. 



Cảnh nhân vật Quân (NSƯT Phạm Cường) xích chân người tình trong Mặt nạ da người

Chỉ là đại gia… trên phim

* Gặt hái nhiều thành công trong những vai chính diện, ở vai phản diện trong Mặt nạ da người, anh đoán khán giả sẽ đánh giá vai diễn này như thế nào?

- Tôi chỉ có một "lăn tăn" ở bộ phim này khi có đề cập đến khía cạnh bạo lực. Tôi cũng đã từng đóng cảnh bạo lực trong Khoan nói lời yêu thương nhưng đó là bạo lực tinh thần, còn ở Mặt nạ da người lại là bạo hành về tình dục. Trong phim có cảnh Quân hành hạ người tình bằng cách xích chân. Đây là chi tiết khiến tôi cũng không biết sẽ gây dư luận thế nào, đặc biệt là với phái nữ. Sau cảnh này, đạo diễn còn bảo tôi, không cẩn thận ra đường là sẽ bị... nhổ nước bọt vào mặt (cười).

Nhưng nhận vai này, mục đích của tôi là khắc họa chiều sâu về nhân tâm mà Quân cũng là một con người có nỗi đau chưa hoàn thiện. Nên nếu sau bộ phim này, mọi người thấy thương được Quân thì tôi đã thành công. 

* Vào vai một đại gia nhiều tiền mà đáng thương, vậy ý nghĩ nào xuất hiện đầu tiên trong anh - khi cuộc sống thực của anh lại tràn đầy tình yêu, vợ đẹp, con ngoan?

- Tôi cũng nhận ra vai diễn này rất gần với nhiều đại gia trong xã hội hiện nay. Và đó là những đại gia vững vàng thực sự chứ không phải kiểu trọc phú mới nổi. Họ là những đại gia có tiền nhưng không có tình, cứ đau đáu cả đời đi tìm tình yêu mà không có, có thì lại bi lụy. Còn tôi đóng vai này xuất phát từ đam mê làm nghề nên chỉ làm sao để bám sát sự kiện, khắc họa chân dung và quan tâm đến nội tâm của nhân vật chứ không mong muốn làm thay đổi mình vì vai diễn này.

Đừng đau đáu chuyện đồng tiền bát gạo

* Được phong NSƯT ở mảng kịch, nhưng anh lại được biết đến nhiều hơn trên màn ảnh nhỏ. Anh có thấy buồn vì điều đó?

- Vâng, tôi rất buồn! Tôi buồn vì tôi yêu kịch! Tôi luôn day dứt vì nó! Tôi vẫn dành cho sân khấu kịch một vị trí mà các loại hình khác rất khó thay thế. Tôi tin rằng, trong tương lai gần, sân khấu phía Bắc sẽ tìm lại được vị trí hấp dẫn đáng kính trọng trong công chúng. Đặc biệt là công chúng trí thức - lúc đó họ sẽ có điều kiện lắng nghe tâm sự uyên bác của sân khấu!

Còn phim ảnh, với tính chất quảng đại, loại hình này nhanh đến với công chúng ở mọi lúc mọi nơi. Tôi đóng phim nhiều và quả thật, nếu có thời gian thì tôi có thể đóng phim quanh năm. Nhưng không phải vì thế mà phim nào tôi cũng làm. Và tôi nghĩ, dù có là nghệ sĩ gì đi chăng nữa cũng cần phải có công chúng. Nếu nghệ sĩ là cá thì công chúng là nước, cá luôn cần có nước!

* Dù đóng phim, nhưng anh vẫn "sống còn" với kịch? Vậy, anh đã hoạch định cho mình kế hoạch gì, nhất là ở vai trò Phó Giám đốc một đoàn kịch?

- Tôi luôn "sống còn " với sân khấu kịch! Tôi luôn dành cho sân khấu trong đời sống của mình một vị trí rất mực tôn trọng. Nhưng nếu như sân khấu cứ bị đem "bán ngoài chợ " như hiện nay thì... chán lắm! Sân khấu hiện đang đánh mất rất nhiều khán giả "chịu nghĩ". Song phải công bằng, chúng ta không nên trút hết trách nhiệm lên đầu một thành phần nào của sân khấu. Không nên thế! Cũng không hẳn do sự bội thực văn hóa của công chúng. Sẽ là muộn nếu như những người hoạt động sân khấu vốn sẵn lòng tự trọng không nhận diện thực chất thể trạng nền sân khấu nước nhà hiện nay. Lấy lại phong độ mực thước của sân khấu và bắt nhịp với nền văn minh của nhân loại.

Là nghệ sĩ, hãy hết mình trong sáng tạo chứ đừng đau đáu chuyện đồng tiền bát gạo. Phàm khi cống hiến mà anh nghĩ đến tiền thì giá trị của tác phẩm là rẻ nhất. Nhưng khi sáng tạo người nghệ sĩ thoát ra khỏi đời sống tầm thường thì giá trị của sáng tạo là vô cùng. Ta không thể coi thường đồng tiền nhưng để đồng tiền nó mua đứt mình thì đau lắm! Làm sao chấm dứt được cái cảnh mua bán giải thưởng cho vở diễn, cho diễn viên đi. Xấu hổ lắm! Người có quyền bán danh như Cuội bán vịt trời. Người bỏ tiền mua được chút danh nhưng là danh vô thực. Còn báo chí thì đánh giá tác phẩm bằng cách kể lại nội dung câu chuyện nữa! Chả vinh dự gì!

* Dường như con đường nghệ thuật cũng như cuộc sống gia đình của anh có nhiều thuận lợi. Người ta nói hạnh phúc gia đình đôi khi cần nhiều may mắn. Anh có nghĩ như thế không, hay đó là do anh biết chọn cho mình cách sống nghiêm túc ?

- Không có thành công nào mà lại tước đi sự may mắn trong đó. Có ý thức công sức bỏ ra nhưng vẫn cần phải có may mắn trong bất cứ sự lựa chọn nào. Hạnh phúc gia đình cũng vậy. Tôi nghĩ rằng, gia đình hạnh phúc cũng không chỉ cần có sự cố gắng từ hai phía vợ - chồng mà còn có cả những đứa con. Cách sống và làm việc nghiêm túc chính là nền tảng lớn nhất để bảo vệ hạnh phúc mà mình có được.

Sống trong môi trường quân đội, con người được trải qua rèn luyện nhiều thì sẽ bớt đi sự dễ dãi trước cuộc sống và đó cũng chính là nền tảng tốt để cho gia đình là một cặp nghệ sĩ như vợ chồng tôi có được sự chắc chắn, an toàn.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lam Ngọc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm