NSƯT Phạm Cường: "Tôi khổ vì thẳng tính"

30/05/2011 09:35 GMT+7 | Truyền hình thực tế

Tôn trọng nguyên tắc chỉ nhận vai mình thích, nhưng đến giờ, Phạm Cường đã tham gia tới 700 tập phim truyền hình. Anh chỉ áy náy kinh tế gia đình chưa mạnh, một phần cũng vì anh cương trực quá.

* Sở hữu vẻ ngoài bóng bảy, hào hoa, anh thường được chọn vào những vai trí thức cả trong phim lẫn trên sân khấu. Điều đó hỗ trợ cho anh những gì khi đảm nhận vai chính trong “Chủ tịch tỉnh”?

- Đạo diễn gọi điện mấy lần mời tôi tham gia. Tôi không biết anh ấy có bị thuyết phục bởi vẻ ngoài của tôi không nhưng tôi thì bị thuyết phục bởi kịch bản. Tôi thấy Trí Tuệ - nhân vật tôi đảm nhận - là dạng vai có thể tin được. Tôi từng đóng vai chính diện, phản diện và cả vai tính cách - đó là trách nhiệm của người diễn viên chuyên nghiệp, giống như nước, đổ vào ca thì ra hình cái ca, đổ vào cốc thì thành hình cốc. Tôi thấy tội cho nhiều người diễn viên không chuyên lắm, đóng thành công một vai cảm giác như mình không bao giờ trở lại thành con người bình thường được nữa. Diễn viên chuyên nghiệp với mỗi vai diễn đều tư duy dằn vặt rất nhiều, nhưng xong là phải quên ngay.

Phạm Cường trong vai Trí Tuệ phim "Chủ tịch tỉnh".

* Vậy trong sự nghiệp của anh có hay không khái niệm chết vai?

- Cuộc đời như biểu đồ hình sin, cứ được một vai diễn thành công, hoặc do mình chủ quan, hoặc do yếu tố may mắn đã không lai vãng đến nữa mà mình sẽ có một vai rất dở. Cứ thế, nghề này tạo cho mình một sức hút làm mình luôn say với nó. Hồi mới chân ướt chân ráo, tôi thấy làm nghề vất vả quá. Bây giờ vẫn thấy vất vả và nhọc nhằn nhưng không hiểu sao vẫn bị nó kéo vào. Say đến mức quên cả kiếm tiền cho gia đình. Một người làm trên dưới 700 tập phim - không biết là có hay, có tài không, nhưng đáng ra phải có cuộc sống đầy đủ, trong khi tôi vẫn chưa có tiền mua ôtô.

* Như vậy, đời anh là minh chứng cho việc, khó có thể giàu với nghề diễn viên. Anh và vợ anh là Thu Quế đều hoạt động nghệ thuật, sức ép kinh tế với các vai diễn thế nào?

- Vai chủ tịch tỉnh là vai diễn tôi nhận cát-xê thấp nhất từ trước tới nay. Quan niệm của tôi và cả Quế, nếu thấy một vai diễn hay, ít tiền thì sẵn sàng gạt bỏ vai diễn dở mà nhiều tiền đi. Tất nhiên độ chênh lệch thù lao đối với những vai diễn truyền hình Việt Nam không kinh khủng như phim bom tấn, bom tạ của Hollywood.

Nếu người nghệ sĩ bị chi phối nhiều bởi yếu tố kinh tế sẽ ảnh hưởng tới vai diễn của mình nhưng với những người tâm huyết, họ được bù đắp bởi điều khác. Nhiều người giàu có chưa chắc đã hạnh phúc như tôi. Đứng trước một đám đông, những người già tóc bạc đáng tuổi ông tôi, bố tôi đến bắt tay tôi, mong uống với nhau một chén rượu. Tôi thấy đó là phần thưởng lớn lắm trong cuộc sống. Vì thế chúng tôi phải giữ lòng tự trọng khi lựa chọn một sự lao động, cống hiến chứ không phải chỉ kiếm tiền. Được mời đóng quảng cáo, chúng tôi cũng phải chọn cái gì sạch sẽ, không đánh mất tên tuổi, hình ảnh của mình. Chứ không người ta sẽ chỉ mình và bảo: “Thằng kia thiếu tiền lắm hay sao mà phải làm những việc ấy”. Quyền lợi đã không được bao nhiêu mà còn bị tiếng oan như thế thì buồn lắm.

Câu chuyện phim có sự đan cài giữa yếu tố đời thường và công việc tạo sự gần gũi với người xem.

* Rất nhiều diễn viên trẻ cũng đi ôtô, xài hàng hiệu. Với những người đã tham gia đến 700 tập phim nhưng vẫn đi xe máy như anh, có bao giờ chạnh lòng mà đặt ra những sự so sánh?

- Tôi không so sánh nhưng tôi biết tại sao tôi vẫn đi xe máy. Các bạn ấy làm phim chắc không thể hơn tôi - vì so về cát-xê, tôi ở mức khá cao. Nhưng họ còn làm những điều khác nữa: buôn đất, buôn nhà, mở cửa hàng… Tôi thì không có duyên với việc kinh doanh, ôm đô đô xuống, mua đất đất chững. Tôi hiểu điều đó nên không chạnh lòng. Tôi hay ngồi suy nghĩ xem mình là ai, tại sao mình lại bị như thế rồi rút ra kết luận: mình khổ là phải, vì tính mình thẳng quá.

* Người ta bảo, chốn quan trường thẳng quá khó tiến thân. Anh dù sao cũng là Phó giám đốc Đoàn kịch Quân đội, tính thẳng khiến anh gặp trở ngại gì?

- Đúng là tôi đang khó khăn vì cái tính của mình. Nhưng tôi không trách những người khúm núm trước mặt kẻ chẳng ra gì, đó là cuộc sống của họ, họ phải như thế mới tồn tại được.

Tất nhiên chúng tôi không đến mức đói. Chúng tôi sống tương đối đàng hoàng trong mọi mối quan hệ. Chúng tôi không xin ai một đồng nào. Thi thoảng bạn bè hỏi vui, làm phim kiếm nhiều tiền không, tôi bảo: “Bằng các bác tiêu một ngày”. Nói thế là mình sang lắm vì một ngày họ tiêu mấy chục triệu đồng, còn một ngày mình kiếm giỏi lắm cũng hơn triệu bạc.

* Anh và nhân vật Tuệ có những nét tương đồng nào về tính cách khi xử lý công việc quản lý?

- Tôi rất thích câu nói của Trí Tuệ với cộng sự: “Làm gì có lợi cho dân và có lợi cho sự phát triển của tỉnh nhà, đó là hành động đúng” - câu nói rất tình và giản dị. Trên góc độ lãnh đạo, khi anh em hỏi ý kiến của tôi, tôi khuyên họ làm những gì có lợi cho nhà hát thì làm. Nói thế nghe có vẻ đơn giản nhưng còn phải tính đến những quy chuẩn đạo đức, liêm sỉ và những cuộc đấu tranh nội tại.




Gia đình nhỏ của Phạm Cường - Thu Quế.

* Để giữ hạnh phúc trong gia đình, theo anh, người đàn ông và đàn bà có cần chung một quy chuẩn đạo đức?

- Nội hàm khái niệm đạo đức lớn quá nên chúng tôi không biết có thể giống nhau hoàn toàn không, nhưng tôi và Quế nhắc nhở nhau sống tốt vì đều là những người được công chúng biết đến. Tôi đang đóng phim Hạnh phúc nhọc nhằn của hãng phim Khải Hưng nên càng hiểu, để giữ hạnh phúc khó đến mức nào. Nếu nói nhọc nhằn sợ hơi quá nhưng tôi thấy, để giữ được nó quả thật rất khó khăn vì luôn thường trực những cám dỗ. Chúng tôi đến với nhau bằng sự tự nguyện, không có vá víu, trắc trở nhưng giữ được nó là rất khó - nhất là khi hai vợ chồng đều là nghệ sĩ. Người ta hay nói, anh nghệ sĩ đẹp trai nên lấy người phụ nữ biết làm kinh doanh còn cô diễn viên xinh gái thì lấy đại gia để làm bệ phóng cho mình bay cao, bay đẹp.

Chẳng giấu gì mọi người, vợ chồng tôi cũng cãi nhau. Những lúc như thế, tôi ngồi lại một mình và nghĩ: “Thôi chết, có người nói vợ chồng họ cả đời không cãi nhau, sao mình và vợ lại thế”. Nhưng rồi bằng cách chiêm nghiệm lặng lẽ, tôi thấy những câu tuyên bố như thế đều là dối lòng. Cuộc sống bằng phẳng thì không phải cuộc sống - nó phải xô đi xô lại một chút. Ai cứ đăng đàn nói, chúng tôi luôn dành sự êm ái cho nhau - tôi nghĩ đó là người không trung thực hoặc cuộc hôn nhân của họ đã chết vì anh ta lãnh cảm quá, không còn yêu cầu gì từ người vợ của mình nữa. Quan hệ vợ chồng là quan hệ rất phức tạp, người ta không cần phải dằn lòng để chiều nhau mà phải bình đẳng và tôn trọng nhau. Rất nhiều người mà tôi biết, khi có tiếng một chút bắt đầu cảm giác mình lấy nhầm chồng, nhầm vợ.

* Anh được mệnh danh là người đàn ông hào hoa của phim ảnh, vợ anh Thu Quế cũng từng nổi tiếng là nhan sắc - sự kết hợp ấy tạo nên những con sóng nào?

- Đôi khi chúng tôi vì bận bịu mà quên hy sinh cho nhau. Đó là lúc nảy sinh ra mâu thuẫn nhưng cùng nghề nên dễ thông cảm, sẻ chia. Ở nhà tôi vẫn làm công việc nội trợ để dành thời gian cho Quế. Khi chúng tôi có đứa con trai thứ hai, cô ấy hạnh phúc tràn trề, tưởng có thể quên hết mọi thứ. Nhưng khi con mới được một tuổi, cô ấy nhận kịch bản và bảo tôi: "Cho em đóng vai này thôi". Tôi thông cảm được, chứ tôi tin chắc nếu là một ông đại gia sẽ không chấp nhận. Họ làm sao có thể thông cảm một cái ôm công việc, một cái hôn công việc, quan hệ nằm chung trên màn hình? Tôi hiểu nếu vợ mình đóng cảnh ân ái thì cũng xoàng xĩnh thôi. Phim Việt ấy mà, có cảnh nào đến mức vợ chồng ly tán, người yêu bỏ nhau đâu.

Trong mọi cuộc chơi, tôi không dám nói mình là người bản lĩnh nhưng tôi cho rằng, có những rào cản mà một người có lòng tự trọng rất khó vượt qua. Tôi đi đâu mà làm chuyện lén lút cũng khó lắm. Ngồi với ai cũng có người đến chào và hỏi, có phải anh Cường không. Cặp với cô nào xinh xinh trong đoàn làm phim là về tai vợ mình ngay. Đàn ông ai cũng tham nhưng có "công an" gác cửa thì phải hạn chế thôi (cười lớn).

"Chủ tịch tỉnh" là bộ phim chính luận dài 38 tập, sẽ phát trên giờ vàng VTV1 từ ngày 6/6, sau khi "Xin thề anh nói thật" kết thúc. Phim là cuộc đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng ở một tỉnh miền Bắc, bóc trần mảng tối trong hàng ngũ cán bộ, quan chức đang bị tha hóa về lối sống đạo đức cùng những mối quan hệ phức tạp, hiện tượng chạy chức, chạy quyền.

Bên cạnh đó, "Chủ tịch tỉnh" còn đi sâu khai thác những hoàn cảnh, số phận éo le. Điểm sáng xuyên suốt phim là một vị chủ tịch tỉnh hết lòng vì dân, do Phạm Cường thủ vai. Ông cũng có những sai lầm trong cuộc sống riêng, trong cách điều hành công việc nhưng hết lòng vì cái chung, dám làm dám chịu, là nơi nhân dân đặt niềm tin và khát vọng về một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Phim quy tụ những gương mặt gạo cội của truyền hình: NSƯT Minh Hòa, Trần Nhượng, Phạm Cường, Minh Hằng, Đức Khuê, Vi Cầm. Biên kịch: Đình Kính. Đạo diễn: Bùi Huy Thuần - Bùi Quốc Việt.


Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm