Nhìn lại Oscar 2011: Cái giá của nhà vua

06/03/2011 07:13 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Oscar lần thứ 83 hầu như không có bất ngờ nào đáng kể trong buổi lễ trao giải có thể nói là “kém duyên” nhất trong nhiều năm gần đây. Nhưng đó cũng chỉ là một buổi công bố giải đơn thuần, điều quan trọng nhất với công chúng đích thực của điện ảnh là chúng ta đã có những bộ phim đặc sắc để thưởng thức, bất kể là người chiến thắng (nhận tượng vàng) hay kẻ thua cuộc (trắng tay).

>> Chuyên đề: Oscar lần thứ 83

Hai bộ phim đặc sắc nhất, đối thủ chính tại mùa giải Oscar lần thứ 83 chính là The Social Network, một bộ phim tiêu biểu của điện ảnh đương đại Mỹ và The King’s Speech đậm chất lịch sử Anh.

Với một nhịp điệu nhanh, dồn dập và không ngưng nghỉ, cộng với những đột phá trong cách dàn dựng, phá vỡ cấu trúc tuyến tính thông thường, The Social Network của đạo diễn David Fincher gây ấn tượng mạnh mẽ khi mới xuất hiện. Những câu thoại liên tu bất tận, cách xây dựng nhân vật xuất chúng phá khuôn mẫu và cái nhìn mỉa mai, sắc bén về thời cuộc, bộ phim được lòng cả giới phê bình lẫn công chúng, đặc biệt là giới trí thức có cái nhìn hiện đại và thích phản biện. Bộ phim cũng chứng minh khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của một trong những đạo diễn tài năng nhất Hollywood hiện nay - David Fincher (sinh năm 1962), một tên tuổi lớn luôn thành công với những bộ phim có tính kịch tính cao và cốt truyện phức tạp như Se7en (1995), Fight Club (1999), Panic Room (2002), gần đây nhất là The Curious Case Of Benjamin Button (2008).


Khởi đầu The Social Network gây chú ý hơn cả với hàng loạt giải thưởng, trong đó có giải Quả cầu vàng, được xem là giải tiền Oscar lớn nhất. Tổng cộng The Social Network đoạt đến 51 giải thưởng, vô địch gặt hái danh hiệu trong mùa giải năm nay.

Thế nhưng càng về cuối cuộc đua, bộ phim mang tính thời cuộc về mạng xã hội toàn cầu này lại thất thế trước đối thủ nhỏ hơn, ít tên tuổi hơn đến từ Anh, The King’s Speech của đạo diễn Tom Hooper (sinh năm 1972), một gương mặt mới, chủ yếu làm phim truyền hình (mới chỉ làm 2 tác phẩm điện ảnh). Điều này khá giống với trường hợp bộ phim hài lãng mạn Shakespeare In Love (đạo diễn John Madden) chiến thắng đối thủ mạnh hơn mọi phương diện là Saving Private Ryan (đạo diễn Steven Spielberg) trong mùa Oscar 1999.

The King’s Speech xuất phát chậm hơn nhưng càng về cuối càng sung sức khi đoạt 7 giải Bafta của Viện Hàn lâm Anh. Điều này đã dự báo trước cho giải Oscar 2010 khi bộ phim này cho The Social Network “ngã ngựa” trong ba giải quan trọng nhất là Phim, Đạo diễn và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Nhiều fan của David Fincher, trong đó có nhiều nhà phê bình tên tuổi “nóng mũi” khi thần tượng của họ, một tên tuổi kỳ cựu lại thua cuộc một kẻ trẻ tuổi và kém tiếng hơn đến từ bên kia Đại Tây Dương. Nhưng trong nghệ thuật không có ngôi thứ hay tên tuổi. The King’s Speech có thể nói là một mẫu mực trong điện ảnh mới, dù không có nhiều đột phá trong dàn dựng.

Bạn thích phim nào giành Oscar hơn?

Trong một cuộc phỏng vấn, Tom Hooper cho biết: “Tôi và người bạn đồng nghiệp cùng tuổi Joe Wright (từng đạo diễn Pride And Prejudice, Atonement) phải đi đường vòng bằng phim truyền hình lúc khởi nghiệp vì hầu như không có cơ hội làm phim điện ảnh”. Với phim truyền hình, Tom cũng tạo dựng được danh tiếng nhờ hai loạt phim về đề tài lịch sử và các nhân vật có thật là Elizabeth I (2005) và John Adams (2008), một trong những tổng thống thời kỳ đầu của Mỹ. Cả hai series này đều đoạt rất nhiều giải Emmy và Quả cầu vàng (cho phim truyền hình). Có lẽ nhờ đã chắc tay với thể loại phim lịch sử và nhân vật có thật nên Tom Hooper hoàn toàn làm chủ khi bắt tay dàn dựng The King’s Speech sau bộ phim về đề tài thể thao The Damned United (2009) rất được khen ngợi về tay nghề nhưng thất bại về doanh thu. The King’s Speech ngược lại, là một thành công lớn về doanh thu với 250 triệu USD tiền vé (đang tiếp tục tăng mạnh sau khi đoạt 4 giải Oscar quan trọng) dù kinh phí dàn dựng chỉ 15 triệu USD. Tom lý giải về thành công này: “Tôi nghĩ một trong những vũ khí bí mật của The King’s Speech là sự hài hước của nó, chính điều này đã mang lại những thành công ở phòng vé”.

Quả vậy, dù rất mẫu mực về thể loại trong cách xây dựng bối cảnh, trang phục, quay phim, dựng phim và diễn xuất nhưng Tom Hooper phá cách hoàn toàn khi xây dựng tâm lý và tính cách nhân vật. Nói cách khác, đạo diễn trẻ người Anh này rất “bạo gan” khi “thêm mắm dặm muối” cho nhân vật có thật - một vị vua trong lịch sử nước Anh để phục vụ cho ý tưởng nghệ thuật của mình.

Có lẽ hiếm bộ phim lịch sử triều chính nào mà các nhân vật trong hoàng gia lại chán ghét quyền lực và thờ ơ với ngôi vua như The King’s Speech. Sau khi vua cha - George V qua đời, Hoàng tử Edward lên nối ngôi, nhưng ông vua phóng túng này quen ăn chơi hơn là lãnh đạo triều chính, và vì luật lệ hoàng gia và nhà thờ không cho phép nhà vua lấy phụ nữ ngoại quốc lại đã có 2 đời chồng nên Edward đành… thoái vị để chạy theo người tình. Em trai của Edward là Bertie, Công tước xứ York đành lên ngôi thay anh trai mình. Hạn chế lớn nhất, trở thành nỗi ám ảnh của Bertie là tật nói lắp, một dị tật do bị vú em hành hạ về tâm lý lúc còn bé. Bertie phải vượt qua được dị tật này để diễn thuyết trước dân chúng, lãnh đạo nước Anh vượt qua cuộc chiến tranh với phát xít Đức. The King’s Speech tập trung mô tả giai đoạn “luyện giọng” của Bertie - Vua George VI của nước Anh, cha của Nữ hoàng Elizabeth II hiện tại.

Cốt truyện độc đáo nhưng lại đầy thách thức vì dễ rơi vào tẻ nhạt và thiếu kịch tính, nhưng tài năng của Tom Hooper khiến cho bộ phim trở nên sinh động, hài hước với những màn luyện giọng “chửi tục như hát hay” của vị vua và cả những chi tiết cảm động về quá khứ cô độc hay nỗi ám ảnh về sự thiếu hoàn thiện của ông. Dàn diễn viên xuất sắc với sự tung hứng đầy nhịp nhàng giữa một Colin Firth hoàn hảo và “chín muồi” trong vai vị vua nói lắp nóng tính, Helena Bonham Carter vai vợ vua - Nữ hoàng Elizabeth và Geoffrey Rush, nam diễn viên bậc thầy người Úc (đã đoạt Oscar Nam chính năm 1997 với phim về nghệ sĩ piano thiên tài người Úc David Helfgott trong bộ phim Shine, người cũng có một tuổi thơ ám ảnh và bị dị tật nói lắp) vai ông thầy dạy phát âm Lionel Logue, đã cống hiến cho người xem những màn diễn xuất đỉnh cao. Trong một phân đoạn ngắn ở kết phim, sau khi Vua George VI diễn thuyết thành công qua radio trước dân chúng, Lionel Logue nhắc khéo: “Anh còn lắp bắp ở chữ “w” đấy. Vị vua mỉm cười đáp: “Phải lắp vài chữ để người ta còn biết đấy là tôi chứ”! Đoạn kết khép lại thật duyên dáng và ý nhị…

Lê Hồng Lâm

Nhiều “mùi vị” khác lạ

Phải khá lâu, mùa giải Oscar lần thứ 83 mới đem đến cho khán giả nhiều bộ phim hay và những nhân vật mang nhiều sắc thái khác lạ đến thế. Một ông vua nói lắp phải vượt qua dị tật bản thân trước khi dẫn dắt dân Anh vượt qua Thế chiến II (The King’s Speech); một tay tỷ phú mạng xã hội có vẻ ngờ nghệch nhưng “lắm chiêu” (The Social Networt); một nữ vũ công ballet trượt dài trong sự tăm tối của nhân vật mà cô hóa thân (Black Swan); một tay leo núi mạo hiểm phải tự cắt một cánh tay mình để sống sót sau 127 giờ mắc kẹt (127 Hours); một đôi đồng tính nữ đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì… một gã đàn ông xuất hiện trong gia đình (The Kids Are All Right); một cô bé 14 tuổi quyết trả thù bằng mọi giá kẻ đã giết chết cha mình (True Grit); một cô gái 17 tuổi khác lại đơn độc đi tìm người cha đã biến mất trước nguy cơ ngôi nhà của gia đình họ bị tịch thu (Winter’s Bone)… Tất cả bọn họ đều phải đứng trước những thách thức của cuộc sống và bản thân mỗi người. Và để vượt qua được, bọn họ phải trả những cái giá khác nhau…

10 bộ phim đề cử giải Phim hay nhất đa dạng thể loại và mang nhiều phong vị khác biệt. Đó là những bộ phim bom tấn đạt doanh thu trên dưới 1 tỷ USD được khán giả toàn cầu tưởng thưởng nhờ tính sáng tạo vượt trội và đột phá trong cách dàn dựng như phim hoạt hình 3D ToyStory 3 (doanh thu 1,06 tỷ USD) và phim hành động giả tưởng Inception (823 triệu USD). Đó cũng có thể là những tác phẩm điện ảnh độc lập với kinh phí dàn dựng chỉ 1,2 triệu USD nhưng gây tiếng vang lớn trong giới phê bình nhờ những thông điệp xã hội mạnh mẽ (Winter’s Bone) hay tạo ra một cột mốc về thể loại như bộ phim về đề tài đồng tính The Kids Are All Right. Và các bộ phim nghệ thuật đặc sắc của những đạo diễn tên tuổi luôn gây bất ngờ ở mỗi lần tung ra tác phẩm mới, như anh em nhà Coen làm sống lại thể loại phim cao bồi Viễn Tây True Grit, đạo diễn David O.Russell với phim đấm bốc The Fighter, đạo diễn Darren Aronofsky với Black Swan hay Danny Boyle với 127 Hours…

L.H.L


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm