Mạc Ngôn & tinh thần đương đại của giải Nobel 2012

21/10/2012 06:00 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH Cuối tuần) - Lần đầu tiên giải Nobel Văn học được trao cho một nhà văn Trung Quốc. Và thú vị hơn khi kết quả của giải thưởng văn chương danh giá này tiếp tục gây nên nhiều tranh luận, để rồi cái người ta nhận ra được sau các cuộc tranh luận đó còn lớn hơn con số 1,3 triệu USD được trao cho người chiến thắng. TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu một trong những “tranh luận” như vậy của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tiến Văn.

Trong chùm 6 giải Nobel (gồm Sinh lý học hoặc Y khoa, Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế), trừ giải Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel của Na Uy trao tặng, 5 giải còn lại đều do các ủy ban chuyên ngành của Hàn lâm viện Thụy Điển chọn lựa. Không phải lúc nào các ủy ban này cũng làm việc sáng suốt, nhất là trong thời Chiến tranh lạnh bởi vì họ giải thích di chúc của nhà sáng chế cốt mìn kiêm kỹ nghệ gia Alfred Nobel một cách hạn hẹp: “Trao giải cho những công trình phục vụ cho loài người theo lý tưởng nhân bản chủ nghĩa” một cách duy tân và hướng thượng phải đạo.

Chính vì hiểu hạn chế như thế mà giải Nobel Văn học trong hơn một thế kỷ đã bỏ qua những tên tuổi lẫy lừng ảnh hưởng toàn cầu nhưng gây dị nghị trong tranh cãi như Lev Tolstoi, Joseph Conrad, Marcel Proust, James Joyce, Virginia Woolf, Franz Kafka, George Orwell, Jorge Luis Borges…


Nhà văn Mạc Ngôn

Từ khoảng 20 năm nay giải Nobel Văn học cũng tìm cách tránh tinh thần độc tôn châu Âu và châu Mỹ để vinh danh những tài năng ở các khu vực khác, cũng như những thể hiện trần trụi, phản diện hoặc đa phức của cuộc sống.

Tuy rằng 18 vị hàn lâm Thụy Điển xác quyết là sự bàn thảo và bỏ phiếu của họ thuần túy dựa trên những tiêu chuẩn văn học, nhưng bởi họ là những con người và đại diện cho một quốc gia (khi Alfred Nobel qua đời, Thụy Điển và Na Uy chưa tách thành hai quốc gia riêng biệt như từ năm 1905, nên mới có sự phân chia các ủy ban trao giải như thế) nên những suy tính mang tính chính trị không thể hoàn toàn loại trừ trong ý thức hoặc vô thức.

Giải Nobel Văn học 2012 trao cho Mạc Ngôn cũng gây ra những phản ứng tiêu cực, chịu tác động của sự yêu ghét đối với thế cuộc ngày càng đè nặng lên thế giới của Trung Quốc.

Trung Quốc là nước rộng lớn vào hàng đầu thế giới, dân số đông nhất trong các nước, và có một lịch sử văn hóa lâu đời hơn 3.000 năm liên tục. Một nghịch lý là trong suốt thế kỷ 20, nước này không có một giải thưởng Nobel nào về văn học.

Năm 2000, nhà văn kiêm kịch tác gia Cao Hành Kiện là người Trung Quốc đầu tiên được giải này. Tuy nhiên đó là một người ly khai và lưu vong sang Pháp từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989 nên về mặt pháp lý đó là giải thưởng cho một công dân Pháp. Vì vậy phản ứng của Trung Quốc là tẩy chay và miệt thị giải Nobel Văn học năm 2000.

Một sự kiện đặc thù cần phải nêu ra ở đây là Đài Loan hoan hỷ đón nhận nhà văn Cao Hành Kiện và xuất bản các tác phẩm của ông. Thêm một sự kiện đáng kể nữa là theo thỏa thuận giữa bà Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, Hong Kong được tự trị về chính trị trong 50 năm kể từ khi trao trả hòn đảo này cho Trung Quốc vào năm 1997. Vì vậy, Cao Hành Kiện bị cấm cửa ở lục địa nhưng vẫn có thể về Hong Kong sinh hoạt nói chuyện như một vị khách.

Những tác phẩm của Mạc Ngôn sau Nobel đã bán chạy hơn ở thị trường châu Âu

Nhờ vị thế và sự sắp đặt đặc biệt này mà Trung Quốc có sự tiếp cận với thế giới thông thoáng và cửa ngõ cho những giao lưu nhiều mặt qua Hong Kong và Đài Loan.

Đây là một thử nghiệm trong thực tế và trong cả những trào lưu trí tuệ, văn hóa. Chẳng hạn, khi cuốn Phong nhũ phì đồn (Vú to mông nẩy) - bản dịch tiếng Việt là Báu vật của đời - hoặc Thiên đường toản đài chi ca (Bài hát về tỏi ở xã Thiên đường) - bản dịch tiếng Việt là Cây tỏi nổi giận - khó xuất bản ở Trung Quốc thì Mạc Ngôn có thể thu xếp để cho xuất bản ở Đài Loan năm 1988. Mãi sau này sách mới được in ở lục địa.

Mạc Ngôn tên thật là Quản Mô Nghiệp. Chữ Mô trong chữ Nho có thể chiết tự ra hai thành phần: bộ Ngôn và phần hài thanh là Mạc (không). Nhà văn này đã chọn cách chiết tự này làm bút danh của mình, tức là tự răn đe “không nói”. Đây là một sự lựa chọn thế đứng rất quan trọng.

Sinh năm 1955, vốn là con của một người cha làm thợ ở mỏ than đá và một người mẹ làm công nhân trong xưởng ép hạt bông làm dầu ăn tại xã Bình An, huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Mạc Ngôn chỉ được theo học hết bậc tiểu học. Năm 1965, cậu bé mười tuổi phải bỏ học đi chăn trâu ở nông trường.

Trong một cuộc phỏng vấn, Mạc Ngôn giải thích rằng cái bút danh này tới từ lời cảnh giác của cha mẹ là không được nói những gì trong đầu cho người ngoài bởi tình hình chính trị cách mạng thời đó.

Không nói thì viết. Dù chỉ mới qua tiểu học, ông đã công phu tự học bằng cách say mê đọc sách và đến 20 tuổi gia nhập quân đội và có cơ hội theo đuổi việc học văn hóa như một người lính. Đến năm 1981 ông viết được tác phẩm đầu tay và ba năm sau được bổ về chức vụ giảng dạy ở Học viện Văn hóa của quân đội, trong Ban Văn học. Từ đây, Mạc Ngôn miệt mài theo đuổi công việc sáng tác.

Chừng nào loài người còn sống là còn đau khổ. Tôi tin rằng hầu hết người đọc đều thích đọc những câu văn vui tả về một cuộc đời đớn đau - Mạc Ngôn

Vốn xuất thân từ giai cấp công nông, lại trải qua nhiều giai đoạn sống tiếp cận với đại chúng bình dân của Trung Quốc, ông nắm vững thị hiếu của giới này nên truyện của Mạc Ngôn có hấp lực với đa số độc giả từ chương đầu tiên.

Triết lý văn học được ông bộc lộ như sau: “Chừng nào loài người còn sống là còn đau khổ. Tôi tin rằng hầu hết người đọc đều thích đọc những câu văn vui tả về một cuộc đời đớn đau”.

Trong văn học Trung Quốc, người thầy lớn nhất noi gương cho ông là Lỗ Tấn, trong văn học thế giới là William Faukner và Gabriel Garcia Marquez.

Khi chọn Mạc Ngôn, Hàn lâm viện Thụy Điển phát biểu: “Qua sự hòa trộn giữa huyễn tưởng và thực tại, những viễn kiến lịch sử và xã hội, Mạc Ngôn đã sáng tạo một thế giới phức hợp làm ta liên tưởng đến những thế giới của William Faukner và Gabriel Garcia Marquez, đồng thời tìm ra một xuất phát điểm trong văn học Trung Quốc cổ xưa và truyền thống kể chuyện”.

Trong Báu vật của đời, Mạc Ngôn đã xây dựng hình tượng một người đàn bà gần như truyền kỳ huyền thoại vượt qua mọi cảnh khổ ở đời chẳng khác nào một Thúy Kiều tân thời. Trong Cây tỏi nổi giận ông đã mô tả cuộc nổi dậy của nông dân khi bị chính quyền địa phương tùy tiện o ép với việc trồng trọt và mậu dịch thu mua. Còn trong Đàn hương hình ông tái hiện cảnh tra tấn và giết chóc tinh vi của các nhà cầm quyền phong kiến. Trong Sinh tử bì lao (Sống chết mệt mỏi) ông đã lấy chuyện đầu thai của năm con vật để mô tả lịch sử Trung Quốc trong suốt thế kỷ 20 tới nay. Thư pháp văn học được gọi là hiện thực ảo giác khác với hiện thực xã hội chủ nghĩa, và chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo châu Mỹ Latin.

Với chức vụ Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, Mạc Ngôn đã từng bênh vực Cao Hành Kiện và năm nay khi vừa nhận giải Nobel, ông đã lên tiếng hy vọng Lưu Tiểu Ba (Nobel Hòa bình 2010) được trả tự do.

Trong thế chọn lựa tương tự là thỏa hiệp, để có thể làm việc phục vụ nhân dân, Mạc Ngôn không mất đi tư cách và phẩm giá của một nhà văn, một con người.

Nguyễn Tiến Văn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm