Khám phá văn bia vua Nguyễn ở Vịnh Hạ Long

30/07/2009 16:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - LTS: Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh của Việt Nam, đã từng hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và hiện đang được bình chọn là “Kỳ quan thiên nhiên thế giới”. Những hang động bí ẩn và mỹ lệ của Vịnh Hạ Long đang ẩn giấu nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, thiên nhiên và về văn hóa. Gần đây, PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Phó Tổng biên tập tạp chí Hán Nôm) đã “giải mã” bia đá đề thơ của vua Khải Định, ghi lại chuyến thăm vịnh Hạ Long năm 1918.

Bia đá của vua Khải Định

Hang Đầu Gỗ ở phía hữu động Thiên Cung là một trong các hang động đẹp nhất trong quần thể di tích ở vịnh Hạ Long, cách bến Đoan chừng 5,6 km, hàng ngày thu hút hàng trăm khách tham quan. Tại cửa động có một bia đá khắc văn bản chữ Hán, khá cổ kính. Bên cạnh bia đá, có một biển vàng trang trọng giới thiệu nội dung văn bia này bằng chữ Việt và tiếng Anh, nội dung như sau:

“Bia đá của vua Khải Định. Đây là bia đá của vua Khải Định (1916 - 1925), Hoàng đế thứ 12 Vương triều nhà Nguyễn sai quan sở tại Quảng Yên khắc dựng vào ngày 20-3-1927. Nội dung bia đá khắc chữ Hán, do thời gian lâu ngày bị mờ và mất một số chữ. Qua tra cứu sổ sách và suy luận có thể tạm dịch như sau: Vào mùa Xuân năm 1919 (năm Kỷ Mùi), đoàn người gồm có Vua Khải Định cùng toàn quyền Đông Dương Pháp Poldoumme (Paul Doumer - PV) và tùy tùng đi bằng thuyền từ Lục Đầu Giang (Kiếp Bạc) qua Hải Phòng đến Hạ Long. Họ đã vào thăm hang Đầu Gỗ. Sửng sốt trước cảnh nước non, trời biển, hang động đẹp tựa Hoàng cung, có người trong đoàn đã làm bài thơ nhỏ ca ngợi.


Bia đá của vua Khải Định

Nội dung bài thơ rằng “Thơ không thể ca ngợi hết vẻ đẹp của hang động, làm thơ chẳng qua chỉ là thêm một bông hoa vào trên bức gấm đã đẹp sẵn mà thôi” (Thượng gấm điểm hoa). Nhà Vua đã cho dựng bia đá ghi lại sự tích này, họa tiết phía trên của bia đá có hình lưỡng long chầu nguyệt, thể hiện âm dương luân hồi. Xung quanh là cảnh trí vân long phi (mây bay rồng múa). Phía dưới khắc hình con Lân thuộc tứ linh (Long, Li, Quy, Phượng) là bốn loài vật linh thiêng được tôn thờ ở các đình, chùa, miếu mạo của dân tộc Việt Nam. Sự tích này khẳng định hang Đầu Gỗ vừa là di tích lịch sử vừa là cảnh đẹp tự nhiên lâu đời, là niềm tự hào của dân tộc, ai ai cũng phải đến thăm”.

Thực tế, bia khá đẹp, được chạm khắc công phu, nhưng bề mặt bia bị khắc đè lên nhiều dòng chữ, nên rất khó đọc và gây phản cảm. Nội dung văn bia hoàn toàn không đúng như lời giới thiệu trên. Vì thế, Trung tâm quản lý di tích I, thuộc Ban Quản lý vịnh Hạ Long mong muốn tu sửa lại bia đá này. Chúng tôi đã đến tận nơi khảo sát và khôi phục được toàn bộ văn bản văn bia. Đoàn khảo sát và khôi phục văn bia này, gồm: PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, và Họa sĩ Chu Văn Vệ (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) và tôi (PGS.TS Đinh Khắc Thuân)

Hang động được vua ban tên mới

Đây là bài tựa và bài thơ của vua Khải Định làm và sai khắc vào đầu Xuân năm Mậu Ngọ (1918) trong dịp tuần du phía Bắc cùng viên Toàn quyền Pháp là Sa-rô (chữ Hán phiên là Lộ-công), chứ không phải là Poldoumme (Paul Doumer) như bảng giới thiệu đã ghi.

Đây là một bài thơ hay, một tư liệu quý về một danh thắng trong quần thể di tích vịnh Hạ Long. Tư liệu cho thấy vua Khải Định đã hết sức trân trọng cảnh đẹp kỳ thú của động Thiên cung này và cũng rất có ý thức bảo vệ di tích, bằng chứng là không tùy tiện khắc lên vách đá mà cho dựng riêng một bia đá để khắc bài thơ của mình. Bia đá và bài thơ của vua Khải Định quả đã góp phần tô đẹp thêm danh tích này, song ông lại rất khiêm tốn mà viết rằng: “Đây chỉ là ghi lại sự khéo léo của tạo hóa và để ghi lại tình cảm giao hiếu mặn mà. Còn như bảo rằng vẽ thêm hoa trên gấm vóc, thì hãy đợi các tao nhân mặc khách đời sau”. Chủ ý của vị Vua này rất rõ ràng là vậy, nhưng lại không được hiểu đúng mà giới thiệu rằng ông làm bài thơ này “chẳng qua chỉ là thêm một bông hoa vào trên bức gấm đã đẹp sẵn mà thôi” như đã dẫn ở trên.

Hang Đầu Gỗ

Do bị nhiều nét chữ trên bia bị mất, nên việc khôi phục lại văn bản này vô cùng khó khăn. Chúng tôi đã cố gắng hết mức, song rất có thể còn những sai sót, xin chỉ giáo và lượng thứ. Sau đây xin giới thiệu toàn bộ văn bản văn bia sau khi được khôi phục.

Dịch nghĩa bài văn bia:

Lời tựa bài thơ Ngự chế đến thăm hang đá kỳ quan ở Lục Hải và ban cho tên gọi là động Ngũ Thái Tường Vân (mây lành năm sắc).

Một buổi sớm mùa Xuân năm Mậu Ngọ (1918), Trẫm đi tuần du phía Bắc, cùng với quan toàn quyền Sa-rô (Albert Pierre Sarraut) từ Hải Phòng đi tàu thủy đến thăm Lục Hải (Hạ Long), ngược lên sông Lục Đầu, ngang qua động đá kỳ quan này. Nhân bước xuống thuyền con ghé vào bờ, dắt tay nhau bước vào cửa động.

Những thấy: vách động mở ra, ánh đá lấp lánh; Rạng rỡ muôn sao la liệt, phô bày ngũ sắc lung linh. Móc nhỏ giọt, ráng hồng bay, từng đám từng đám khoe sắc. Bấy giờ phóng tầm mắt nhìn khắp, thì thấy: hoặc phô vẻ xanh lam, hoặc khoe màu vàng óng, vệt sáng dòng son, dáng vẻ không sao tả xiết. Rõ ràng một áng mây lành lúc ẩn lúc hiện thường xuyên bao phủ. Liền leo lên xuyên qua đám u tịch để thỏa chí thưởng ngoạn cảnh tao nhã này, rồi theo thú đăng lâm mà dạo bước, bất giác dấy lên cảm hoài. Nhân đó, ban cho tên động là Ngũ sắc tường vân. Lại làm được bài thơ ngũ ngôn có 12 vần và cả bài tựa dẫn. Sai quan tỉnh thần Quảng Yên cho thợ khắc bia đá, đặt ở cửa động, một là để ghi lại sự khéo léo của tạo hóa, hai là để ghi lại tình cảm giao hiếu mặn mà. Còn như bảo rằng vẽ thêm hoa trên gấm vóc, thì hãy đợi các tao nhân mặc khách đời sau. Bài thơ rằng:

Ngồi thuyền rồng đón gió mát
Cưỡi bè sứ vượt qua Lục Hải
Đến đâu cũng thấy đá núi trập trùng
Thuyền đi chẳng gặp sóng nước
Từng truyền có hang đá kỳ lạ
Dắt tay nhau xuống thuyền con
Cùng bước lên hang núi
Đến cửa hang thì đường nghiêng hẳn
Bên biển có các đảo sừng sững
Trước mặt là núi đá chắn ngang
Giữa vách đá có các lỗ thủng như hạt ngọc
Động có nhiều lớp được gọi là nhà
Cửa thánh còn thiếu bậc Đảm Hy (*)
Lũy trời đế lại thực nhiều vẻ
Đá rủ hình màu ngà sắc
Lại như sao sáng bày hàng
Ráng hồng nhẹ bay qua cửa động
Hạt móc nhè nhẹ sa xuống đám cát
Hang mái ngân tiếng dịu dàng
Gợi ý cho tao nhân mặc khách đề vịnh
Bụi trần chẳng hề bén tới
Cánh Tiên cất tiếng ra ro
Hãy ghi lại chuyến đăng lâm này
Khắc vào đá cứng để ghi nhớ mãi.

Ngày 22 tháng 3 năm Khải Định thứ 3 (1918).

(*) Đảm Hy: có sách còn gọi là Phục Hy, nhân vật trong truyền thuyết cổ đại Trung Hoa, có công khai thiên lập địa, xây dựng đất nước.
 
PGS. TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm