Đạo diễn Síu Phạm: Tôi theo môn phái 'đập đầu vào đá'

28/01/2015 15:14 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Số người tiếp cận phim của Síu Phạm ở Việt Nam chưa nhiều. Những ai từng xem 2 phim của Síu trở lên ít nhiều đều bị choáng váng. Có thể nói, đây là một nhân vật thú vị nhất của điện ảnh Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Một đạo diễn độc đáo, không giống ai và truyền cảm hứng.

Qua buổi chiếu phim quy mô nhỏ Căn phòng của mẹ, Đó… hay Đây? của Síu Phạm ở Hà Nội, tôi thấy bầu không khí khán giả rất lạ. Có quá nhiều cảm xúc. Không ít khán giả bày tỏ sự hoang mang, khó hiểu đã yêu cầu đạo diễn giải thích bộ phim, một việc cực chẳng đã cho cả người sáng tạo và người thưởng thức nghệ thuật. Có khán giả cao tuổi sau khi cố gắng giải mã những lớp nghĩa chìm trong phim đã đi tới kết luận “bà này rất ghê”. Nhưng cũng không thiếu những khán giả trẻ xem xong phim đã đứng dậy nói lời cảm ơn đạo diễn, gương mặt bừng nở cảm giác sung sướng vì đã đạt tới một nấc mới của sự tri nhận.

Hai bộ phim nói trên của Síu Phạm dự kiến sẽ được phát hành trong năm nay.


Síu Phạm quan niệm: người làm nghệ thuật phải biết quan sát tỉ mỉ, nắm bắt các chi tiết. Như một nhà làm phim tài liệu, chị ghi rất nhiều hình ảnh đời thường, sử dụng một cách rất đắc địa trong các bộ phim hư cấu. Điều đó khiến khán giả rơi vào cảm giác nửa hư nửa thực. Nhưng mục tiêu của Síu Phạm là để khán giả cùng tham gia sáng tạo vào câu chuyện thay vì “dắt mũi” họ bằng dẫn dắt của mình.

* Chị từng nói “già gần chết mới làm phim”, “vì khổ quá mà bật ra thành phim”. Tôi hơi tò mò cái khổ đó là gì?

- Đó là cái khổ tinh thần, cái khổ của triết học thôi. Phim ảnh nó âm ỉ trong lòng mình từ lâu lắm rồi. Ba tôi là người say mê điện ảnh, ông đã truyền sự say mê đó sang cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ có lần cả nhà đang ngồi vừa ăn cơm vừa xem ti-vi, ông nói “xem ti-vi dở quá, thôi nhà mình đi xem phim”, thế là kéo cả nhà ra rạp. Có lần ông vào lớp xin cô giáo cho tôi nghỉ “vì có việc nhà”, nhưng kỳ thực ông lôi tôi đi xem phim. Hai cha con xem Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài khóc sưng cả mắt (cười). Hồi xưa cứ có chút tiền là tôi mua báo về đọc, mua vé xem phim. Hồi choai choai tôi cũng đua đòi để kiểu tóc của Brigitte Bardot (*).

Trước giải phóng tôi cộng tác với hai đạo diễn: Lê Hoàng Hoa và Võ Doãn Châu. Lúc viết kịch bản chung với Võ Doãn Châu, tôi mê ông ấy quá vì ông ấy giỏi, đẹp trai, mà phong cách thì thật là giống Alan Delon (**), khiến mình “chịu” không nổi. Cũng từ đó tôi đi học điện ảnh.

* Có hay không chuyện thời trẻ chị chưa bước vào phim ảnh vì chị là nữ nhi, mà nghề đạo diễn xưa kia vốn chỉ dành cho đàn ông? Hay vì Síu Phạm mải mê học hết môn này tới môn khác, mãi sau này mới có thời gian cho điện ảnh?

- Không bao giờ tôi cảm thấy mình bị cản trở bởi nam giới. Vì tôi cũng hay la lên chứ không để bị bắt nạt. Khi tôi đã muốn gì là nói ra luôn đó.

Cũng có thể vì mình cứ mải miết học cái này cái kia. Nhưng cuối cùng đến được với ai, làm được điều gì cũng vẫn là một chữ “duyên” thôi.

* Nhìn chị không hiểu sao tôi nghĩ nghệ sĩ Yoko, vợ góa của nam ca sĩ tài danh John Lenon. Những người phụ nữ tài năng và tiên phong…

- Cô đó mạnh hơn tôi nhiều. Cô ấy là một trong những người làm nghệ thuật “kinh khủng” và giàu nhất nhì thế giới. Ôi, tôi cũng mong được như vậy lắm.

Nếu em nói tôi là người tiên phong ở Việt Nam thì là tự nhiên trở thành tiên phong thôi. Em có biết tại sao không? Phương tiện của tôi rất eo hẹp, nên tôi phải sáng tạo ra cái phù hợp với điều kiện của mình. Mà tôi thì luôn muốn làm cái người khác chưa làm. Khi quay Căn phòng của mẹ, tôi chỉ có 9 ngày quay chính, còn lại đi lêu bêu ngoài đường quay người ta, mà mấy cậu quay phim gọi là “quay không khí”.

* Xem phim chị thấy rất nhiều hình ảnh người dân Việt Nam được quay thật ngoài đời, thấy chị dường như rất trăn trở về sự phát triển của xã hội Việt Nam trên con đường phát triển?

- Các nước châu Âu phát triển dần dần từ có radio, tủ lạnh…, điện ảnh thì từ đen trắng lên màu. Còn mình từ không có gì đến có thật nhiều, phát triển quá nhanh nên không có đủ thời gian. Giáo dục căn bản, giáo dục thẩm mỹ cần phải có thì làm chưa tốt. Nhưng tôi nghĩ cũng phải từ từ.

Trong phim Căn phòng của mẹ, có cảnh quán cà phê ở hẻm Trịnh. Tôi ngồi đó biết bao lần và nhận thấy cứ có một xe máy vào người uống lại phải bê ghế đứng lên. Ở nước ngoài người ta sẽ không bao giờ chịu như thế, vậy mà người mình lại chịu được. Ở gần nhà tôi có một bà bán bánh xu xê. Khi con đường mở, trong vòng một tuần, người ta cắt dần nhà bà ấy. Hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy là bà ấy vẫn ngồi bán bánh bên phòng tắm, cầu tiêu còn lại của ngôi nhà.

Quả thực tôi thấy sức chịu đựng, sức sống của người dân mình thật mạnh mẽ, điều ấy làm tôi cảm động.

Người ta vẫn nói người Việt mình theo chủ nghĩa đại khái. Nhưng tôi lại nghĩ vì mình không có, nên mình mới phải chịu đại khái chứ không phải lười biếng đâu. Giống như người ta cứ chê dân da đen lười biếng. Sang đó mới biết họ làm việc vô cùng cực nhọc, mà ai có thể cày cấy dưới cái nóng kinh người đó cả ngày chứ.


Cảnh trong phim Đó… hay Đây? do nghệ sĩ Jean-Luc Mello - chồng của Síu Phạm viết kịch bản, kiêm diễn viên chính. Trong phim có cảnh Jean-Luc Mello ngơ ngác giữa một dàn vận động viên bơi nghệ thuật. Síu Phạm đã thực hiện cảnh quay đó ở nước ngoài, từ trước khi có kịch bản Đó… hay Đây?. Síu cho biết khi có ý tưởng gì, chị thường quay trước để làm “lương khô”. Đây quả là một cách chuẩn bị rất đặc biệt, vì theo nguyên tắc làm phim thông thường, phải có ý tưởng kịch bản trước, đến khi tổ chức sản xuất, có đạo diễn thì mới có cảnh quay.

* Chị đi nước ngoài lâu mới về Việt Nam hẳn sẽ nhìn thấy vô số đề tài thú vị ở đất nước mình?

- Quả thực đó là nguồn đề tài gây cảm hứng, nhiều khi rất thú vị. Ở Việt Nam có những cái vượt trội ra ngoài, rất buồn cười, không đâu có thể có.

Có một em nói với tôi, chị quay tất cả cảnh đời thường mà bây giờ em mới nhìn ra. Thì đúng là như vậy, thay vì dẫn chuyện theo kiểu Hollywood bằng “action” (hành động - PV) tùm lum, thì tôi dẫn chuyện bằng những hình ảnh để khán giả phải suy ngẫm. Tôi đưa ra cái nhìn thôi, không phán xét xấu hay tốt.

* Chị từng nói muốn muốn kể câu chuyện nhẹ nhàng, làm khán giả phải suy nghĩ. Nhưng câu chuyện chị đưa tới thực sự không nhẹ nhàng.

- Không hiểu sao mọi người lại nói thế, thực ra tôi thấy rất nhẹ nhàng, tự nhiên. Phim tôi không phán xét, và nhiều khi mang tính chất hài hước. Đúng là như vậy, bởi vì cuộc đời này nó buồn cười lắm. Tôi cũng không nghĩ nó bi thảm quá, tôi thấy nó đầy hy vọng.

* Khi Síu Phạm nói về công việc thường nói phải “điên”, “liều mạng” và làm “một sống hai chết”? Tinh thần đấy có từ bao giờ?

- Tôi vẫn quan niệm tôi là hiệp sĩ mù nghe gió kiếm, và điếc không sợ súng. Tôi đọc và mê truyện kiếm hiệp, bị ảnh hưởng từ những nhân vật của Kim Dung, những người không bao giờ quỵ lụy, dù có phải làm việc gì mà phải chết cũng không nề hà. Tôi không có mảy may tính tư lợi, thấy khúc mắc quá là lùi ra ngoài, không tiến tới nữa. Tôi sẽ nhẹ nhàng đi qua con đường khác để đạt được điều mình muốn. À, hồi xưa tôi rất thích những bài xã luận của một anh có biệt hiệu Đập đầu vào đá, tôi vẫn nói tôi theo “môn phái Đập đầu vào đá”.

(*), (**): Hai diễn viên điện ảnh huyền thoại của Pháp.

Síu Phạm hiện sống ở Hội An, Việt Nam. Chị học Triết học ở Đại học Sài Gòn rồi sang Thụy Sĩ học Lịch sử nghệ thuật và phân tích phim tại Đại học Geneva. Chị từng làm việc tại các nhà hát đương đại ở Geneva và Lausanne từ 1990 đến 2010 với tư cách đạo diễn sân khấu. Síu Phạm còn vẽ tranh và từng được triển lãm tại TP.HCM, Geneva, Lausanne, Paris, Washington, DC, Arheilm...

Cùng với ông xã của mình là nghệ sĩ Jean-Luc Mello, hai người đã làm bộ phim Here Or… There? (Đó hay… Đây?).  Bộ phim được chọn chính thức bởi LHP quốc tế Busan vào phần “Các tác phẩm mới” năm 2011. Homostratus - The Mother’s Room (Căn phòng của mẹ) hoàn thành vào cuối năm 2013, nhận giải thưởng Tầm nhìn độc đáo nhất tại LHP thế giới Queens tại New York. Ngoài ra còn được bình chọn tại LHP quốc tế Femmes tại Creteil, LHP quốc tế Hà Nội III, LHP tại Varsovie.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm