Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Nhà trường cần phải gương mẫu…

16/03/2009 11:03 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Câu chuyện thu phí máy in, photocopy, scan… với ít nhiều ảnh hưởng đến túi tiền của học sinh – sinh viên đã nóng lên trong thời gian gần đây. Ở nhiều nước trên thế giới vấn đề quyền sao chép không có gì lạ lẫm nhưng ở Việt Nam đây lại là vấn đề hoàn toàn mới mẻ. Và vừa qua, Tổ công tác vận động thành lập tổ chức Quyền sao chép Việt Nam đã ra đời.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bà Đoàn Thị Lam Luyến – Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, thành viên tổ vận động thành lập Tổ chức mới này.
 
Bà Đoàn Thị Lam Luyến
 
“Bổn phận thiêng liêng”

* Thưa bà, trong thời gian qua chính Trung tâm Quyền tác giả văn học VN cũng đang gặp khó khăn trong việc thực thi các quyền của mình. Vậy tại sao bà không dành sự đầu tư của mình vào trung tâm mà lại nghĩ đến thành lập tổ chức quyền sao chép Việt Nam?

- Khó khăn của Trung tâm trong thời gian qua sẽ còn là khó khăn trong tương lai nếu Trung tâm không đề xuất xây dựng Đề án cấp phép quyền sao chép tại Việt Nam. Quyền sao chép là một trong những quyền tài sản quyền tác giả được sử dụng nhiều nhất và cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Nên hiểu rằng “sao chụp” là một phần của độc quyền tác giả thuộc điều 9(2) - Công ước Berne. Có thể thấy rằng nếu việc tạo ra một số lượng lớn bản sao thì không được phép vì nó ảnh hưởng tới quá trình khai thác bình thường tác phẩm, nhưng nếu quá trình này đưa đến một số lượng khá lớn bản sao để sử dụng cho công tác chuyên môn thì sẽ không bị cấm nhưng phải trả tiền nhuận bút cho tác giả vì nó tạo ra một nguy cơ gây tổn hại một cách vô lý đến lợi ích của tác giả.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, có thể thấy sự gia tăng các hành vi sao chép bằng việc gia tăng số lượng các thiết bị photo cá nhân, các loại máy sao chụp khác, sao chụp bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại đang ngày càng gia tăng. Sự sao chép trái phép này đã làm giảm sút phần lợi ích quan trọng mà các tác giả hoặc các nhà xuất bản phải được hưởng.

Bởi thế, vận động để thành lập tổ chức quản lý quyền sao chép tại Việt Nam, Trung tâm có bổn phận thiêng liêng, đâu phải là người ngoài cuộc ?!
 
* Bảo vệ quyền lợi trực tiếp của các nhà văn thông qua tác phẩm được in ấn của họ đã khó, Trung tâm lại có kế hoạch thu phí thiết bị như máy in, photocopy, scan..., thậm chí đổ đầu lên đối tượng học sinh, sinh viên. Kế hoạch này liệu có khả thi trong bối cảnh nước ta hiện nay?

- Việc sao chép chủ yếu được thực hiện ở các trường học, các thư viện, các cơ quan... Trong nhà trường và học sinh, sinh viên sao chép một số trang sách để tránh mua một cuốn sách. Các bài báo trên các tạp chí được sao chép để tránh việc phải trả tiền mua một tờ báo... Trong các tổ chức giáo dục, việc sao chép để phục vụ cho việc dạy và học ở các lớp học diễn ra thường xuyên. Ảnh hưởng cộng đồng khi hệ thống giáo dục sử dụng máy photocopy sẽ dẫn đến tình trạng có hàng nghìn bản sao của một tác phẩm đơn lẻ được sao chép.

Việc sao chụp và sao chép tương tự đối với các tác phẩm được bảo hộ hiện diễn ra trên phạm vi lớn, rõ ràng mâu thuẫn với việc khai thác thông thường đối với các tác phẩm.

Nhà trường là đối tượng cần phải gương mẫu khi chấp hành luật pháp, nhất là Luật sở hữu trí tuệ vì họ sẽ là lớp trí thức trong tương lai. Vì vậy, không thể nói đổ đầu lên đối tượng học sinh, sinh viên.
 
Theo bà Luyến, việc thu tiền ở các tiệm photocopy
chắc chắn sẽ nhận được phản ứng…”. 
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
 
* Cứ cho là chúng ta sẽ thực hiện thành công việc thu phí sao chép. Vậy số phí thu được sẽ được sử dụng như thế nào cho hợp lí. Bởi lẽ không thể thống kê được tài liệu hay tác phẩm nào được sao chép nhiều hay ít...

- Có rất nhiều kiểu mẫu để phân phối tiền thù lao. Nhưng qua khảo sát, phương pháp phân phối tập trung tiền thù lao có thể phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hơn cả.

Hệ thống này cũng có thể cung cấp tiền thù lao cho các cá nhân chủ sở hữu quyền tác giả, thậm chí là bằng cách gián tiếp. Hiệp hội Quyền sao chép (RRO) phân phối tiền thù lao tới các hiệp hội những người chủ sở hữu quyền tác giả, sau đó các hiệp hội này sẽ trả cho cá nhân tác giả và nhà xuất bản. Tuy nhiên , cũng như trong trường hợp khi phân phối được dựa trên các tiêu chí của sự có sẵn mang tính khách quan, không cần thiết phải có mối liên hệ giữa những người chủ sở hữu hoặc tác phẩm mà đã được sao chụp và tiền thù lao mà cá nhân chủ sở hữu quền tác giả được nhận. Nói chung thường là các hiệp hội chủ sở hữu quyền tác giả (Hội xuất bản, Hội nhà văn, Hội nhiếp ảnh…) quyết định tiêu chí của việc phân phối.

Cuối cùng, phương hướng kết hợp giữa chủ sở hữu quyền tác giả, người sử dụng, và các nhà làm luật thì có khả năng là sẽ có lợi cho tất cả các bên có liên quan.

Đây là tiền bồi thường chứ không phải tiền bản quyền

* Được biết trong thời gian vừa qua bà có mời ông John – Willy Rudoph, Chủ tịch ủy ban phát triển Tổ chức Quyền sao chép (IFRRO) khu vực Châu Phi và Trung Đông sang Việt Nam để “chuyển giao công nghệ”. Theo bà, để áp dụng các mô hình ở nước ngoài vào Việt Nam cần phải “ứng biến” như thế nào?

- Luật Việt Nam trên cơ sở tương đồng với các văn bản pháp luật quốc tế đã thừa nhận quyền sao chép ở mức độ rất rộng, và được mở rộng trên nhiều lĩnh vực với nhiều loại hình tác phẩm.

Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thu tiền của RRO Việt Nam thì pháp luật Việt Nam phải có sự thay đổi nhất định trên cơ sở tương đồng với pháp luật các nước để xác định đây là tiền bồi thường chứ không phải tiền bản quyền. Tiền bồi thường chính là số tiền phải trả để đền bù một phần thiệt hại của các chủ sở hữu quyền do hành vi sao chép mà không trả tiền bản quyền gây ra.

Hiệp hội mà chúng tôi đang ra sức vận động để được dư luận đồng tình trên cơ sở đó được các cơ quan của nhà nước chấp nhận cho ra đời có chức năng “thu tiền bồi thường” (hoặc “thu tiền thù lao"); có chức năng cấp bản quyền về tái sử dụng tài liệu được bảo hộ bản quyền bất cứ khi nào chủ sở hữu quyền tác giả không thể thực hiện được quyền của mình.

* Và bà có tiên liệu rằng các công việc này sẽ gặp những phản ứng từ xã hội, cũng như vô vàn những khó khăn phát sinh?

- Sự ra đời của Hiệp hội sẽ gặp không ít những khó khăn như: Những khái niệm về quyền sao chép chưa được phổ biến và chưa có nhiều cách hiểu đồng nhất, có thể gặp phải những ý kiến đồng.

Hơn nữa, trường học, thư viện là những nơi sao chép tác phẩm nhiều nhất. Tuy nhiên, các đơn vị này lại có kinh phí hoạt động khá hạn hẹp, có thể sẽ không đủ chi trả khoản tiền bản quyền cho việc sao chép này.

Và nữa, việc thu tiền ở các tiệm photocopy chắc chắn sẽ nhận được phản ứng từ các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này, nếu không có sự chu đáo trong quá trình tuyên truyền để mọi người thấy rõ cơ sở pháp lý vững chắc của vấn đề này.

* Xin cảm ơn bà!
Yên Khương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm