Xé lòng những cái chết tức tưởi trong giông bão miền Trung

03/10/2013 10:01 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) -
Trưởng bản Khe Khế kể: "Nghe thấy tiếng thét lớn át cả tiếng mưa bão, tôi vội chạy sang nhà anh Hồ Linh. Mọi người trong nhà nháo nhác, tôi chạy trong mưa đi tìm y tá thôn. Nhưng vẫn không cứu được. Con bé đẹp lắm. Lúc mất rồi mà vẫn như đang ngủ...".

Ôm con mà nhìn con chết ngay trước mặt

Tôi về về bản Khe Khế (xã Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) khi trời đã chạng vạng. Thấy tôi hỏi về nhà anh Hồ Quỳnh, một “mệ” đang trệu trạo nhai trầu chỉ đường: “Cháu đi thẳng vào, thấy nhà nào nghèo nhất là nhà nó đấy. Con nó mới chết mấy hôm, tội lắm!”.

Tối trời, con đường lầy lội dẫn vào bản, không phân biệt được đâu là nhà, đâu là cây cối. Lâu lâu nghe tiếng người nói chuyện rì rầm mà cũng không nhìn rõ mặt người. Những ánh đèn leo lét không đủ sáng, chập chờn như ma chơi.

Không biết bao giờ, ba mẹ cháu Hồ Thị Quỳnh Nhy mới nguôi ngoai nỗi đau mất con.
Cứ đi cho đến khi nghe tiếng khóc hờ hờ, tôi chắc mẩm “có lẽ là đây rồi”. Bước vào nhà, một bát hương, mà cũng không phải bát hương, chỉ là mấy que nhang cắm trên một đoạn thân cây chuối, để ngay cuối giường. Một vài cây nhang đang cháy dở, một ngọn nến bé xíu ngay trước mặt. Cánh đàn ông gần chục người ngồi quây quần dưới manh chiếu rách, nói chuyện to nhỏ bằng ngôn ngữ của đồng bào mình - đồng bào Bru Vân Kiều. Họ ngồi quanh một chiếc bát nhỏ đựng thịt mỡ nhầy nhầy và uống thứ màu đỏ ngà ngà, gọi là “rượu”.

Ông Hồ Dũng - ông nội của cháu Hồ Thị Quỳnh Nhy, vẫn giữ dáng vẻ trầm ngâm của người đàn ông trải qua muôn vàn cực khổ giữa đất biên giới: “Tối hôm tê, hôm 30/9 ấy, cả nhà gồm 2 ông mệ, vợ chồng thằng Dũng chạy qua nhà đứa con trai Hồ Linh tránh bão. Gió to lắm, có cảm giác như ngôi nhà kia (ông chỉ tay lên ngồi nhà sàn) sắp bật tung lên. Có mỗi nhà thằng Hồ Linh là nhà xây chắc chắn nhất. Thế mà có lường trước được chi mô. Cháu nội tôi vẫn chết, ngay trước mặt cả nhà. Ông trời bất công quá”.

Nhớ con, anh Hồ Quỳnh chạy sang nhà anh trai nhìn lại nơi đứa con bị tấm lợp xi măng cướp mạng sống.
Chiều tối ngày 30/9, tại bản Khe Khế, gió rít từng hồi. Tiếng cây gãy răng rắc. 6-7 người nhà ông Hồ Dũng những tưởng mình vẫn an toàn. Rồi ào một tiếng, nửa mái lợp xi măng của ngôi nhà sập xuống. Khi đó, chị Hồ Thị Đình đang bế con trên tay - cháu Hồ Thị Quỳnh Nhy (hơn 2 tháng tuổi). Đứa bé mới sinh, vẫn ngủ ngon lành, không hề hay biết trời bão bùng, cũng không hề biết đó là giấc ngủ dài vô tận của mình. Tấm lợp xi măng rơi ngay trước mặt chị Đình và đè lên cháu bé, nát vụn. Vội vàng lật tấm xi măng ra, người mẹ thấy con mình bị thương khắp người, chiếc đầu bé nhỏ đã bị vỡ một góc. Chị thét lên, ngất ngay tại chỗ.

Trưởng bản Khe Khế - anh Hồ Chương bàng hoàng kể lại: “Lúc ấy khoảng hơn 6h, nghe thấy tiếng thét lớn át cả tiếng mưa bão, tôi vội chạy sang nhà anh Hồ Linh. Mọi người trong nhà nháo nhác, không biết làm gì hết. Tôi chạy trong mưa đi tìm y tá thôn. Nhưng vẫn không cứu được. Thằng Quỳnh với con Đình mới cưới nhau 1 năm, đây là đứa con đầu lòng đấy. Con bé đẹp lắm. Lúc mất rồi mà vẫn như đang ngủ. Dân làng mỗi người một tay, làm đám ma giúp”.

Lúi húi trong bếp nấu nướng, ánh lửa bập bùng càng hiện rõ khuôn mặt hốc hác của chị Đình, hốc mắt đã tối thâm. Chị đốt một cây nhang đưa cho tôi, nước mắt lăn dài, lặng lẽ không nói nên lời. Chứng kiến đứa con do mình dứt ruột đẻ ra chết ngay trên tay mình mà bất lực, nỗi đau này có lẽ ám ảnh suốt cuộc đời người mẹ.

Anh trưởng bản cho biết, cả làng 57 hộ thì 28 hộ bị tốc mái. Ra về, tôi băn khoăn nghĩ: giá như người dân có một nơi trú ẩn an toàn thì có lẽ khi bão về, sẽ không có những cái chết thương tâm thế này. Tất cả cũng chỉ vì cái nghèo mà thôi. Gần 7h tối, tạm biệt đồng bào Vân Kiều ở xã biên giới xa xôi này, con đường về Đồng Hới xa vời vợi, tối đen như mực.

Những ngôi nhà mãi “không nóc”

Chiều ngày 2/10, tất cả bà con thôn Thanh Sen 1 (xã Phúc Trạch, Bố Trạch) cùng nhau đưa anh Lê Văn Hoài về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh Hoài bị nạn cũng vào chiều 30/9 - cái ngày không thể nào quên của đồng bào miền Trung.

Khoảng 4h chiều, gió lớn làm bật tung tấm tôn nhà. Thấy vợ con mình co rúm vì mưa ướt lạnh, anh Hoài liều mình lên buộc lại tấm tôn. Chị Nguyễn Thị Hoa - vợ anh cản lại: “Mưa gió thế này, anh đừng lên đó nữa. Lỡ có sao thì mẹ con tôi trông cậy vào ai”. Anh Hoài nói: “Để mấy mẹ con ướt hết thế này răng được. Tôi chỉ lên cột lại một xíu là được. Không sao đâu”.

Thế rồi, khi anh Hoài vừa lên mái nhà, loay hoay đè lại tấm tôn thì một cơn lốc xoáy đã giật phăng tấm tôn, kéo theo anh Hoài, tung lên cao và ném tất cả xuống đất. Lúc ấy trong nhà chỉ có 3 mẹ con, chị Hoa gọi người đến đưa chồng đi cấp cứu, nhưng không kịp nữa.

Nỗi đau “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Không khí nặng nề bao trùm, chiếc quan tài đặt giữa nhà, tấm hình thờ anh Hoài, vẫn nụ cười tươi rói nhìn thẳng. Đứa con gái út của anh, mới chỉ có 2 tuổi đầu. Con bé ngây thơ chạy quanh, trêu đùa mọi người, có lúc chợt nhớ ra, nó lay mẹ: “Ba mô? Ba mô?”. Nghe con hỏi, chị Hoa òa khóc, ôm con vào lòng. Đứa trẻ thấy mẹ khóc cũng nức nở theo. Con trai anh Hoài đi làm ăn xa, mãi chiều tối qua mới về được, cũng không được nhìn mặt bố lần cuối.

Người cha già của anh Hoài đã gần 80 tuổi ngồi mãi một chỗ, vịn vào chiếc quan tài. Cụ không ăn gì, cứ ngồi như thế. Nỗi đau “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” khiến cụ không thể khóc 1 tiếng nào, nước mắt đã chảy ngược vào trong. 80 năm, những tưởng đã trải qua mọi đau khổ trong đời, ai ngờ lại nhìn đứa con ra đi trước mình.

Anh trai anh Hoài, anh Lê Hồng nói: “Nó là trụ cột trong gia đình. Hai vợ chồng mới vay mượn xây quán ăn tháng 6 vừa rồi, phục vụ khách du lịch. Giờ thằng Hoài nằm đó, ai lo công việc được. Rồi không biết 3 mẹ con nó xoay xở răng đây”

Ngoài anh Hoài thiệt mạng trong cơn bão số 10, còn có anh Nguyễn Thanh Thùng (Quảng Long, Quảng Trạch) bị tường sập đè lên người, 2 cán bộ Đài tiếng nói Việt Nam bị cột sóng đè chết là anh Lê Thanh Nghị (Hạ Trạch, Bố Trạch) và anh Nguyễn Chí Thành (Hà Nội).

Toàn tỉnh Quảng Bình đang gồng mình khắc phục hậu quả bão. Dù nhiều ngôi nhà lật mái sẽ được sửa lại. Nhưng có những ngôi nhà mãi không có nóc khi cha của những đứa trẻ đã mãi ra đi bởi “Con không cha như nhà không nóc”!

Ôi những cái chết tức tưởi để lại nỗi đau chồng chất!

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm