Giáo hoàng & những thách thức cũ

15/03/2013 07:36 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Việc Hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng (với tông hiệu là Francis I) đã khiến các nhà phân tích sửng sốt, bởi ông đã không nằm trong danh sách các ứng viên sáng giá nhất và ông cũng là Giáo hoàng đầu tiên tới từ ngoài châu Âu, sau 1 thiên niên kỷ chiếc ghế quyền lực này thuộc về lục địa già.

Tuy nhiên ngoài những sự thay đổi này, giới phân tích đánh giá ông sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức cũ đang khiến Giáo hội đau đầu.

Sự lựa chọn bất ngờ

Khi Mật nghị Hồng y diễn ra, có ít chuyên gia Vatican nghĩ rằng Jorge Mario Bergogio có thể đắc cử. Họ thậm chí còn không xem ông là ứng cử viên Argentina nặng ký.

Người đàn ông 76 tuổi này hoàn toàn bị phủ bóng bởi người đồng hương Leonardo Sandri, 69 tuổi, một nhà ngoại giao của Vatican. Nhưng Bergoglio đã cho thấy ông là một nhân vật có sức ảnh hưởng ngầm ở Vatican. Sau vòng bỏ phiếu thứ năm, Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires, đã trở thành tân Giáo hoàng.

Bergoglio xuất hiện với tên mới là Francis trong đêm 13/3 sau khi được bầu làm Giáo hoàng

Như vậy, Bergoglio là người đầu tiên của dòng Tên (Jesuit), cũng như là người đầu tiên tới từ ngoài châu Âu, ngồi vào ghế Giáo hoàng sau hơn một thiên niên kỷ. Việc ông đắc cử cho thấy Giáo hội Công giáo Roma đang thay đổi, dịch chuyển trọng tâm về khu vực Mỹ Latin, nơi có cộng đồng theo Công giáo đông nhất thế giới, trong khi vẫn duy trì các giá trị nòng cốt mang tính bảo thủ.

Bergoglio được bầu chỉ sau có 5 vòng bỏ phiếu và chỉ dài hơn vài giờ so với người tiền nhiệm Benedict hồi năm 2005. Tốc độ nhanh của mật nghị cho thấy sự ủng hộ đã tập hợp sau lưng ông một cách nhanh chóng, bất chấp việc có những tin tức nói rằng các Hồng y tiến vào mật nghị lần này có lục đục nội bộ.

Các nhà theo dõi Vatican từng phỏng đoán rằng phe đối lập trong mật nghị đã muốn một nhân vật có sức thu hút để rao giảng Phúc âm trên toàn thế giới, hoặc họ muốn một Giáo hoàng có tài quản lý, đủ khả năng loại bỏ tật xấu trong Vatican và cả các cáo buộc liên quan tới tình trạng tham nhũng ở Tòa Thánh.

Phần lớn sự chú ý đã hướng vào Angelo Scola, Tổng giám mục Milan và Odilo Pedro Scherer, một người Brazil gốc Đức, Tổng giám mục ở Sao Paulo. Nhiều người đã dự báo các Hồng y có thể chọn một Giáo hoàng trẻ hơn, khỏe hơn để tránh việc lặp lại biến cố của Giáo hoàng Benedict, người đã thoái vị vì sức khỏe suy giảm. Tuy nhiên Bergoglio chỉ trẻ hơn Benedict có 2 tuổi và ông cũng không thích di chuyển.

Người dân Argentina ăn mừng việc Bergoglio đắc cử ghế Giáo hoàng

Tại sao lại là Bergoglio?

Một câu hỏi đặt ra là vì sao các Hồng y lại quyết định chọn một người như Bergoglio làm lãnh đạo Giáo hội? Trước tiên, dù có gốc Argentina, ông lại là con trai của một người di cư tới Italia. Như thế, chiếc ghế Giáo hoàng vẫn chưa dứt hẳn với cái gốc châu Âu.

Và dù đã có sự dịch chuyển lớn về địa lý, nhưng Francis về cơ bản vẫn là một Giáo hoàng bảo thủ, không thỏa hiệp trong các vấn đề mang tính nòng cốt của Giáo hội. Giống các Giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI, Bergoglio xem các giá trị mang tính cốt lõi của Giáo hội Công giáo Roma đang bị tấn công từ một xã hội đang ngày càng ngả theo hướng chủ nghĩa thế tục.

Đức ông Osvaldo Musto, nhân vật có thời gian học chung với Bergoglio, nói rằng ông là một sự lựa chọn tốt trong việc tiếp nối các truyền thống đã có. "Giống John Paul II, ông là người không thỏa hiệp trên các nguyên tắc của Giáo hội. Tất cả những vấn đề như chết không đau, án tử hình, phá thai, nhân quyền, việc các linh mục phải sống độc thân... sẽ tiếp tục được duy trì theo quan điểm cũ một khi Bergoglio trở thành Giáo hoàng".

Việc Bergoglio chọn tên Giáo hoàng là Francis được các nhà quan sát đánh giá là đã lộ ra mối quan tâm của ông khi lên nắm quyền: ông sẽ nhấn mạnh vào sự khiêm tốn, yêu cầu Giáo hội quan tâm hơn tới người nghèo và những người bị cách ly khỏi xã hội. Cái tên Francis lấy từ tên Thánh Francis vùng Assisi, người sáng lập dòng Francisco trong thế kỷ 16 và là biểu tượng của chủ nghĩa khổ hạnh.

Tông hiệu Francis của Giáo hoàng lấy từ tên Thánh Francis vùng Assisi, người sáng lập dòng Francisco trong thế kỷ 16 và là biểu tượng của chủ nghĩa khổ hạnh.

Sự khiêm tốn và giản dị dường như cũng là điểm mạnh khiến Bergoglio nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. "Theo tôi, phong cách sống đơn giản của ông ấy là một tấm gương lớn để người đời noi theo. Với nhiều người, đây có thể chỉ là một cuộc bầu cử gây ngạc nhiên. Nhưng với tôi, nó đã truyền lại rất nhiều cảm hứng và tôi rất vui mừng, không chỉ cho Giáo hội Công giáo mà còn cho cả thế giới" - Hồng y Cormac Murphy O'Connor, cựu Tổng giám mục Westminister nhận xét.

Ngoài ra, Bergoglio còn được xem là một người ngoài cuộc, có thể giúp thúc đẩy các cải cách trong nội bộ Vatican và dọn dẹp tình trạng chia bè kết phái và bê bối tích tụ bấy lâu trong Tòa Thánh.

Một nhân vật chuyển tiếp?

Theo kế hoạch, tân Giáo hoàng sẽ chính thức được bổ nhiệm trong ngày thứ Ba tuần tới, trong ngày Thánh Joseph, vị thánh bảo trợ của toàn thể Giáo hội Công giáo. Trong ngày thứ Năm, Francis sẽ tiến hành buổi thuyết giảng đầu tiên với tư cách Giáo hoàng tại nhà nguyện Sistine trước các Hồng y, trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp.

Ngay sau khi ngồi vào ghế Giáo hoàng, Francis sẽ phải bắt tay vào giải quyết hàng loạt các thách thức lớn mà Giáo hội đang đối mặt. Hiện chưa rõ ông sẽ giải quyết ra sao các vụ bê bối các linh mục lạm dụng tình dục – vụ việc đang làm suy giảm mạnh ảnh hưởng và vai trò gìn giữ các quy chuẩn đạo đức của nhà thờ trên nhiều vùng đất tại châu Âu và Mỹ.

Thách thức lớn không kém là việc tiến hành cải tổ Tòa Thánh. Francis tiến hành cải cách ra sao sẽ thể hiện qua việc ông bổ nhiệm ai vào ghế Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh - vị trí tương đương với Thủ tướng. Nhiều khả năng ông sẽ bổ nhiệm một người Italia và nhân vật này sẽ phải có khả năng kiểm soát chặt hơn chính quyền Vatican, vốn có người Italia chiếm đa số.

Tuy nhiên một số người nói rằng tuổi cao, sức khỏe không được tốt (Bergoglio đã bị cắt bỏ một bên phổi vì nhiễm trùng khi còn trẻ) và cá tính của Bergoglio sẽ khiến ông giống như một nhân vật chuyển tiếp nhiều hơn là việc để lại một di sản đặc sắc.

Một con người giản dị

Bergoglio là con trai của một công nhân đường sắt, ông đã theo học ngành Hóa học và còn có bằng Thạc sĩ tại Đại học Buenos Aires, trước khi theo học tại trường Villa Devoto của dòng Tên.

Tiếp đó, ông theo học một khóa về nghệ thuật ở Santiago rồi học Triết học tại Đại học Công giáo Buenos Aires. Ông trở thành linh mục vào năm 1969 và có 2 thập kỷ tiếp theo dạy học tại các ngôi trường của dòng Tên. Ông được bầu làm Tổng giám mục Buenos Aires trong năm 1998.

Bergoglio là người nổi tiếng giản dị. Dù là Tổng giám mục Buenos Aires, ông đã từ chối sống trong nhà thờ. Thay vì thế, ông thích sống trong căn hộ của riêng mình, thích di chuyển bằng xe điện và tự nấu ăn, không cần người phục vụ. "Bergoglio được đánh giá cao vì thái độ của ông với các con chiên - mối quan hệ của ông với những người bình thường" - Leandro Pastor, bạn thân của Bergoglio trong suốt 1/4 thế kỷ và hiện đang là giáo sư triết học tại Đại học Buenos Aires nhận xét - "Ông ấy là người rất đơn giản. Ông sống rất khổ hạnh, nhưng không cô lập. Tôi nghĩ rằng ông là người rất thông minh, rất giỏi giao tiếp với người khác".

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm