Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận - Hữu Thỉnh với trường ca 'Giao hưởng Điện Biên': 'Nhìn lên hoa ban nở…'

06/05/2024 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Khởi bút viết trường ca vào đúng ngày kỷ niệm 69 năm giải phóng Điện Biên (7/5/2023) và gần một năm sau nhà thơ tuổi 82 "vẫn giữ được từ trường sáng tạo và độ bền cảm xúc" (Nguyễn Đức Mậu) để thành kính tri ân những người đã làm nên chiến công oanh liệt trong thời đại Hồ Chí Minh bằng một công trình nghệ thuật hướng về Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng (7/5/1954 - 7/5/2024). Đó là trường ca Giao hưởng Điện Biên của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Từng bộc bạch "Tôi rất tin: thơ là kinh nghiệm sống", nhà thơ Hữu Thỉnh đã dựng lại bức tranh toàn cảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ bằng trường ca Giao hưởng Điện Biên. Phát huy thế mạnh của thơ trong thể trường ca, ngay từ những năm 1970 - 1980, trước đòi hỏi thơ cần phải mở rộng biên độ với quy mô, dung lượng lớn để có thể khái quát, tổng hợp các vấn đề lớn lao của đất nước, dân tộc, con người, Hữu Thỉnh là một trong những nhà thơ bắt nhịp nhanh với yêu cầu thể loại, dấn thân viết trường ca.

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận - Hữu Thỉnh với trường ca 'Giao hưởng Điện Biên': 'Nhìn lên hoa ban nở…' - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Kế tiếp thành công từ các trường ca trước gắn với các mốc, sự kiện lịch sử dân tộc trong Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1994), Sức bền của đất (2004), Trăng Tân Trào (2016), Hữu Thỉnh đã chứng minh sức sáng tạo vượt thời gian của mình trong trường ca Giao hưởng Điện Biên.

Khi bắt tay vào thực hiện dự định ấp ủ từ hơn 20 năm trước, nhà thơ chân thành thừa nhận những cái khó, sự thách thức trớ trêu "khi có thời gian tập trung cho sáng tác thì thời kỳ sung sức đã đi qua. Những cái gì được gọi là chớp sáng, là bay bổng, xuất thần thì khi bước vào tuổi 80 đã trở nên vơi hụt, sút giảm ngoài ý muốn...".

Viết về chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc

Những chuyến lên Điện Biên, gặp gỡ các nhân vật, tham quan các di tích lịch sử... đã nuôi dưỡng cảm xúc cho nhà thơ. Thừa nhận "tình cảm với Điện Biên thì sâu nặng", nhưng bắt tay vào công việc viết khi thực sự nhà thơ gặp phải biết bao khó khăn. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước thực tiễn cuộc sống, Hữu Thỉnh thấy "viết về một chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc".

Thêm nữa, cái khó với người sáng tạo là Điện Biên Phủ sau 70 năm đã được khai thác kỹ dưới nhiều góc độ, khía cạnh. Thế nên, nhà thơ cứ luôn trăn trở "liệu có thể đem đến một cái gì mới?". Thách thức với người viết để phải có cái mới, hấp dẫn, nên trong trường ca, nhà thơ "muốn đặt chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm".

Theo đánh giá của GS Phong Lê đây là "một pho sử nghệ thuật về chiến thắng Điện Biên Phủ. Bởi tác giả gần như không để sót bất cứ một sự kiện, một diễn biến, một địa danh, một tên đất, tên người nào có liên quan đến Điện Biên Phủ...". Với tinh thần sáng tạo thơ dựa trên cốt lịch sử, nhà thơ luôn xác tín trước đòi hỏi nghiêm ngặt cần phản ánh chân thực, đúng sự thật lịch sử. Cùng vốn hiểu biết của bản thân, tác giả dựa trên 13 cuốn sách làm tài liệu tham khảo tin cậy như hồi ký Chiến đấu trong vòng vây (1995), Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (2000) nhà văn Hữu Mai thể hiện từ hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; 3 tập tiểu thuyết về Hồ Chí Minh của nhà văn Hoàng Quảng Uyên; Toàn tập Nguyễn Đình Thi (tập 3, 2009); Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ (2004, hồi ký của Jean Pouget, Lê Kim dịch)...

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận - Hữu Thỉnh với trường ca 'Giao hưởng Điện Biên': 'Nhìn lên hoa ban nở…' - Ảnh 2.

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”

Cộng hưởng vai trò nhà khoa học trong hoạt động sáng tạo, tác giả đã xử lý, chắt lọc, dẫn đưa các nguồn tư liệu lịch sử bằng ngôn ngữ thơ, trường ca một cách khéo léo. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ chiến dịch Biên giới, cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu đến lúc kết thúc thắng lợi và cuộc sống hồi sinh được thể hiện một cách chân thực: "một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ/ mang Điện Biên trong mỗi con người". Dung lượng 21 chương ngắn dài khác nhau, tác giả đặt tên từng chương theo diễn biến thời gian, sự kiện lịch sử gần gũi, dễ hiểu với: Người ra trận đầu tiên, Điện Biên Phủ, Đâu có giặc là ta cứ đi, Những cây số người, Dưới tán rừng Việt Bắc, Đêm trắng, Tiếng hát Mường Phăng, Những bí mật trên đồi A1...

Những hành động anh hùng của nghệ sĩ Trần Đăng, Tô Ngọc Vân, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Thâm Tâm, Quang Dũng, Chính Hữu, Vũ Cao, Thép Mới, Hữu Mai... đều có mặt trong trường ca, đảm nhận vai trò quan trọng của người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ: "Đỗ Nhuận kể gặp Phan Đình Giót/ trước đêm ta nổ súng đánh Him Lam"; "gặp Nguyễn Sáng công kênh giá vẽ... Kết nạp Đảng ở Điện Biên chắc khỏe/ Nguyễn Sáng công phu phác thảo trong hầm"...

Tác giả đã nhắc tới một chi tiết quan trọng trong bài ký của nhà thơ Nguyễn Đình Thi trước một quyết định "đánh chắc, tiến thắng" vốn là truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế thừa và phát huy: "Đại tướng dẫn anh vào hội nghị/ Nói với anh bằng giọng thật hiền: Anh hát đi! Hát về Người Hà Nội/ những ngày đầu nghe Bác gọi vùng lên/ và anh hát. Cả hội trường lặng phắc/ tiếng thiết tha rạo rực lòng người... Đại tướng tiễn anh, tay siết chặt: Cám ơn anh làm hội nghị nở cười/ thay cách đánh theo lời Bác dặn/ một khó khăn khó nhất đời tôi"...

Hữu Thỉnh đã dành bao tâm huyết điểm chiến công của một binh chủng chiến sĩ - nghệ sĩ trên mặt trận văn nghệ: "Một binh chủng không hề mang súng/ tác phẩm hay xúc động lòng người/ Điện Biên Phủ đi vào văn vào nhạc/ đi vào tranh truyền mãi muôn đời". Họ là: "Những tên tuổi mọi ngả đường kháng chiến/ những tân binh sau trước bước vào văn". Và, Hữu Thỉnh tiếp bước vào văn khi đã vào tuổi 82 lý giải âm hưởng trường ca "gió càng lạnh/ càng nghe vang/ tiếng cuốc/ hòa vào đêm thành giao hưởng Điện Biên".

"Gió càng lạnh/ càng nghe vang/ tiếng cuốc/ hòa vào đêm thành giao hưởng Điện Biên" - Hữu Thỉnh.

Khoảng lặng cho độc giả

Không chọn cách bay bổng ngôn ngữ thơ, đa dạng nhiều thể loại thơ được ông vận dụng trong trường ca này: thơ tự do, thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ lục bát, thơ 2 chữ, 3 chữ đan xen linh hoạt, tạo giọng thơ phong phú, phù hợp với nội dung sự kiện.

Tác giả khéo léo đặt dấu chấm, ngắt dòng thơ thành hai câu độc lập mang đến một khoảng lặng cho độc giả: "Súng hết đạn. Anh trườn tới nữa", "văn công đến. Chiến hào mở hội", "khôn chọn cao, dại chọn thấp. Rõ ràng"... Câu thơ có tính tổng kết "kháng chiến qua tám năm/ lên đường tư thế mới/ kìa, Điện Biên đây rồi/ những đoàn quân bước vội"; "đến Điện Biên chia nhau từng cái chết/ đứng chen vai từng thước đất chiến hào/ lòng anh bỗng dâng lên bát ngát/ đêm cuối rừng trò chuyện với trời sao"; "Tổ quốc sau những ngày giành giật/ trên tay ta là một nắm đất son/ nắm đất son lẫn nhiều mảnh đạn/ nói với ta muôn nỗi mất còn/ chiến hào cứ trải dài vời vợi/ là con đường ngắn nhất đến thành công"; "ta nắm mãi lá cờ vất vả/ Việt Nam đây! Đau đớn, tự hào"...

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận - Hữu Thỉnh với trường ca 'Giao hưởng Điện Biên': 'Nhìn lên hoa ban nở…' - Ảnh 4.

Tác giả bài viết (phải) và nhà thơ Hữu Thỉnh (giữa)

Nhà thơ đã lý giải "viết về lịch sử thì điều quan trọng hàng đầu là phải tôn trọng sự thật lịch sử. Chính vì thế, trong trường ca này, có những sự kiện lịch sử được gia công hơn so với sự bay bổng, cất cánh là như vậy". Khiêm tốn mà nói vậy, nhưng trong trường ca có rất nhiều hình ảnh đẹp, bay bổng, lãng mạn "những dòng sông/ những bản vắng xa xôi/ đêm ta ngủ đắp chung làn mây bạc/ lòng xốn xang tiếng hát không lời"; "lòng anh bỗng dâng lên bát ngát/ đêm cuối rừng trò chuyện với trăng sao"...

Đặc biệt, trường ca Giao hưởng Điện Biên lấp lánh câu thơ sâu sắc trong vẻ đẹp lãng mạn và tinh tế:

nhìn lên hoa ban nở

nhìn xuống xẻng đã mòn

một đời bao thứ giặc

nguyên một tấm lòng son

Đôi mắt ngước lên gặp một rừng "hoa ban nở" sáng trong một vùng trời Điện Biên bởi sự hòa xen, phối màu độc đáo sắc tím, trắng, hồng cộng hưởng với hương quyến rũ tràn trào màu Xuân. Hoa ban gắn bó chặt chẽ với đời sống của đồng bào các dân tộc Điện Biên - Tây Bắc. Mang trong mình truyền thuyết về một tình yêu trong sáng, về một sức sống mãnh liệt, hoa ban đã trở thành một loài hoa mang tính biểu tượng cao đẹp, thiêng liêng, cho đất và người Điện Biên - Tây Bắc.

Ngoài tính biểu trưng, hoa ban còn gợi nhớ Chiến thắng Điện Biên Phủ và vị tướng có vai trò quan trọng quyết định chiến thắng đó. Điện Biên hôm nay gần lắm. Điện Biên hôm nay hiện hữu yêu thương thấm đẫm xung quanh Khu mộ Đại tướng là một rừng hoa ban trắng trong, thanh khiết với lòng thành, kính ngưỡng vị tướng của lòng dân.

Vài nét về nhà thơ Hữu Thỉnh

Hữu Thỉnh họ Nguyễn, còn có các bút danh Vũ Hữu, Ngôn Thanh. Hữu Thỉnh sinh ngày 15/2/1942, người quê làng Phú Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông đảm nhận chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bốn nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2000 đến năm 2020; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa 10 và 11...

Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT (đợt 1, 2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (2012)...

Suy nghĩ về nghề viết: "Tôi rất tin: thơ là kinh nghiệm sống".

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm