Lada - một thời oanh liệt

23/07/2013 13:41 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Giới trẻ hôm nay có lẽ không thuộc những mác ô tô như Zhiguli hay Volga, vốn từng làm mưa gió ở Đông bán cầu. Để sản xuất ô tô đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, giữa thập kỷ 1960 chính quyền Liên Xô tiến hành một thương vụ độc đáo: đổi hàng ngàn tấn thép lấy kỹ nghệ chế tạo ô tô của Fiat (Italia). Lada ra đời và đánh dấu một thành công vang dội toàn cầu, chỉ có người Italia hối hận khi đã quá muộn.

Khi cuộc sống vật chất bắt đầu đi lên, người ta tức khắc muốn tăng tính cơ động, tốt nhất là ô tô, ở một nước xứ lạnh như Liên Xô cũ lại càng cần thiết hơn hết. Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, mọi hy vọng bốn bánh của người dân Xô Viết gửi gắm vào công trường rộng 6 cây số vuông...


Zhiguli 2101 nối dài thành taxi limousine ở Cuba

Giấc mơ lớn bên dòng Volga

Nơi ấy, bên dòng Volga, chỉ trong một thời gian ngắn, giữa vùng đất hoang vắng chợt mọc lên nhà máy ô tô Volga (VAZ, hay sau này đổi thành AvtoVAZ) cùng một khu ở cho nửa triệu công nhân và gia đình họ. Máy móc và trang bị kỹ thuật chủ yếu do Italia cung cấp, còn thì không thiếu công nhân tình nguyện đến từ mọi miền đất nước, vì ngoài đồng lương khá cao họ được ưu tiên mua ô tô trả góp. Bảo tàng AvtoVAZ còn giữ bức điện tín của một công nhân xin việc: “Tôi đã bán nhà và mai sẽ đi tàu thủy đến“.  
 
Sau Thế Chiến II, Liên Xô đang ở trong thế cạnh tranh quyết liệt với phương Tây và đạt được nhiều thành công: ở thời điểm 1965 tuổi thọ người dân Xô Viết cao xấp xỉ Mỹ, Liên Xô cũng là quốc gia đầu tiên đưa vệ tinh không và có người lái lên vũ trụ. Dưới đất thì tình hình chưa khả quan lắm. Trong khi mỗi năm khoảng 0,2 triệu ô tô Liên Xô rời xưởng thì Tây Đức đã cho ra lò 3 triệu. Liên Xô quyết định bắt tay với một quốc gia phương Tây để đạt mức 0,6 triệu ô tô mỗi năm. 

Ngày ấy Chiến tranh lạnh đang hoành hành, không dễ gì tiến hành một thương vụ mang đầy màu sắc chính trị như vậy. Địa chỉ duy nhất khả dĩ đượm vẻ hữu nghị là Roma, vì Partito Comunista Italiano (đảng Cộng sản Italia) với sự tài trợ của Stalin hiện nắm vai trò đầu tàu ở Tây Âu. Người lãnh đạo đảng này, Palmiro Togliatti, từng tị nạn nhiều năm ở Moscow dưới thời Mussolini cầm quyền. Để vinh danh ông, thành phố Stavropol-Volzhski sau này được đổi tên thành Togliatti (hay Tolyatti), nơi xe Lada sẽ chào đời.



Lada C-Concept là ý tưởng nháp đem thử phản ứng dư luận tại Hội chợ ô tô Genève 2007, thuộc loại xe nhỏ nhưng đạt tốc độ 210 km/h, dự định có giá bán lẻ là nửa triệu rúp (12.500 Euro).

Đàm phán qua... tình báo

Thủ tướng Italia thời ấy là Aldo Moro thuộc cánh Dân chủ Cơ đốc giáo, lãnh đạo một liên minh với những người xã hội chủ nghĩa trong nội các, vốn thiên về ủng hộ quan hệ với Liên Xô. Vấn đề chỉ còn là thương lượng lãi suất tín dụng hằng năm. Roma đòi 8% cho khoản tín dụng 320 triệu USD, khá chát đối với Liên Xô. Giờ thì chính cơ quan tình báo KGB và một khẩu súng vào cuộc. Không, không phải đại bác hay AK47, một khẩu súng săn rất bình thường!

Nhật báo Isvestia của Liên Xô ngày đó có phóng viên thường trú ở Roma là Leonid Kolosov, nghề chính thực ra là đại úy tình báo. Kolosov điều tra được cơ sở đàm phán, cho thấy người Italia được phép hạ lãi suất xuống mức sàn 5%. Bên bàn đàm phán, dĩ nhiên Roma ra vẻ phớt đời, song công ty Fiat rất sợ vuột mất phi vụ lịch sử này.  

Phía Liên Xô phao tin là cuộc đàm phán đang tiến bộ rõ rệt với hãng Renault (Pháp), kình địch của Fiat. Rốt cuộc Italia chấp thuận lãi suất 5,6% hay Kolosov đã tiết kiệm cho đất nước khoảng 38 triệu USD. Anh được tặng huy chương và một khẩu súng săn. Dĩ nhiên lúc ấy người Italia chưa hề hình dung được thiệt hại thực sự của mình. 



Lada C-Cross cũng là một ý tưởng xe hai cầu hợp tác với Magna (Canada) ra đời 2008, tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 khiến dự án bị hoãn vô thời hạn.

 Những chứng nhân của lịch sử

Với sức mạnh thần tốc, VAZ chỉ sau 4 năm xây dựng đã đi vào xản xuất, thay vì 7 năm theo thiết kế. Công nhân VAZ được coi là những người may mắn nhất, không chỉ vì thu nhập tốt, mà họ còn được phân căn hộ rộng rãi, trong khi ở Moscow hay Leningrad hàng triệu người phải giành giật các suất kommunalka (nhà tập thể).   

VAZ sản xuất ô tô không chỉ với máy móc từ Italia, mà còn mua được cả bản vẽ thiết kế của mô hình Fiat 124, loại xe khá giản dị cho nhu cầu đại chúng. Kỹ sư Xô Viết chỉnh sửa đôi chút cho hợp với đường đất của đế chế khổng lồ thời tái thiết: phanh tang trống thay cho phanh đĩa, sửa mô tơ để chạy xăng thường, tăng công suất lò sưởi, nâng khoảng sáng gầm để đối phó với ổ gà... Kết quả là năm 1970 những chiếc ô tô Liên Xô đầu tiên được tung ra thị trường, mác Fiat 124 được thay bằng Zhiguli 2101, sau này cái tên khó đọc đó được đổi thành Lada khi xuất khẩu sang Úc, Brazil, Canada, Đức, Ecuador, Singapore...

Từ 1976 VAZ làm cả xe hai cầu Niva, không nhất thiết để thi hoa hậu, song được tiếng nồi đồng cối đá, một chiếc thậm chí còn chạy ngon lành trên trạm nghiên cứu Molodyozhnaya Station của Liên Xô trên Nam Cực ở 20 độ âm rồi hôm nay chễm chệ trong bảo tàng bên sông Volga!

Năm 2009 AvtoVAZ cho ra xưởng 294.737 xe du lịch, dĩ nhiên đã được cải tiến và hiện đại hóa cho hợp với thời mới. Với công suất đó, AvtoVAZ đứng thứ 30 trên danh mục các nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu.

Hãng Fiat không có điều kiện khoe những chiến tích tương tự. Theo đúng hợp đồng, từ 1971 trở đi Liên Xô trả nợ bằng thép ở dạng thành phẩm là vỏ xe hơi cho toàn bộ công ty Fiat. Do tỉ lệ kim loại tái chế khá cao, mấy chục năm sau xe hơi Italia vẫn chịu tiếng là chóng rỉ, sự tàn lụi của thương hiệu Fiat có lẽ bắt nguồn từ đây.

Theo thiết kế, năm 2009 lẽ ra là thời điểm chấm dứt câu chuyện thành công của Lada với hàng triệu xe trên khắp thế giới. Nhưng nỗ lực cuối cùng, năm 2010, đã đem lại mùa xuân thứ hai cho chiếc xe giản dị và hợp túi tiền đại chúng: với 136.000 xe giao cho khách hàng, Lada lại lần nữa đoạt danh hiệu “Ô tô bán được nhiều nhất trong năm“ của Liên bang Nga.

Tuy nhiên, giá thành thấp cũng không hẳn là tiêu chí cao nhất mà người tiêu dùng chờ đợi. Ở những nước quy định khám kỹ thuật thường xuyên, Lada ít khi sống sót qua được kỳ sát hạch thứ 3, thứ 4, nhất là ở vùng nóng ẩm như Nam Mỹ hay Singapore là nước quyết định chấm dứt nhập khẩu Lada. Hãng tuyên bố bán 25% cổ phần cho Renault (Pháp) và xóa sổ cái tên Lada vào năm 2017.

Nhưng, những kẻ được đồn là chết rồi thường sống dai! Thị trường năm nay vừa được nghe tên Lada Granta do đích thân Putin lái thử để quảng bá, bắt đầu được bán qua Đức, Pháp và Serbia, giá khởi điểm: 5.500 Euro. Ai khinh thường Lada - hãy đợi đấy... 

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm