“Đệ nhất tình nhân” Pháp ghen tuông gây sóng gió?

14/06/2012 07:00 GMT+7 | Trong nước


Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặp phải sự cố đầu tiên trong chính trường mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính “đệ nhất tình nhân” Valerie Trierweiler.



Hai bóng hồng xung quanh tổng thống Pháp: “Đệ nhất tình nhân” Valerie Trierweiler và vợ cũ Segolene Royal - Ảnh: AFP

Ủng hộ địch thủ của tình cũ tổng thống

Chuyện bắt đầu từ khi bà Valeria Trierweiler bày tỏ ủng hộ ông Olivier Falorni - thành viên Đảng Xã hội của ông Hollande - trên Twitter cá nhân ngày 12-6. Bà Trierweiler viết: “Chúc may mắn, ông Olivier Falorni”, đồng thời khen ngợi ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tại thị trấn này, gắn bó lâu năm với các cử tri địa phương nên xứng đáng nhận được sự ủng hộ.

Đáp lại sự ủng hộ của bà Trierweiler, ông Farloni nói: “Tin nhắn này là một sự ủng hộ cá nhân và từ một người bạn mà tôi trân trọng”.

Bà Trierweiler đăng lời ủng hộ ông Farloni trên Twitter trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội vòng 2 sẽ diễn ra vào cuối tuần. Cho nên hành động của bà Trierweiler gây choáng váng cho người dân Pháp, đặc biệt là Đảng Xã hội. Người dân Pháp đều biết ông Falorni chính là đối thủ của bà Segolene Royal trong cuộc bầu cử quốc hội lần này.

Ông Farloni đã không tuân theo chỉ thị của Đảng Xã hội, rằng phải rút lui để bà Royal chiến thắng tại thị trấn duyên hải La Rochelle. Còn bà Royal cần phải chiến thắng ở La Rochelle để được ông Holland bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch hạ viện - vị trí cao cấp thứ ba tại nước Pháp chỉ sau tổng thống và thủ tướng.

Khi ông Hollande đắc cử tổng thống Pháp, bà Trierweiler tuyên bố vẫn tiếp tục nghề báo nhưng không can thiệp vào chính trường. Cho nên, ban đầu nhiều người đinh ninh tài khoản Twitter của bà Trierweiler bị đánh cắp mật khẩu. Nhưng chính bà Trierweiler xác nhận với AFP rằng mình đã viết lời ủng hộ đó. Khi trả lời một tạp chí hồi đầu năm, bà Trierweiler nói: “Francois hoàn toàn tin tưởng tôi, ngoại trừ những gì tôi viết trên Twitter”.



Bà Segolene Royal cần phải giành chiến thắng tại cuộc bầu cử ở La Rochelle để được bổ nhiệm vào chức chủ tịch hạ viện và trở thành người phụ nữ quyền lực nhất nước Pháp - Ảnh: Reuters

Chuyện riêng thành chuyện chung

Mối quan hệ tình ái của Tổng thống Hollande trở thành chủ đề bàn tán phổ biến ở Pháp.

Bà Trierweiler và ông Hollande bắt đầu chung sống với nhau từ năm 2006. Trước đó, ông Hollande và bà Royal đã “già nhân ngãi, non vợ chồng” hơn 30 năm và có chung bốn người con. Tại buổi lễ mừng ông Hollande đắc cử tổng thống, có đoạn phim cho thấy sau khi ông Hollande hôn lên má bà Royal thì bà Trierweiler đến gần và yêu cầu ông hôn môi mình.

Các đảng viên cao cấp của Đảng Xã hội không thể hài lòng với tuyên bố của bà Trierweiler trên Twitter. “Chúng tôi đã bầu cho ông Hollande chứ không phải bà Trierweiler. Bà ấy nên tập trung vào công việc của mình thì hơn” - đảng viên Jean Louis Bianco nói.

Ông Hollande đã công khai ủng hộ bà Royal trong cuộc bầu cử trong tuần qua. Còn chủ tịch Đảng Xã hội Martine Aubry thì bay đến La Rochelle hôm 12-6, tuyên bố bà Royal có được sự ủng hộ vững chắc của toàn đảng.

Những thủ lĩnh đối lập được dịp công kích ông Hollande. Ông Hollande được người dân yêu mến vì lối sống đơn giản cùng lời tuyên bố sẽ trở thành một “tổng thống bình thường, không phô trương và phơi bày chuyện gia đình như người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy. Phe đối lập cho rằng bà Trierweiler đang biến điện Elysee thành chốn “tạp kỹ”, người thẳng thắn như bà có thể gây ra nhiều trường hợp bối rối hơn trong tương lai.

Tờ báo cánh tả Liberation của Pháp giật tít trang bìa: “Vụ hớ hênh đệ nhất của Pháp” và nhận định bà Trierweiler đã đặt ông Hollande vào “một tình thế nhạy cảm”. Tờ báo cánh hữu Le Figaro thì mạnh miệng hơn khi cho rằng Twitter của bà Trierweiler đã tạo nên “sự kinh ngạc và bối rối” trong nội bộ Đảng Xã hội” và sẽ gặp “những hậu quả nặng nề”.

Báo Guardian (Anh) bình luận sự cố này có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của ông Hollande trước những lời chỉ trích của đảng liên minh Vì phong trào nhân dân (UMP) đối lập, “sự ghen tuông giữa hai người tình của ông Hollande đã biến vai trò lãnh đạo chính trị của Hollande thành một vở kịch nổi tiếng vượt quá cuộc sống khoa trương của ông Nicolas Sarkozy”.

Một cố vấn giấu tên của điện Elysee khi trả lời báo Le Monde cho biết ông đã chuẩn bị cho nhiều khủng hoảng mà chính phủ có thể gặp phải, nhưng không phải vấn đề riêng tư như thế này.

Người phát ngôn của ông Hollande từ chối bình luận về vụ việc. Còn bà Royal thì trả lời trên truyền hình rằng bà muốn toàn lực tập trong vào chiến dịch tranh cử trong thời điểm này.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm