Cựu tỷ phú dầu mỏ Nga xin ân xá

02/06/2011 15:03 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cựu người giàu nhất Nga Mikhail Khodorkovsky đã vừa đệ đơn xin được phóng thích sớm, sau khi có những biến động mới về mặt pháp lý có thể cho phép khả năng này trở thành hiện thực.

Mikhail Khodorkovsky cùng bạn làm ăn Platon Lebedev bị bắt hồi năm 2003 và tới tháng 12 năm ngoái, cả hai đã bị tuyên phạt ở trong tù tới tận năm 2017. Nhưng tuần trước, tòa án Moskva đã quyết định giảm bớt một năm trong hình phạt, khiến Khodorkovsky sẽ chỉ phải bóc lịch chừng 13 năm.

Tiếp tục xin ân xá

Chiểu theo luật Nga, do Khodorkovsky vẫn khẳng định mình không có tội và đã thụ án tù được một nửa thời gian, nên ông ta sẽ có quyền được xin ân xá và phóng thích sớm.

"Tôi đã đề nghị tòa án xem xét việc phóng thích mình" - Khodorkovsky viết trên trang web cá nhân - "Tôi không thừa nhận tội lỗi của mình bởi tôi đang đưa các phán quyết trước đó của tòa lên đấu tranh tại Tòa án Nhân quyền châu Âu cũng như tòa án Tối cao Nga".

Mikhail Khodorkovsky (trái) và Platon Lebedev trong
phiên xử mới nhất diễn ra hồi tuần trước


Đây không phải là lần đầu tiên Khodorkovsky xin ân xá. Hồi tháng 7/2008 ông ta cũng gửi đơn tới Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, với hy vọng nhà lãnh đạo này sẽ nhẹ tay hơn người tiền nhiệm. Tuy nhiên theo giám đốc nhà tù Chita, nơi giam giữ Khodorkovsky, tù nhân chỉ được ân xá nếu có thành tích cải tạo tốt và có thái độ hối cải. Trong khi đó, chỉ riêng năm 2007, Khodorkovsky đã có tới 4 lần vi phạm quy định của nhà tù. Dĩ nhiên, lá đơn của Khodorkovsky đã bị bác.

Theo sau đó, đại gia này đã có thêm nhiều lần xin ân xá khác, thậm chí từng tuyệt thực để gây sức ép với chính phủ, nhưng không thành công. Hồi tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Vladimir Putin giữ nguyên quan điểm rằng Khodorkovsky là một tên trộm và ông ta phải ngồi tù vì những lỗi lầm của mình đã gây ra.

Tuy nhiên theo sau động thái mới của Khodorkovsky, một số nhà quan sát nói rằng họ thấy có các dấu hiệu cho thấy ông này có khả năng sẽ được phóng thích. Cụ thể, kênh truyền hình quốc gia Nga, nơi vốn thể hiện quan điểm chính thức từ điện Kremlin, đã sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng hơn khi nói về Khodorkovsky. Cuối tuần vừa qua, hai phóng sự làm về các cáo buộc chống Khodorkovsky đã dành khá nhiều thời lượng để mổ xẻ việc cựu đại gia này bác bỏ tội trạng, điều chưa từng xảy ra trước đây. Trước đó vào tháng 5, Tổng thống Dmitry Medvedev nói trong một cuộc họp báo rằng Khodorkovsky hoàn toàn không gây nguy hại cho xã hội nếu được phóng thích.

Lên mau xuống chóng

Mikhail Khodorkovsky sinh năm 1963 tại Moskva. Khi quá trình cải tổ bắt đầu ở Liên Xô, Khodorkovsky, giống như nhiều đại gia Nga hiện nay, đã bung ra làm kinh tế tư nhân. Năm 1989, ông ta thành lập ngân hàng tư nhân Menatep vào năm 1989. Đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng tư nhân nên Menatep mở rộng nhanh chóng, thông qua việc sử dụng phần lớn số tiền gửi của khách hàng vào các hoạt động xuất nhập khẩu vốn mang lại lợi nhuận lớn khi đó. Có tin nói rằng mối quan hệ móc ngoặc giữa Khodorkovsky và giới lãnh đạo cấp cao cũng giúp ông ta dễ dàng thành công.

Khodorkovsky mua được đa số cổ phần trong công ty Yukos thông qua quá trình đấu giá được gọi là "đổi cổ phần lấy tiền" hồi giữa những năm 1990. Trong các cuộc đấu giá kiểu như này, nhà nước Nga thường bán nhiều cổ phần lớn trong các tập đoàn công nghiệp khổng lồ do chính phủ sở hữu để lấy tiền mặt.

Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng Khodorkovsky không thực sự mất quá nhiều tiền bởi ông ta mua Yukos bằng chính tiền của ... chính phủ Nga. Trong những năm 90, ngân hàng trung ương Nga đã chuyển một số hoạt động cho các ngân hàng tư nhân. Kết quả của chính sách này là ngân hàng Menatep dưới tay Yukos, đã nắm giữ hàng tỉ USD tiền ngân sách, lẽ ra phải phục vụ cho các hoạt động của chính phủ như việc theo đuổi cuộc chiến ở Chechnya.

Một cuộc kiểm toán nhà nước cho thấy khoảng 4,4 tỉ USD tiền của chính phủ Nga đã không bao giờ được Menatep trả lại cho chính phủ. Còn theo một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard, Menatep đang nợ nhà nước hàng tỉ USD khi nó giành quyền mua số cổ phần kiểm soát Yukos với giá "bèo" chỉ 350 triệu USD. Thậm chí với sự móc ngoặc của một số quan chức dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, Khodorkovsky còn biến cuộc đấu giá Yukos khi đó thành cuộc đua một ngựa, với nhiều đối thủ chào giá cao hơn đã bị gạt ra ngoài vì "mắc lỗi kỹ thuật".

Tháng 4/2003, Yukos đã đồng ý hợp nhất với tập đoàn Sibneft để trở thành tập đoàn dầu lửa lớn thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, tới tháng 10 cùng năm, Khodorkovsky bị bắt giữ khi vừa tới sân bay Novosibirsk vì tội gian lận và trốn thuế. Khi đó cơ quan công tố Nga nói rằng Khodorkovsky và đồng bọn khiến nhà nước thiệt hại doanh thu hơn 1 tỉ USD. Cuối tháng đó, chính phủ Nga đã đóng băng cổ phiếu của Yukos và tiến hành nhiều hoạt động phong tỏa khác, dẫn tới việc giá cổ phiếu của nó sụp đổ và phá sản. Năm 2004, trong khi Khodorkovsky bị tạm giam, ông ta vẫn được tạp chí Forbes đánh giá là người giàu nhất Nga và đứng thứ 16 thế giới. Tới tháng 3/2006, Forbes ước tính tài sản của Khodorkovsky đã teo tóp xuống còn chừng 500 triệu USD.

Chiến thắng cho điện Kremlin

Trong khi Khodorkovsky đang nỗ lực giành lại tự do cho bản thân bằng chiêu bài chính trị hóa vụ án của ông ta, hôm 31/5, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã ra phán quyết bác bỏ lá đơn kiện của Khodorkovsky nói rằng cáo buộc ông ta gian lận và trốn thuế mang động cơ chính trị.

Ủy ban xét xử gồm 7 thẩm phán đánh giá trong khi vụ xử Khodorkovsky "có thể gây những nghi ngờ nhất định", họ không tìm thấy "những chứng cứ xác đáng hay bằng chứng trực tiếp" cho thấy có động cơ chính trị trong việc khởi tố Khodorkovsky.

Tuy nhiên tòa án đồng tình với cáo buộc của Khodorkovsky rằng ông này đã bị giam giữ trái luật và bị đối xử tệ khi ở trong tù. Tòa yêu cầu Nga bồi thường khoảng 30.000 USD cho Khodorkovsky và tòa án Nga cũng phải điều chỉnh các phán quyết trước đó của họ cho phù hợp với phán quyết của tòa án nhân quyền. Tuy nhiên giới luật sư nói rằng phán quyết này mang tính hình thức nhiều hơn là có giá trị pháp lý.

Nga hiện chưa có phản ứng chính thức nào trước quyết định của tòa án châu Âu. Tuy nhiên Sergei Markov, một nghị sĩ cao cấp trong đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền đánh giá quyết định của Tòa án Nhân quyền Châu Âu cho thấy một thực tế rõ ràng: Kremlin đang kết tội Khodorkovsky vì những hành động phạm pháp của nhân vật này, chứ không phải vì động cơ chính trị.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm