Arsenal: 'Running man' & nỗi khắc khoải về bóng đá thời kim tiền

26/07/2013 08:49 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Nốt trận đấu tại Nhật Bản nữa thôi là Arsenal sẽ chính thức khép lại tour du đấu châu Á trước mùa giải. Đọng lại trong lần đi tour này của “Pháo thủ” chính là sự kiện "Running man" Vũ Xuân Tiến - chàng trai Việt Nam đã chạy 5km theo xe bus của toàn đội.

Nỗ lực không biết mệt mỏi của Vũ Xuân Tiến đã giúp cậu đạt được mục đích và thậm chí nó còn ngoài cả mong đợi. Tiến được mời lên xe bus của Arsenal, chụp ảnh, xin chữ ký của thần tượng.



Running Man Vũ Xuân Tiến bên cạnh Podolski trên sân Mỹ Đình

Tài chính là số 1

Người ta gọi đó là “món quà” mà một người Pháp lịch thiệp như Wenger dành tặng cho chàng trai Việt, nhưng thực tế ở sự kiện này, đôi bên đều có lợi.

Arsenal không phải là CLB duy nhất ở Premier League chọn du đấu ở châu Á. Man United, Chelsea đều chọn vùng đất này làm điểm đến. Trên thông báo chung, họ thường khẳng định đó là “cơ hội để mang đội bóng tới gần hơn với fan”. Chứng kiến lượng fan tới sân Mỹ Đình hay 95.000 CĐV Liverpool tại Australia đồng thanh hát vang ca khúc You'll Never Walk Alone cho thấy mục đích đó hoàn toàn tốt đẹp.

Dẫu vậy, giữa fan và tiền bạc, tất nhiên mục tiêu kinh tế được các CLB đặt lên hàng đầu. “Tour du đấu mang đến cho CLB cơ hội để xây dựng hình ảnh toàn cầu và cơ hội lớn để chúng tôi thu hút các đối tác thương mại tiềm năng, cũng như thắt chặt mối quan hệ với đối tác hiện tại ở châu Á và các thị trường quan trọng khác” - đại diện của Arsenal thẳng thắn chia sẻ khi được hỏi về góc độ kinh tế trong các tour du đấu.

Thế nên, CĐV như Tiến là người mà phía Arsenal mong chờ sẽ xuất hiện dù ở Hà Nội hay bất cứ đâu trong hành trình du đấu của mình. Tất cả đều vì mục đích duy nhất - quảng bá cho hình ảnh đội bóng. Khi hình ảnh của "Running man" được truyền thông quan tâm, nhiều tờ báo lớn trên toàn cầu đưa tin về anh, thì ngầm hiểu sức mạnh của Arsenal đang dần được thiết lập ở vùng Đông Á.

Nỗi lo từ du đấu

Mục tiêu kinh tế là quá rõ ràng nhưng di chuyển hàng nghìn dặm quanh thế giới, tập luyện trong thời tiết khắc nghiệt, thức dậy ở những khách sạn khác nhau mỗi buổi sáng, dường như không phải là cách lý tưởng để chuẩn bị cho mùa giải kịch tính ở Premier League và cao hơn nữa là Champions League.

Việc tiền đạo Wayne Rooney của M.U phải bỏ dở chuyến du đấu trở về Anh do chấn thương gân khoeo hay tuyển thủ Hà Lan Alex Buttner dính chấn thương trong trận giao hữu với the Singha All-Stars ở Thái Lan là một trong những hiểm họa đã thấy rõ.

“Xét góc độ chuẩn bị cho mùa giải mới, tôi không thấy tác động tích cực của những chuyến du đấu mà thay vào đó là nguy cơ dính chấn thương của các cầu thủ” - tiến sĩ Craig Duncan của Đại học Australian Catholic nhận định.

Theo Duncan, nếu ông là HLV của đội bóng hay người có quyền quyết định về việc du đấu của CLB, ông sẽ chọn cách ở nhà hoặc tới những trung tâm huấn luyện gần với đại bản doanh hơn, với điều kiện khí hậu tương đồng.

Tác động của hành trình kéo dài không thể bị coi nhẹ và sự thay đổi múi giờ, thời tiết khiến nguy cơ chấn thương của các cầu thủ càng cao. Theo trang web Physio Room, mùa trước, Premier League khởi tranh vào ngày 18/8 và thống kê cho thấy quãng thời gian đó, tỷ lệ chấn thương của cầu thủ ở giải đấu này cao nhất trong mùa.

“Đó chả phải là những con số bất thường, nguyên nhân chính là sự chuẩn bị không chu đáo” - Duncan nói và quan điểm này nhận được sự đồng tình của HLV Hà Lan Raymond Verheijen.

Người trong cuộc muốn gì?

Các cầu thủ Arsenal khi tới Việt Nam luôn thể hiện sự thân thiện và vui mừng trước sự chào đón của người hâm mộ. Cảm xúc đó không hề giả tạo nhưng mong muốn tận sâu đáy lòng của họ là gì? Ở lại Anh, ngủ trên chiếc giường quen thuộc của mình, dễ dàng lấy những dụng cụ mình cần mọi lúc, không bị ảnh hưởng bởi những chuyến đi và chú tâm vào tập luyện.

Đó sẽ là cách chuẩn bị chu đáo nhất cho mùa giải mới và họ sẽ có thể đặt nhiều niềm tin hơn vào cơ hội cạnh tranh với các đối thủ.

Thế nhưng, đó chỉ là mong muốn, còn thực tại, các cầu thủ và HLV đang cố gắng dần làm quen với lịch trình du đấu mỗi mùa Hè, quen với khí hậu, múi giờ mới.

Theo điều tra của chuyên gia kinh tế thể thao Simon Chadwick, 10% doanh thu của hầu hết các CLB Premier League là từ các hợp đồng với đối tác nước ngoài. Điều đó có nghĩa, tiềm năng kiếm tiền ở bên kia đại dương vẫn còn rất dồi dào và các CLB dĩ nhiên chẳng muốn bỏ qua cơ hội làm giàu.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm