Nhà văn J.D. Salinger: Quay lưng lại với con người?

15/04/2010 08:43 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Jerome David Salinger, cha đẻ mới qua đời của tác phẩm Bắt trẻ đồng xanh gối đầu cho hàng triệu độc giả (*), sinh thời là một người khó gần. Ông từ chối kể chuyện viết lách, không bao giờ trả lời phỏng vấn, và nói chung là ưa xa lánh đồng loại mỗi khi có dịp. Cái gì nấp sau vẻ ngoài thù nghịch đó?

Vài dòng hy hữu

Sáu đoạn đánh máy sạch sẽ, ký bút máy, ngắn ngủi và khô khan. Người viết kể về hai đồng đội bị thương, một người được phục viên, một người khác nữa đã đến được Cuba. Giọng văn lửng lơ giữa cay nghiệt và trầm cảm, và kết thúc là lời hẹn chóng cùng nhau đi nhậu một bữa. Một lá thư giữa hai người bạn nào đó, chẳng có gì đặc sắc để nhớ, song lại là một mảnh lịch sử văn chương, sót lại từ thế hệ bị chiến tranh tước mất mọi kỳ vọng… Lá thư ấy được viết ngày 25/4/1945, khi Thế chiến II chỉ kéo dài vài ngày nữa. Đồng đội đặt chân được đến Cuba sau này sẽ được hậu thế biết đến là Ernest Hemingway. Và người viết thư là một lính Mỹ trẻ măng đang chiến đấu ở Đức: Jerome David Salinger.


Những bức thư của Salinger viết cho một người bạn gần đây mới được công bố,
cho thấy một Salinger khác hẳn với những gì người đời từng nghĩ về ông

Được nhiều thế hệ nâng niu đón đọc vì nhận ra trong đó tâm tính ngang ngạnh của tuổi mới lớn của chính mình, Bắt trẻ đồng xanh (1951) vừa là tác phẩm đầu tay, lại vừa là tiểu thuyết duy nhất của Salinger. Và chẳng mấy chốc tác giả lui về ở ẩn. Sau vài tập truyện ngắn ít tiếng vang, từ 1965 ông biến khỏi chợ văn chương náo nhiệt và không cho ra đời một dòng nào nữa. Giới nghiên cứu, nhất là sau khi ông qua đời mới đây (27/1/2010), giành giật từng dòng được đoán là của Salinger…

Tình cờ, trong cặp giấy vàng úa ở New York còn lưu lại được mấy bức thư riêng sau mấy chục năm lãng quên, gửi cho Werner Kleeman, đồng ngũ của Salinger trong cuộc chiến đẫm máu của quân đồng minh chống lại Hitler.

Tình cảm ấm áp kỳ lạ

Tuy cùng đứng trong một chiến hào, cuộc đời của Kleeman và Salinger khác hẳn nhau. Một người chìm nghỉm trong đám người không tên của New York và sống qua ngày với một hiệu đồ nội thất, còn người kia nhập trại điều trị tâm thần để rồi với một cuốn sách duy nhất bước chân vào thánh điện của văn chương. Dù vậy họ vẫn là bạn nhau, đến thăm nhà nhau nhiều lần. Kleeman là một trong những người bạn cuối cùng còn sống của Salinger. Mãi sau khi Salinger qua đời ông mới cho ra mắt các lá thư trên.

Chúng cho người đọc một tia nhìn hiếm hoi vào thế giới ẩn dật và đời tư đắm chìm trong huyền thoại, và đặc biệt là rốt cục một lỗ đen trong lý lịch của Salinger đã được lấp đầy: đó là những cảm xúc nồng hậu khi Salinger vun đắp một tình chiến hữu xa xưa, kể cả khi đã lui vào thế giới của riêng mình.

Vì quả thực đó là một bất ngờ cho cả giới nghiên cứu lẫn người đọc. Cho đến khi chết, Salinger vẫn mang dấu ấn của kẻ yếm thế, thậm chí thù ghét cộng đồng. Một người đương thời hiểu ông đã tóm lại trong một câu: “Ông ấy tuyệt đối không có bạn”.

Chính những bức thư gửi Kleeman là minh chứng phản biện. Lời Salinger trong thư buồn bã, dịu dàng. Ông kể về con chó con giống Husky mới mở mắt, rất sầu muộn về vụ tự sát của Hemingway, tự gọi mình là “lão già lẩm cẩm” tiếc nuối những đứa con mình trưởng thành và rời khỏi nhà. “Một người khiêm nhường”, Kleeman nói về bạn mình, “tình cảm và thâm hậu”.

60.000 USD

Những bức thư mà Kleeman còn giữ, được viết hồi 1945 – 1969, gửi đi từ mặt trận Đức và New Hampshire, nơi Salinger trốn về từ 1953.

Declan Kiely, giám đốc Morgan Library, một bảo tàng New York, đã được phép trưng bày những bức thư trên. Sau khi chứng thực nguồn gốc thư, ông dự đoán giá trị của chúng vào khoảng 60.000 USD và ước gì được phép mua lại chúng. Salinger là người cực kỳ chú trọng bảo vệ đời tư. Không chỉ quan tâm đến tác phẩm (ông đã ra tòa kiện thắng một người viết phỏng nhân vật Bắt trẻ đồng xanh 60 năm sau), Salinger còn đăng ký bảo vệ bản quyền của thư riêng, kể cả sau khi chết. Đó là lý do người ta tuy được xem thư ở triển lãm, nhưng không được trích lục quá vài câu cụ thể.

Các fan của Salinger có thể nhận ra bút pháp của thần tượng: cú pháp nghiêm ngặt mà lịch thiệp, nhịp câu chính xác, giọng văn tưng tửng. Song đặc biệt là những đoạn nói về quá khứ trong địa ngục của Thế chiến II – giọng của một cựu binh mà chỉ có đồng đội mới hiểu hết. Ông nhắc đến những tổn thương tâm hồn trong cuộc chiến mà sau này dẫn đến kết thúc trong cô đơn: trong lá thư cuối viết ngày 23/2/1969 Salinger tuyên bố, ông không có hứng thú xuất hiện ở bất cứ đâu nữa.

Cuộc đời Kleeman (n)

Nhờ đọc thư mà Kleeman nhớ lại rành rành quá khứ sóng gió của mình, vốn cũng đủ giai thoại để tạo thành một cuốn tiểu thuyết, dù có hay không thân quen với Salinger. Vốn sinh ra từ một gia đình Do Thái gốc Đức, Kleeman (chính ra là Kleemann) tận mắt chứng kiến giai đoạn Hitler nhảy lên ghế Quốc trưởng. Thoát khỏi thần chết ở trại tập trung Dachau, Kleeman trốn sang Mỹ và cầm súng quay về đánh Đức. Ở Devonshire (Anh), Kleeman và Salinger quen nhau năm 1944 khi ở cùng đơn vị.

Ngày ấy, mới 25 tuổi, Salinger đã viết vài truyện ngắn sau khi nhập ngũ năm 1942. Cho đến nay không có nhiều tài liệu về thời này, đơn giản cũng vì Salinger làm trong quân báo, và – theo Kleeman – rỗi phút nào là cặm cụi viết. Chính trong những tháng này các tuyến hành động chính của Bắt trẻ đồng xanh được định hình. Cả hai cùng nhau vượt qua eo biển Manche rồi đổ bộ lên bãi Utah Beach trong nỗi kinh hoàng mà cho đến khi chết Salinger không dám tả lại và cho đến hôm nay, Kleeman cũng tránh nói đến. Chỉ có một lần duy nhất Salinger nhắc đến trận đánh ở Huertgenwald với 22.000 lính Mỹ tử trận. Chính ở Huertgenwald họ gặp phóng viên chiến trường Ernest Hemingway, người mà Salinger đã làm quen hồi ở Pháp và tôn kính như sư phụ.

Hết chiến tranh mỗi người một ngả. Lá thư viết năm 1945 (đóng dấu dịch vụ quân bưu 29/4) mất một năm mới đến tay Kleeman lúc đó bị chuyển đi chuyển lại giữa nhiều bệnh xá. Bản thân Salinger trụ lại Đức và cưới Sylvia Welter, một phụ nữ Pháp, nghe nói có tư tưởng Đức quốc xã rất cao. Cuộc hôn nhân kéo dài đúng 8 tháng. Vào một bữa sáng, ông nói với vợ: “Cút đi!”. Cho đến nay Kleeman vẫn nhớ bạn mình là một người máu lạnh đối với phụ nữ. Người vợ sau này, Claire, cũng bị Salinger tống ra cửa một cách kém lãng mạn tương tự. Thậm chí Salinger tỏ ra bất bình khi con gái ông là Margaret lấy chồng người da đen.

Tình bạn với Kleeman kéo dài hơn, cả khi họ không viết thư cho nhau nữa. 1978 Salinger đến New York dự liên hoan cựu binh. Ở đó ông giấu tên mình, chỉ lẳng lặng cùng Kleeman đi về khách sạn nói chuyện.

Kleeman đến New Hampshire thăm Salinger hồi 1958 và 1983. Trái với mọi đồn đại, ông gặp một Salinger “tràn trề hạnh phúc”. Chủ nhà kéo bạn vào phòng làm việc, cho xem một số bản thảo của mình. Sau khi Salinger mất, người ta đồn rằng ít nhất có 15 tiểu thuyết chưa được ra đời. Bí mật này sẽ còn lấp lửng, chừng nào nhóm người thừa kế của Salinger không đưa ra tin nào khác.

Đó không phải chuyện làm Kleeman băn khoăn. Ông giữ trong nhà một bức ảnh đen trắng chụp cùng Salinger và một tập phiên bản các thư. “Đó là cuộc đời tôi”.

Kleeman mỉm cười buồn bã khi ngắm dòng chữ ký của người bạn nổi tiếng: “Một trong hai chúng tôi phải đi trước thôi”.

(*) Bắt trẻ đồng xanh (tên tiếng Anh: The Catcher in the Rye), được đưa vào chương trình giảng dạy bậc trung học của nhiều nước nói tiếng Anh và cũng được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới. Tác phẩm lọt vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay do tạp chí Time bình chọn.

Bản dịch tiếng Việt Bắt trẻ đồng xanh xuất bản lần đầu tiên khoảng năm 1964-1965 (Nxb Lá Bối, miền Nam Việt Nam) do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch. Bản dịch này được Nxb Văn học và Công ty Nhã Nam tái bản có sửa chữa năm 2008. Ngoài ra còn một bản dịch khác của Đức Dương và Bùi Mỹ Hạnh dịch, Nxb Phụ nữ ấn hành năm 1992 và Nxb Văn học tái bản năm 2005.


Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm