Ngành "công nghiệp học vẹt" ở Ấn Độ

17/09/2012 10:31 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Với một khu giảng đường rộng 2ha, chứa 10.000 học sinh và có các máy chiếu LCD hàng đầu ở trong phòng giảng, trường Bansal lớn hơn và "xịn" hơn phần lớn các ngôi trường khác ở Ấn Độ. Nhưng Bansal không phải là trường phổ thông hay đại học. Đây là hòn ngọc của ngành công nghiệp luyện thi ở Ấn Độ và bị xem là nguyên nhân làm tăng những hố sâu ngăn cách giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Hệ thống các trường luyện thi như Bansal giờ là điểm nhấn ở thành phố Kota thuộc bang Rajasthan của Ấn Độ và ngành công nghiệp này mang về mỗi năm hàng tỉ đô la.

Công nghiệp luyện thi

Mỗi năm khoảng 50.000 học sinh trên khắp đất nước Ấn Độ đã đăng ký theo học ở Kota. Nhiều người trong số đó chịu sức ép từ cha mẹ. Mục tiêu của mọi học sinh khi theo học các trường luyện thi đều nhằm giải được các bài thi khó tại những trường đại học hàng đầu như Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), Viện Khoa học Y toàn Ấn Độ (AIIMS). Các cá nhân  tốt nghiệp những trường này có thể dễ dàng kiếm việc lương cao ở những nơi như Anh và Mỹ.

Thành phố Kota đã chở thành thủ đô của ngành công nghiệp luyện thi, nhờ vào sự thành công của các lò như Bansal.

Vinod Kumar Bansal, sáng lập viên trường Bansal đã thành lập nó vào những năm 1980, sau khi bỏ việc tại một công ty sản xuất nylon. Ông không ngờ nó đã đặt nền tảng cho ngành công nghiệp luyện thi ở thành phố.

Trường của ông đã nổi tiếng sau khi giúp hàng loạt học sinh thi đậu vào những ngôi trường thuộc loại "khó nhằn" nhất nước. Nó cũng truyền cảm hứng để người ta mở hàng loạt trường luyện thi khác trong vùng. Tuy nhiên Bansal vẫn là nơi thành công nhất.

Trang web của trường nói rằng 16.000 học sinh của trường đã thi đậu vào IIT, nhiều hơn bất kỳ trường luyện thi nào khác. Ngày hôm nay trường Bansal đã trở thành một cỗ máy sinh lời, với doanh thu gần 1 tỉ rupee (18 triệu USD) mỗi năm, dù nền kinh tế Ấn Độ đã giảm tốc mạnh.

Bên trong lớp luyện thi của trường Bansal

Sự học vẹt, áp lực thi cử và tự tử

Các trường luyện thi, về cơ bản đều sẽ chuẩn bị rất kỹ cho học sinh để các em có thể thực hiện tốt các bài thi đầu vào đại học. Tuy nhiên nguyên tắc hoạt động chung của chúng đều là khuyến khích sự học vẹt.

Tại Bansal, hàng trăm thanh thiếu niên đang được rèn luyện để giải các câu hỏi phức tạp trong các bài thi vật lý, hóa học và toán học. Yash Raj Mishra, 17 tuổi là một học sinh ở Kota. Cậu sống trong một căn phòng nhỏ, không TV, máy tính xách tay và dành tới 16 giờ mỗi ngày lên lớp, ôn bài hoặc giải bài thi.

"Vật lý là bạn gái đầu tiên và cuối cùng của tôi" - Mishra nói khi dựa lưng vào bức tường đầy những ghi chú về các công thức chuyển động học của vật lý - "Tôi cảm thấy rất tệ và rất bực khi bạn bè ghi điểm chỉ cao hơn mình một chút".

2 năm theo học luyện thi ở Kota sẽ khiến các học sinh tiêu tốn từ 3.000 - 4.000 USD, ngoài học phí theo học các trường phổ thông bình thường và ít nhất 2.000 USD mỗi năm tiền thuê chỗ ở. Đây là một khoản tiền khổng lồ tại một đất nước, nơi thu nhập bình quân mỗi người chỉ khoảng 1.250 USD/năm. Vì lẽ đó, thường các học sinh ở Bansal là con trong những gia đình trung lưu hoặc kinh tế khá giả.

"Một đứa trẻ là một chồng tiền mặt trị giá hàng ngàn rupee" - Manoj Chauhan, một thầy giáo dạy toán mới 20 tuổi, người lẽ ra đã có thể gia nhập một công ty phần mềm hay công ty đa quốc gia vì có đầu óc thông minh, nhưng đã chọn việc dạy học ở Kota, bởi lương của nhiều giáo viên ở đây có thể lên tới cả 6.000 USD/tháng.Thành phố với gần 1 triệu dân đã phát triển mạnh cũng chính nhờ sự nhạt nhẽo của nó. Phụ huynh học sinh thấy việc Kota có ít nơi giải trí chính là một điểm mạnh, bởi con cái họ sẽ không xao nhãng việc học hành. Thực vậy, dù có hàng ngàn học sinh, thành phố này chẳng có các trung tâm mua sắm hay tổ hợp chiếu phim, vốn nảy nở ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên áp lực học hành lớn tại các lò luyện thi đã mang lại những hậu quả ghê gớm. Có 50 học sinh đã tự sát tại Kota trong năm ngoái. Ngoài ra môi trường giáo dục ở Kota cũng không phải lý tưởng. "Ở trong trường luyện thi, anh bị đối xử như một con chuột vậy. Các giáo viên rất tự cao, hò hét mọi người và có thể chế nhạo bất kỳ ai" - cậu học sinh Ashutosh Banerjee cho biết, thổ lộ rằng mình đã rời khỏi Kota chỉ sau một tháng ôn luyện.

Gây bất bình đẳng xã hội và kìm hãm sự phát triển

Với giới quan sát, các trường dạy thi là sự tổng hợp của nhiều vấn đề trong hệ thống giáo dục Ấn Độ và nó trực tiếp gây ra tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

"Về lâu dài, các ngôi trường luyện thi sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống giáo dục, vốn chỉ trao phần thưởng cho những cá nhân chăm chỉ và tài năng. Thay vì thế, phần thưởng lại được trao cho những kẻ sẵn sàng đứng ngoài hệ thống và chỉ việc ôn luyện những mánh khóe thi cử " - Chad Lykins, đồng tác giả báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á về nạn luyện thi đại học ở châu Á đánh giá.

Việc các trường luyện thi được ưa chuộng ở Ấn Độ càng khiến tình hình trở nên trầm trọng trong hệ thống giáo dục quốc gia. Các trường luyện thi với lương tốt hơn đã “câu” hết các giáo viên giỏi của trường công. Hoặc các giáo viên trường công sẽ mê mải với việc kiếm thêm và bỏ quên các học sinh nghèo của họ.

Hậu quả là những học sinh xuất phát từ cộng đồng dân cư nghèo nhất cũng sẽ bị thiệt thòi nhất. Chúng cũng thường bị cha mẹ áp phải bỏ học sớm để đi làm. Một hệ quả lớn hơn từ chất lượng tồi của hoạt động giáo dục công là 1/4 người dân Ấn Độ vẫn chưa biết đọc biết viết và thiếu các kỹ năng để đáp ứng nhu cầu kinh tế đang lên của đất nước.

Tường Linh (theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm