TTVH Online

Vụ bạo loạn gây chết người của bóng đá Ai Cập: “Đây là một vụ thảm sát quân sự”

04/02/2012 10:28 GMT+7

Hàng trăm người biểu tình ở thủ đô Cairo đã hô vang như thế, trong những tiếng khóc và thanh âm giận dữ của đám đông, sau một trong những tấn thảm kịch lớn nhất của lịch sử bóng đá thế giới.

(TT&VH)- Hàng trăm người biểu tình ở thủ đô Cairo đã hô vang như thế, trong những tiếng khóc và thanh âm giận dữ của đám đông, sau một trong những tấn thảm kịch lớn nhất của lịch sử bóng đá thế giới. “Không phải là một tai nạn thể thao, mà là một vụ thảm sát quân sự”.

Những nghi ngờ về sự xúi giục của các phần tử quá khích ủng hộ cựu Tổng thống Hosni Mubarak vẫn tồn tại, nhưng trách nhiệm của các quan chức Ai Cập không thể không bị truy cứu. Thủ tướng Kamal al-Ganzuri triệu tập một phiên họp quốc hội khẩn cấp những quyết định lập tức đưa ra ngay sau đó: Giám đốc và toàn bộ thành viên Ban lãnh đạo của LĐBĐ Ai Cập lập tức bị sa thải, kèm theo đó là phụ trách an ninh của sân Port Said. Nhưng chỉ chừng ấy là chưa đủ để giảm sự phẫn nộ của dân chúng. Từ quảng trường Tahrir, nơi mà năm ngoái còn là trung tâm của cuộc nổi dậy lật đổ Hosni Mubarak, hàng trăm người tụ tập biểu tình và lên án sự kém cỏi của các biện pháp an ninh, khiến cho bạo lực trở nên không thể kiểm soát.



Thảm sát tại Ai Cập dẫn đến biểu tình dâng cao- Ảnh Getty

Ông Ganzuri cũng cho biết thêm rằng Thống đốc Port Said đã chủ động từ chức, và áp lực từ dư luận cũng như ở nghị trường có thể khiến Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim, người đã phải ngồi nghe chất vấn cả buổi về sơ suất vừa qua, có thể sẽ là nhân vật tiếp theo. Nhà cầm quyền Ai Cập cũng đã tuyên bố quốc tang 3 ngày. Thị trường chứng khoán Cairo trải qua một phen chao đảo nặng nề, nhưng chỉ số chính EGX-30 index vẫn đạt 4,584.39 điểm. Truyền hình Ai Cập đưa tin Thống chế Hussein Tantawi, người lên nắm quyền sau khi ông Mubarak bị lật đổ vào ngày 11/2, đã cử hai máy bay quân sự đến chuyên chở các cầu thủ và những người bị thương ở Port Said.

Nhưng những hành động ấy vẫn là quá muộn mằn để cứu vãn là niềm tin sau một thảm kịch kinh khủng nhường ấy. 3 tuyển thủ quốc gia Ai Cập, trong đó có 2 người ít nhất từng 70 lần khoác áo tuyển là Mohamed Aboutrika và Mohamed Barakat, đã tuyên bố giải nghệ ngay sau thảm họa. Tiền đạo Emad Moteab gần như thét lên trước micro phỏng vấn: “Tôi sẽ không chơi bóng đến khi công lý được thực thi”. Trước đó, HLV trưởng của Al-Ahly, đội khách trong trận đấu thảm kịch này, đã chủ động xin từ chức và quay về quê hương Bồ Đào Nha. Trong khi đó, Chủ tịch và HLV trưởng của đội Al-Masry cũng đã nộp đơn xin từ chức.

Hôm qua, một vụ bạo loạn quy mô đã nổ ra ở Cairo ngay sau thảm họa sân cỏ này. Và với 74 người thiệt mạng và hơn 1000 người bị thương cùng tình trạng bất ổn ở đất nước này, chưa thể khẳng định rằng bạo lực sẽ chấm dứt trong thời gian ngắn sắp tới.

Ban Cầm



Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN