TTVH Online

“Hồ Tây không còn chỗ để sâm cầm trở về”

10/01/2011 11:20 GMT+7

Năm 2010, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nhưng vẫn không thấy bóng dáng sâm cầm về trên mặt nước Hồ Tây, chỉ có đàn le le khoảng 100 con bơi lội.

(TT&VH) - Năm 2010, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nhưng vẫn không thấy bóng dáng sâm cầm về trên mặt nước Hồ Tây, chỉ có đàn le le khoảng 100 con bơi lội. Phải chăng chuyến “hồi hương” năm 2006 của cả một đàn sâm cầm mà nhiều người đã được chiêm ngưỡng khi đứng ở khu vực Công viên nước Hồ Tây đã là chuyến cuối cùng? Là người dân Hồ Tây, chúng tôi vẫn không nguôi ngóng đợi ngày chim về.

1. Do sự bùng nổ về dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh, những loài chim thường về trú ngụ ở Hà Nội đã thưa thớt dần. Cho đến hôm nay, khó ai có thể được nhìn thấy đàn cò trắng phau hàng trăm con đậu trên những ngọn cây sao ở phố Lò Đúc như những năm nào. Đặc biệt, hình ảnh đàn sâm cầm, mà dân làng Nghi Tàm, Quảng Bá chúng tôi thường gọi là loài chim thiên thần, có đến hàng nghìn con sà xuống bơi lội trên mặt nước Hồ Tây mênh mang và thơ mộng mỗi độ Thu về, phải chăng vĩnh viễn không còn nữa?...

Nhớ những năm xưa, sâm cầm về đây đông đúc như những cái nấm đen di động, bồng bềnh trên mặt nước Hồ Tây, khiến ai một lần nhìn thấy cũng phải trầm trồ: “Có lẽ chẳng đâu có được một cảnh hữu tình như ở đây”.

Tìm đâu bóng dáng đàn sâm cầm? Ảnh Internet
Tôi nhớ vào một ngày đầu tháng 9 Dương lịch năm 1975, trong không khí vui mừng vô hạn kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, vẫn còn nóng hổi niềm hân hoan về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, nước nhà sạch bóng quân xâm lược. Tại một ngôi nhà bên Hồ Tây của đồng đội, chúng tôi được thưởng ngoạn một kỳ thú: Vừa ngồi uống rượu, vừa ngắm nhìn đàn sâm cầm có dễ đến hàng nghìn con đang nô đùa trên mặt nước Hồ Tây. Chúng vô tư bơi lặn, có nhiều con chui vào đám sen ven bờ, có nhiều con lách lủi vào những đám bèo Nhật Bản phơn phớt hoa tím. Chúng bơi lội, thả mình tự do, rỉa lông, rỉa cánh giữa những cánh bèo xanh thẫm. Chúng tôi phải bảo nhau ngồi thật yên lặng, không ai dám ra khỏi căn nhà gần mép nước, bởi chỉ sợ làm đàn sâm cầm hoảng loạn bay đi mất.

Qua ống nhòm anh bạn đưa cho, tôi được nhìn tận mắt những chú sâm cầm xinh xinh, tuyệt đẹp, đúng là loài chim thiên thần. Mỏ chúng màu vàng nhạt, mào trắng ngà hơi nhô lên giữa màu lông đen, lưng và bụng lông xám, đôi cánh phát tím mỗi khi có ánh mặt trời chiếu vào. Đôi chân phớt lục màu chì, chân sâm cầm có 4 ngón, 2 ngón giữa có 3 đốt, 2 ngón bên có 2 đốt, đôi chân sâm cầm bỏ thõng xuống nước nhìn như những củ sâm. Màng chân mỏng, trông nửa chim, nửa vịt. Các cụ bảo rằng chân sâm cầm đem ngâm rượu uống rất bổ. Mỗi con sâm cầm chỉ nặng từ 0,5 đến dưới 1 kg. Đây là loài chim quý, xưa đã một thời là vật tiến vua, nghe nói mãi đến đời vua Tự Đức lệ này mới được bãi bỏ.

2. Qua tìm hiểu và nghiên cứu, loài chim sâm cầm ở nước ta có từ lâu đời, có thể từ khi có Hồ Tây. Người ta thường nói: “Đất lành chim đậu”, loài chim này đã tìm đến đây quần tụ, bơi lội, hưởng cái ấm ngọt của nước hồ, để tránh cái rét ở phương Bắc. Một số cụ già ở làng kể rằng: Loài chim này giống con le le nhưng to hơn, giống con vịt giời nhưng lại nhỏ hơn. Xưa kia, chúng rất dạn người, thích bơi lội giữa những đám bèo bồng bềnh, chẳng cứ gì mùa Thu mà mùa Đông có hôm chúng cũng về Hồ Tây bơi lội. Mùa Đông chúng thường tập trung bơi ở hồ phía Đông (phía Thụy Khuê), mùa Hè chúng bơi ở phía Tây giáp với Nhật Tân, Xuân La.

Năm nay Hồ Tây chỉ thấy đàn le le hơn 100 con
Ngày xưa lũ trẻ ra hồ tắm lẫn với sâm cầm, có đứa lặn xuống, túm được cả chân sâm cầm, nhưng rồi lại thả nó ra, không ai nỡ bắt chim làm thịt. Một số người Pháp định thuê người làng bơi thuyền đưa họ ra hồ để bắn chim trả công rất cao, nhưng dân làng đều từ chối, bởi mọi người ở đây nhìn đàn chim sâm cầm tụ tập, ngụp lặn như những sinh linh bé bỏng nên không nỡ giết, đuổi chúng đi. Có cụ nói: “Thử hỏi cả miền Bắc này có hồ nào nằm giữa Kinh thành rộng bằng Hồ Tây, lại có được sâm cầm về đậu như ở đây không?”

3. Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng thịt chim sâm cầm rất bổ, chân nó đem ngâm rượu chữa được nhiều bệnh, nên thường săn bắn mạnh, làm cho sâm cầm ngày một ít đến Hồ Tây và rất sợ người. Đã vậy những năm trở lại đây rong rêu của Hồ Tây đã mất dần, sen ven hồ cũng thưa thớt, những đám bèo bồng bềnh hoa tím không còn, ven bờ hồ nhà cao tầng mọc lên choán chỗ những lùm tre, gốc vối xanh mát bờ hồ. Sớm chiều tiếng nhạc từ các nhà nổi, du thuyền... phát ra ầm ĩ, ồn ào, những chiếc thuyền bơi tấp nập mặt hồ, những lều câu cá quanh bờ hồ không lúc nào vắng người, thì đàn chim sâm cầm làm sao còn dám quay trở về?!

Hồ Tây không còn chỗ để sâm cầm trở về không phải lỗi của dân làng chúng tôi đã đánh mất đi tiếng “đất lành”. Chúng tôi vẫn ước ao, một ngày nào, tiếp theo đàn le le, đàn sâm cầm sẽ lại trở về.

Tố Liên (Số 7A ngõ 54 đường Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN