Nhìn lại một thập niên vì Đại lễ

06/01/2011 11:10 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 5/1, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã chủ trì Hội nghị Tổng kết các hoạt động của Ban Chỉ đạo trong đại lễ.

>> Chuyên đề: Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Theo Phó thủ tướng, đại lễ đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc cả về giá trị vật chất, tinh thần, thật sự thiết thực đối với đời sống nhân dân thủ đô và cả nước. Bên cạnh 102 công trình tiêu biểu được gắn biển Chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long là hàng nghìn tác phẩm thơ ca, phim ảnh, báo chí... để vừa tôn vinh văn hóa 1.000 năm thủ đô văn hiến vừa để lại cho đời sau những giá trị văn hóa vô cùng quý báu.

Xứng đáng với tầm vóc thủ đô

Phó thủ tướng khẳng định, công việc chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm Hà Nội 1.000 năm tuổi đã bắt đầu được khởi động từ năm 1999, sau Chỉ thị của Bộ Chính trị. Công việc càng được triển khai cụ thể, đồng loạt kể từ sau kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2000.

Như vậy, thập niên vừa qua, bên cạnh các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhiều bộ, ngành, đoàn thể trung ương, TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đều triển khai những công việc tiến tới chuẩn bị kỷ niệm Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Đây là công việc, nhiệm vụ của cả nước chứ không riêng của Hà Nội. 

Khối diễu hành mang Quốc huy ngày đại lễ
Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tổ chức xứng với tầm vóc lịch sử của thủ đô nghìn năm văn hiến, tôn vinh được truyền thống văn hóa, văn hiến, hòa bình, hợp tác hữu nghị và bề dày lịch sử của dân tộc ta. Đặc biệt, trong 10 ngày đại lễ có 54 sự kiện lớn với hàng trăm hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra ở các địa bàn quận, huyện, thị xã...

Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành đã được tổ chức trọng thể, hoành tráng với sự tham gia của 40.000 người thuộc 22 bộ, ngành, đoàn thể trung ương và TP.Hà Nội, là lễ diễu binh, diễu hành có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để lại ấn tượng sâu sắc trong mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.

Bài học lớn nhất sau đại lễ, Phó thủ tướng cho biết, là để bất kỳ sự kiện gì đi đến thành công phải được sự đồng thuận của nhân dân cả nước và của cộng đồng quốc tế.

Thành công ở 5 điểm

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã báo cáo tổng kết toàn bộ chương trình đại lễ. Theo bà, thành công của đại lễ thể hiện ở 5 điểm chủ yếu: Thứ nhất là những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội qua 1.000 năm lịch sử, văn hiến, anh hùng, hòa bình và hữu nghị được tôn vinh, mang tầm quốc gia và quốc tế.

Hội nghị Tổng kết các hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm
1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thứ hai, thông qua các hoạt động kỷ niệm đã hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, lòng tin yêu Đảng và chế độ ta của mọi tầng lớp nhân dân thủ đô và nhân dân cả nước, được thể hiện qua gần 3,3 triệu người tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm văn hiến và anh hùng”, gần 1.000 tác phẩm của trên 100 cơ quan báo chí tham gia Giải báo chí về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; qua các công trình nghiên cứu khoa học, văn hóa, lịch sử... các tác phẩm của hàng nghìn văn nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ thủ công, người lao động... dâng lên đại lễ.

Thứ ba, đại lễ đã góp phần tăng cường tiềm lực vật chất, tinh thần, tạo động lực để thủ đô và đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới. Các công trình văn hóa, xã hội, công trình hạ tầng kỹ thuật với quy mô lớn, ý nghĩa kinh tế - xã hội cao góp phần tăng tính hiện đại, khang trang nhưng vẫn mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của thủ đô và đất nước nghìn năm tuổi.

Thứ tư là các hoạt động của đại lễ đã củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”.

Cuối cùng, việc tổ chức đại lễ đã góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế uy tín của thủ đô và đất nước; đồng thời cho thấy khả năng thủ đô Hà Nội có thể tổ chức đăng cai được những sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Triệu tấm lòng đã làm nên thành công của đại lễ dân tộc”. Nhân dịp này, Phó thủ tướng thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội gửi lời cảm ơn tới nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, các ban ngành, đoàn thể, những người đã thể hiện tấm lòng với thủ đô 1.000 năm tuổi, góp phần vào thành công của đại lễ.

Hoàng Lan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm