TTVH Online

Đỗ Trung Quân: Văn hóa ứng xử và văn hóa… chơi

04/12/2010 16:56 GMT+7

Chuyện thi cử trong một tuần lễ trở lại đây lại “nóng” lên. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đỗ Trung Quân về một số vấn đề liên quan đến giám khảo, thí sinh trong một số cuộc thi đang diễn ra.

(TT&VH) - Chuyện thi cử trong một tuần lễ trở lại đây lại “nóng” lên. Nhưng “nhiệt độ” không tỏa ra từ những giọng ca của thí sinh mà từ lời nói của giám khảo (trong đó có chuyện giám khảo “bắt” 3 thí sinh vào vòng nguy hiểm phải… xin lỗi khán giả), chuyện hậu trường (ghi âm lời chửi tục của thí sinh) và cả chuyện thí sinh được khán giả “ào ạt” nhắn tin bầu chọn để họ giành được quyền đi tiếp, nhưng bỗng nhiên lại không muốn chơi nữa…

Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một trong những “giám khảo” đầu tiên của “phong trào” hội đồng nghệ thuật nhận xét các thí sinh trong các cuộc thi hát được truyền hình trực tiếp. Năm 2004, những lời “điên điên” của anh là tác nhân của làn sóng phản đối trên dư luận. Tuy nhiên, những lời nhận xét của anh có lẽ chỉ là “chuyện nhỏ” so với “mặt bằng trình diễn” của một số giám khảo trong vài năm gần đây.

TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đỗ Trung Quân về một số vấn đề liên quan đến giám khảo, thí sinh trong một số cuộc thi đang diễn ra.

Giám khảo được mời rời ghế nhanh nhất thế giới

* Là một nhà thơ, tại sao năm 2004 anh lại dám cả gan nhận lời làm “giám khảo” một cuộc thi hát mang tầm quốc gia?

- Trước hết nhìn lại một lần duy nhất làm “giám khảo” Sao Mai - Điểm hẹn (SM-ĐH) 2004, giờ đây đối với tôi là một kỷ niệm vui. Và nếu cho phép nói vui thì tôi xin nói thế này: “Tại sao kỷ lục Guinness chưa đưa tôi vào mục: Giám khảo được mời rời khỏi ghế một cuộc thi nhanh nhất thế giới nhỉ? Chỉ đúng một đêm duy nhất - đêm khai mạc”. Lúc đó, tôi tham gia hội đồng nghệ thuật với “nhiệm vụ” đưa ra những nhận xét dưới góc nhìn của một người quan sát, người nghe chứ không phải chuyên môn âm nhạc.


Nhà thơ Đỗ Trung Quân (phải) và nhạc sĩ Bảo Phúc tại SM-ĐH 2004

* Chắc anh vẫn còn nhớ lời nhận xét của mình đối với ca sĩ Ngọc Khuê, những lời nhận xét mà sau đó phải hứng chịu rất nhiều những lời chê trách trên công luận...

- Nhớ chứ! Nhớ như in. Nhưng cũng cần nói nguyên do tại sao tôi đã mạnh miệng như vậy. Trước đó, tôi vô cùng ấn tượng với CD Bên bờ ao nhà mình của ca sĩ trẻ Ngọc Khuê. Thời điểm của năm 2003- 2004 dường như ít có ca sĩ trẻ chưa thật sự thành danh nào thể hiện tiếng hát mình kiểu đãi giọng, giả thanh và cảm thụ được thẩm mỹ của những ca khúc mình trình bày đủ để gây nổi “gai” cho tôi đến thế. Đấy chính là chọn con đường “mép vực”chứ không chọn con đường an toàn hứa hẹn sẽ có hoa hồng, nhưng lại có quá nhiều người đã đi của Ngọc Khuê.  

Tôi rất ngưỡng mộ thái độ ấy qua Bên bờ ao nhà mình và khi nghe Ngọc Khuê hát sống trên sân khấu SM-ĐH 2004, ngồi ở ghế hội đồng nghệ thuật tôi buộc phải bày tỏ sự khen ngợi ấy bằng cách nói: “Em hát rất điên, tôi thích cái điên của em và nghệ thuật rất cần những cái điên như thế”.

Lời nói thật, nói nhanh và không cần hoa mỹ của tôi không ngờ đã làm bùng nổ “cơn thịnh nộ” trên công luận.

* ... và mọi người đoán già đoán non là anh bị “mời” khỏi hội đồng nghệ thuật?

- Không phải như thế, tôi tự xin rút khỏi hội đồng để giảm áp lực cho BTC. Tôi quan niệm đã là một ê-kíp ta hãy quên cá nhân mình đi. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng với “sự cố” đó, SM-ĐH 2004 đã lập tức được đóng dấu thương hiệu và ca sĩ Ngọc Khuê cũng được nhiều người chú ý hơn. Nhưng thú thật tôi hoàn toàn không cố ý làm thành sự kiện. Bây giờ các “giám khảo” được nói nhiều hơn, thoải mái hơn và “sự cố” năm 2004 cũng một phần nào góp phần làm cho công luận có những nhìn nhận cởi mở hơn. Công chúng hôm nay có lẽ cũng đã nhìn nhận rằng, so với bây giờ, những lời tôi nói khi ấy chẳng là gì cả...

Văn hóa ứng xử và văn hóa… chơi

Tôi thấy rằng mình không đủ uyên bác để “kính thưa toàn thể mọi vấn đề”. Và khi nhận ra truyền hình là nơi/chỗ để khoe… cái dốt nhanh nhất trước hàng chục triệu người, tôi thật sự yên tâm về nhà ngồi học tiếp.

* Từ sau dạo đó, anh còn hào hứng theo dõi các chương trình, cuộc thi có hội đồng nghệ thuật nhận xét?


- Thời gian khoảng 2 năm trở lại đây tôi từ chối nhiều lời mời xuất hiện trước công chúng để tập trung vào việc viết lách của mình, nhưng tôi vẫn theo dõi khá sát sao những gì diễn ra ở các cuộc thi trên truyền hình và báo chí.

* Thế những gì đã diễn ra ở các cuộc thi năm nay làm anh chú ý?

- Công luận đang hướng vào việc nhạc sĩ Tuấn Khanh đề nghị 3 ca sĩ SM-ĐH 2010 “xin lỗi” khán giả, cá nhân tôi rất hiểu ý Tuấn Khanh, Tuấn Khanh muốn gửi một thông điệp hãy chia tay khán giả bằng một thái độ có đầu có đuôi bởi các live show trước đó, các thí sinh này đã được khán giả bình chọn với số phiếu cao, nhưng khi chính họ quá cầu toàn, không thể hiện những mới mẻ như kỳ vọng của khán giả. Hay nói cách khác họ đã phụ lòng, làm cho những người đã bình chọn mình thất vọng.

Gửi đến họ một lời xin lỗi để chia tay là phải đạo, là văn hóa ứng xử. Tôi muốn nói điều này thêm cho Tuấn Khanh vì tôi hiểu thông điệp ấy của anh. Nếu tôi là thí sinh, không cần nhắc tôi cũng sẽ làm thế trước khi chia tay khán giả của mình. Vì đâu chỉ lần cuối, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau ở phía trước nữa mà.

* Còn điều gì về “văn hóa ứng xử” mà anh quan tâm nữa không?

- Trước đó tôi được biết có trường hợp thí sinh của một cuộc thi chửi tục. Tuổi trẻ nông nổi, chưa nhiều kinh nghiệm sống ai cũng có thể có sơ suất, phạm sai lầm (người có tuổi như tôi còn chưa dám chắc mình không sai lầm nữa là). Nhưng chúng ta phải cần rạch ròi rằng, tuổi trẻ “có quyền” có những sơ suất, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc có quyền kém hay thiếu cái văn hóa cá nhân.

* Nói đến khán giả, khi khán giả bầu chọn cho thí sinh để họ có số phiếu cao tiếp tục cuộc chơi, nhưng thí sinh lại xin dừng, ý kiến của anh đối với trường hợp này?

- Nếu cuộc chơi đã giao toàn quyền cho khán giả (để thực hiện cái quyền đó, họ phải tốn tiền để nhắn tin), thì BTC cũng như giám khảo phải tôn trọng quyền quyết định của khán giả. Về cá nhân thí sinh, họ có quyền không tham gia cuộc chơi, nhưng khi đã tham gia và chấp nhận luật chơi thì họ phải tôn trọng luật chơi (trừ những trường hợp quá đặc biệt) mà họ đã đồng ý ngay từ khi tham gia. Nếu không thì chẳng khác gì cái... chợ, đó cũng là văn hóa... chơi...

* Anh nghĩ gì trước rất nhiều “cuộc chơi” hiện nay, nếu có một lời mời, anh có sẵn sàng ngồi vào “ghế nóng”?

- Với tôi, sự hào hứng về điều đó không còn nữa từ lâu, như đã nói, tôi muốn trở về với việc viết lách của mình. Hơn nữa tôi thấy rằng mình không đủ uyên bác để “kính thưa toàn thể mọi vấn đề”. Và khi nhận ra truyền hình là nơi/chỗ để khoe... cái dốt nhanh nhất trước hàng chục triệu người, tôi thật sự yên tâm về nhà ngồi học tiếp.

Các sân chơi hiện nay phải nói là “bùng nổ”, nhưng đa số dường như vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp, ví dụ việc lường trước những sự cố có thể xảy ra, dường như cứ để tới đâu thì loay hoay... biện minh hơn là giải quyết đúng điều lệ luật chơi.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Hữu Trịnh (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN