Ông Falko Goetz chưa ăn phở

03/07/2011 14:46 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH Cuối tuần) - Xin đừng hiểu lầm bởi chúng tôi không có ý “xấu” với huấn luyện viên mới của đội tuyển quốc gia Việt Nam, ông Falko Goetz.

“Hình như không ai nỡ từ chối một người quen rủ đi ăn phở. Phở giúp cho người thanh bạch đủ điều kiện biểu hiện lòng thành theo với bầu bạn nó hợp với cái túi nhỏ của mình. Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa Đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại. Trong một ngày mùa Đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Đêm Đông, có người ăn phở xong, tự coi như vừa nuốt được cả một cái chăn bông và tin rằng có thể ngủ yên đến sáng, để mai đi làm khỏe. Dùng những hình ảnh bình dị để nói lên mùa Đông ở Việt Nam, tôi cho không gì nên thơ bằng cái hình ảnh một bếp lửa hàng phở bến ô tô nhiều hành khách quây quanh chờ đợi bát mình, vai rụt xuống một tí, người nhún nhảy như trẻ em đang thú đời. Tết, nhà ai cũng bánh chưng, cá kho, thịt đông, nhưng vẫn rất đông người tình cờ mừng tuổi nhau ở những hiệu phở khai trương từ mùng hai Tết...”. (Phở - Nguyễn Tuân).

Tôi tin rằng, nếu một người bạn nước ngoài đến Việt Nam, sau khi đãi họ bát phở và sau đó uống cà phê lôi cái tùy bút của cụ Nguyễn Tuân ra đọc phụ họa, ông Tây ấy sẽ hiểu vì sao phở là quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam, và yêu quý con người lẫn dải đất chữ S hơn.

Nhưng ông Goetz chưa một lần ăn phở. Một đồng nghiệp ở báo Bóng đá điện thoại bảo cũng thật bất ngờ và anh cũng in hẳn chi tiết này trên tờ báo có cơ quan chủ quản là Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Ông Falko Goetz đi taxi đến sân tập

Ông Goetz chưa ăn phở nên chưa thấm được cái hấp lực của món ăn này. Có thể vì ông quá bận, hoặc những người bên cạnh ông chưa nghĩ được rằng việc dẫn một vị huấn luyện viên trưởng đi ăn phở cũng ý nghĩa.

Nhưng vấn đề giao thông thì ông Goetz đã cảm nhận rất rõ sự rắc rối, nhất là nạn kẹt xe: “Cũng mừng vì tôi không phải một mình lái xe ở Việt Nam. Điều này chưa nằm trong trí tưởng tượng của tôi. Nếu có, có lẽ lúc đó không chỉ đội mũ bảo hiểm, mà tôi còn phải mặc áo bảo hiểm toàn thân mới dám ra đường”.

Chỉ một khi hiểu rõ mảnh đất nơi mình đang sống, thì mới hy vọng hanh thông công việc. Thế nên, thách thức lớn nhất với các ông huấn luyện viên ngoại, chính là hiểu chúng ta. Hiểu cái sự tuyệt vời của phở, cái rắc rối của văn hóa giao thông và cả những hạn chế của bóng đá Việt Nam.

Ông Goetz không có may mắn như Alfred Riedl và Henrique Calisto, khi đã nằm lòng không chỉ bóng đá Việt. Thậm chí, ông “Tô” còn là chuyên gia điểm báo, nên ai chỉ cần nói xấu ông là biết ngay. Huấn luyện viên này đã nói thẳng những tờ báo mà ông “ghét” nhất, vốn hay phản biện VFF và các đội tuyển quốc gia.

Chỉ mới ngồi ghế nóng, nhưng đã thấy sự vất vả của ông Goetz khi phải làm việc “hai trong một”. Ông phải bay đi như con thoi để xem hai đội tuyển thi đấu. Ông vẫn còn lệ thuộc quá lớn vào các trợ lý, lực lượng hầu như do các phó tướng tiến cử và định hướng tư tưởng chơi bóng, chưa thấy bóng dáng của Goetz.

Để hiểu tận cùng bóng đá Việt Nam là một thách thức cực lớn. Ông Riedl sau khi bị học trò bán đứng ở SEA Games 2005 đã sửng sốt không tin mình vào tai mình. Calisto tưởng đã hiểu hết mọi chuyện, nhưng ông cũng phải ra đi. Có một thứ ông không bao giờ học được trong 10 năm, đấy là tiếng Việt: “Tiếng Việt khó quá vì nó là thứ ngôn ngữ khác hoàn toàn, không có chút liên hệ nào với các ngôn ngữ ở châu Âu. Tôi cũng muốn học nó nhưng phải đầu hàng vì nếu tập trung học nó thì tôi không còn đầu óc nào để làm việc nữa”.

Thực ra, mọi chuyện chẳng rắc rối nếu như nền bóng đá chúng ta thực sự chuyên nghiệp, để việc hiểu bóng đá Việt không là tiêu chí cốt tử với các huấn luyện viên chuyên nghiệp khi đến đây làm nghề.

Ngọc Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm