Đừng dắt con theo!

03/08/2011 08:44 GMT+7 | Đời sống

Có được cô con gái xinh đẹp và học giỏi nên mẹ H. thường tranh thủ đưa con theo ở những buổi tiệc hay các buổi gặp bạn bè, ai ngờ một ngày cô bé H. tuyên bố: “Mẹ đi đâu thì đi một mình, con đâu phải là đồ trang sức để mẹ khoe với bạn bè!”

Từ khoe con...

Hầu như các bà mẹ hay có thói quen gặp nhau là bàn tán, tâm sự về con cái, đó cũng là dịp để “khoe” con nên nhiều khi những đứa con cảm thấy bị áp lực khi trở thành đối tượng dò xét, so sánh của phụ huynh.

Có cả những trường hợp đứa trẻ cảm thấy khó hiểu về mẹ của mình, bởi lẽ ở nhà mẹ đánh giá về con khác, khi ra ngoài nhận xét lại khác, chê khen lẫn lộn làm trẻ hoang mang về mẹ cũng như về bản thân chúng! Nhiều bà mẹ hay nghiêm khắc với con vì cứ nghĩ chê bai con là để giúp trẻ biết nhìn nhận nhược điểm bản thân mà thay đổi, nên ở nhà con làm gì cũng bị la rầy, quở trách; bên cạnh đó muốn con ngoan hơn giỏi hơn thì cha mẹ lại hay so sánh con với trẻ khác với mong muốn con theo đó mà thay đổi. Mặt khác, bà mẹ nào cũng tự hào về con cái nên nếu có cơ hội khoe con thì người mẹ hết lời tâng bốc; chỉ có trẻ là bất ngờ khi đối diện với sự thật về mẹ, và băn khoăn tại sao ra ngoài mẹ mình lại thay đổi 180 độ như thế!


Đến chê con

Trẻ tuổi dậy thì rất nhạy cảm với nhận xét của người khác về mình, nếu đó là những lời đánh giá không đúng của cha mẹ, trẻ sẽ dễ phản ứng. Như Q. 16 tuổi được mẹ dẫn đến dự liên hoan cuối năm của cơ quan. Q. được đồng nghiệp của mẹ khen: “Cháu to cao đẹp trai quá!”, chưa kịp hãnh diện thì Q. cụt hứng bởi câu trả lời của mẹ: “Coi vậy chứ nó tồ lắm, chỉ được cái mã thôi”.

Con cái rất cần sự tôn trọng mà cha mẹ dành cho chúng trước mặt người khác. Cách phê bình con cái bằng chỉ trích, so sánh sẽ làm tổn thương lòng tự tôn của trẻ và dễ làm hình thành tâm lý tự ti, nhút nhát.

Cần hiểu tâm lý của con

Nhiều bà mẹ có con ở tuổi teen hay than là con cái không gắn bó với mình, không muốn đi cùng mình; đôi khi bị hụt hẫng khi thấy con xem bạn bè quan trọng hơn gia đình. Cùng với sự tăng lên về tuổi tác, quan hệ của con trẻ với cha mẹ dần dần xa ra. Khi sự phát triển tâm lý của trẻ chuyển sang giai đoạn mới là phát triển các mối quan hệ giao tiếp xã hội, cha mẹ nên thích nghi với nhu cầu thích độc lập của trẻ đồng thời nên tiếp cận con ở vai trò mới là một người bạn để lắng nghe con, chỉ bảo giúp chúng trưởng thành, như thế mới có thể rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ và con cái. Đừng vì sợ con xa mình mà cứ bắt ép trẻ làm “cái đuôi” của mình bởi đó không phải là cách hiệu quả. Khi có cảm giác được cha mẹ thật sự hiểu mình, xem cha mẹ như một người bạn lớn, trẻ sẽ có nhu cầu gắn bó với cha mẹ.

LÊ THUẬN, LỚP 11B11, TRƯỜNG THPT BÀ ĐIỂM: Chỉ nên dẫn con theo những nơi có không khí gia đình

Được dắt đi, lúc đầu em rất háo hức. Tuy nhiên, khi nhập cuộc rồi thì em cảm thấy rất khó khăn để thích nghi vì người lớn bàn bạc, rồi so sánh con cái của họ, thậm chí còn có cả rượu bia, những lời khiếm nhã từ môi trường quán bình dân. Còn đi với mẹ, em lại thấy đau đầu khi những bà mẹ cứ mang con mình ra so đo khiến chúng em không được thoải mái. Em nghĩ, bố mẹ chỉ nên dẫn con theo những nơi có không khí gia đình.

ĐẶNG MINH DUYÊN, LỚP 12A1, THPT LƯU VĂN LIỆT: Chưa chắc con trẻ hoà đồng được với không gian người lớn

Ba mẹ em làm trong ngành kinh doanh nên đôi khi dắt em theo để em biết cách giao tiếp. Theo em, ba mẹ chỉ nên dắt con theo trong những cuộc giao tiếp với bạn làm việc thôi, còn những cuộc vui chơi thì nên để mọi người có không gian riêng. Chưa chắc con trẻ hoà đồng được với không gian người lớn và người lớn cũng sẽ không thoải mái khi có trẻ em.

BÙI MINH TRANG, LỚP 11B1, THPT LÝ THƯỜNG KIỆT: Chỉ nên dẫn con cái theo khi du lịch

Mẹ em cũng hay dẫn em đi chơi, đi du lịch cùng bạn bè của mẹ. Những lần đi như thế làm tình cảm mẹ con gắn bó hơn, hiểu nhau hơn. Nhưng nhiều lúc mẹ hay dẫn em đi ăn cùng các cô bạn của mẹ mà em thì chẳng quen biết ai cả. Cứ ngồi ăn xong rồi lại chơi một mình. Theo em thì những trường hợp như đi du lịch thì nên dẫn con cái theo nhưng cũng phải tuỳ vào hoàn cảnh và tâm trạng lúc đó nữa.

ANH VŨ SĨ HOÀNG, QUẬN 9, TP.HCM: Nên hỏi con cái có thích theo mình hay không

Tôi nghĩ việc cha mẹ dẫn con đi chơi cùng cũng bình thường bởi đó là dịp để con trẻ chơi và kết bạn giao lưu với nhau. Con cái là tài sản lớn nhất nên cha mẹ nào cũng tự hào, và chuyện dẫn con đi để khoe là bình thường. Tuy nhiên, khi khoe con, khen con cũng nên tế nhị bởi nếu phô quá sẽ làm con xấu hổ, mất tự nhiên trong khi lại làm người đối diện bị tổn thương (nếu con họ không bằng mình). Và dẫn con theo cũng lựa chọn những dịp phù hợp, tuỳ địa điểm, tính chất chuyến đi, đặc biệt là nên hỏi xem con cái có thích hay không. Điều đó thể hiện sự tôn trọng con.

Theo SGTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm