Xóm nghèo tật nguyền kêu cứu

21/04/2009 17:52 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Những số phận không may

Một ngày nắng đẹp, tôi cùng đứa bạn là phóng viên báo Dân Trí về xã Đức Tiến - huyện Hưng Hà - Thái Bình viết bài theo lời kêu cứu của những người dân nơi này.

Chúng tôi quyết định tìm vào tận nhà anh Đặng Viết Cường, chị Đặng Thị Thơ, là cha mẹ đẻ của hai em Đặng Thị Phương và em Đặng Thị Phương Linh.

Vừa thấy có người lạ em Phương mặc dù đã 13 tuổi nhưng chỉ biết ngước mắt nhìn chúng tôi, còn em Linh 6 tuổi chỉ ú ớ trong vòng tay của bà nội.
 
Anh Cường, chị Thơ bên hai con

Anh Cường và chị Thơ cho biết “cháu Phương đã 13 tuổi nhưng chẳng biết nói, chẳng biết đi như những đứa trẻ bình thường. Khi cháu khát nước hay đói chỉ biết nhìn vào cốc nước, bát cơm khóc. Đã thế những sinh hoạt của cá nhân như đi vệ sinh cũng không làm chủ được”. Chị Thơ vừa dứt lời thì hai giọt nước mắt lăn dài lúc nào không hay, hai tay ôm hai đứa con vào lòng.

Anh Cường lại nói tiếp “cháu Phương Linh được 6 tuổi nhưng chỉ chập chững vài bước, nhưng chỉ dừng lại vài bước thôi còn đi tiếp là bị ngã dúi ngã dụi. Cả hai cháu chân tay càng ngày càng quắt lại, từ ngày sinh con ra chưa bao giờ được nghe hai cháu gọi một tiếng bố, tiếng mẹ. Nhìn con hàng xóm chạy ton ton ngoài ngõ mà thấy tủi thân. Làm lụng và tích góp được bao nhiêu là đưa hai cháu đi chạy chữa hết nơi này nơi kia, nhưng tất cả đều không có kết quả gì”

Nghe anh chị nói xong, lúc ấy tôi đang cầm máy ảnh bấm máy không hiểu tại sao tôi không thể bấm máy chụp ảnh được. Tôi thấy lòng mình dường như nghẹn lại, trong lòng tự dưng trào lên một cảm giác. Một cảm giác thật khó tả.

Khi bạn tôi hỏi đến chính sách của nhà nước đối với người tàn tật thì hai vợ chồng lại im lặng. “Khổ lắm, bao nhiêu lần làm đơn, bao nhiêu lần đi lên UBND xã, lên UBND huyện rồi nhưng xã nói lên huyện hỏi, còn huyện thì nói xuống xã. Từ ngày hai cháu sinh ra tới nay vỏn vẹn được 1 cân đường, 1 hộp sữa và 1 gói bánh vào dịp tết năm ngoái. Bậc làm cha, làm mẹ ai chả xót với đứa con của mình rứt ruột đẻ ra, nhưng ông Trời không công bằng,. 27 tết vừa rồi, tôi tức quá mang con lên UBND xã Đức Tiến đặt hai đứa con trước mặt ông chủ tịch xã đòi sự công bằng, hôm ấy xóm này nhiều người tàn tật cũng được người nhà đưa lên nhưng cũng bặt vô âm tín. Chúng tôi chỉ muốn các cháu được hưởng chế độ của Nhà nước, một phần để hai vợ chồng lo nuôi cháu nhưng phần lớn hơn là gia đình đỡ thấy tủi thân”
 
Vợ chồng anh Tiến

Gần nhà anh Cường là gia đình anh Ngô Văn Tiến năm nay 51 tuổi bị thần kinh bẩm sinh. Mọi sinh hoạt cá nhân người nhà phải lo, trí nhớ không có đi ra ngoài ngõ là không biết đường về. Nhìn anh ngồi ở cái giường ọp ẹp, tôi chào anh nhưng anh cứ trân trân nhìn tôi.

Chúng tôi chia tay gia đình anh Tiến đến gia đình anh Nguyễn Đức Trung 52 tuổi và chị Đỗ Thị Luyến. Biết trước có phóng viên sẽ vào làm việc nên chị Luyến đã mặc cho người chồng của mình một bộ quần áo mới và đặt anh nằm co ro trên chiếc giường. Anh Trung bị dị tật từ nhỏ, tất cả sinh hoạt phải nhờ vào vợ mình.

Đang làm việc thì người dân xóm giềng của thôn Dương Xá kéo đến chật kín căn nhà của anh Trung, phần đông là những người già cả. Có có người cầm tay tôi nói về nỗi bức xúc của xóm giềng với những số phận không may ấy. Tôi chẳng biết làm thế nào chỉ vâng, dạ và hứa sẽ làm hết sức mình.
 
Bị tâm thần nhưng vẫn không có chế độ

Đi tìm công lý

Buổi chiều chúng tôi có buổi làm việc với ông Vũ Thiên Long chủ tịch UBND xã Tiến Đức về việc giải quyết chế độ cho người nghèo và người tàn tật. Làm việc được một lát thì người dân kéo lên rất đông, đâu đó có tiếng khóc, tiếng ho khụ khụ của người già. Tôi chú ý nhất đến một người già được anh con trai đưa lên, trên tay vẫn cầm một tập hồ sơ xin giải quyết chế độ. Trong giây phút ấy, tôi ngước nhìn nét mặt của ông chủ tịch xã bỗng biến sắc, trên tay vẫn cầm nghị định 67/2007/NĐ-CP về việc giải quyết chế độ cho người tàn tật.

Làm việc với UBND xã xong chúng tôi không về Hà Nội ngay mà về lại nhà anh Cường. Nhưng không hiểu sao cứ nhìn hai em Phương và Phương Linh là tôi không thể nào kìm được nước mắt. Lẽ nào lại mất công bằng như thế, lẽ nào những mảnh đời lại trắc trở, bơ vơ như thế.

Lê Văn Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm