Trẻ em ở Gaza: Bạo lực đẻ ra bạo lực

24/11/2009 10:53 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tại dải Gaza có cả một thế hệ trẻ em Palestine lớn lên mà lối thoát gần như duy nhất là shahid (tử vì đạo). Số phận của cậu bé Subhi (10 tuổi) ở thành phố Beit Lahia, phía Bắc Gaza, là một ví dụ.

Chuyện của Subhi

Subhi là bệnh nhân đặc biệt của bác sĩ tâm lý Enser Zakut. Điều đặc biệt đầu tiên là Subhi không còn nhà cửa. Hồi tháng Giêng, xe ủi Israel đã san phẳng ngôi nhà của em. Trước đó, một quả bom của Israel đã rơi gần ngôi nhà này, làm Subhi bị thương ở đầu còn cậu em Ibrahim (9 tuổi) thì thủng ruột. Tỉnh dậy trong đống đổ nát, Subhi hiểu rằng đứa em trai đang hấp hối. Nó đặt nụ hôn vĩnh biệt lên trán Ibrahim. Xác cậu em còn nằm nguyên như thế trong suốt bốn ngày bên cạnh người thân vì bom đạn vẫn nổ rền xung quanh. Ibarhim là một trong số 250 trẻ em ở Gaza thiệt mạng do cuộc chiến khốc liệt đầu năm nay.


Sau đó, Subhi trở thành một con người khác hẳn. Vốn là học sinh giỏi nhất lớp, giờ đây cậu bé không thể ngồi học quá 5 phút. Bênh cạnh những điểm kém là thái độ hung hăng trước bạn bè và vô lễ với thầy cô. Trong mái lều tạm bợ của gia đình, Subhi thường xuyên gây sự với các em gái, đập nát đồ chơi mà chẳng có nguyên cớ gì. Gần như suốt ngày, Subhi ngồi lỳ trong quán net gần nhà để chơi game bạo lực.

Tờ RuNewsweek cho biết: Đúng hôm bác sĩ khám cho Subhi thì người bố phải đến trường để dự cuộc họp của Hội đồng Kỷ luật vì cậu bé lại hành hung bạn cùng lớp. Chị Vafa, mẹ của Subhi, than vãn rằng đứa con trai đã trở nên hung dữ, chẳng sợ ai và gia đình đành bó tay. Theo bác sĩ Enser Zakut, Subhi bị tổn thương và mang trong lòng nỗi tuyệt vọng vì không có ai che chở. Cuộc chiến cho cậu bé thấy rằng gia đình không phải là nơi trú ẩn an toàn, còn hình ảnh người bố thì gắn liền với sự bất lực. Tâm trạng này có thể biến Subhi thành một kẻ cuồng tín tôn giáo hoặc có những hành vi chống lại xã hội. Bác sĩ Zakut cho rằng, đây là “phản ứng bình thường trong hoàn cảnh không bình thường”.


Trẻ em Palestine ở dải Gaza là nạn nhân của bạo lực

Tâm lý tôn thờ bạo lực

“Phản ứng bình thường” của trẻ em Palestine ở dải Gaza như Subhi là con đường trực tiếp đi đến chủ nghĩa cực đoan. Điều hết sức nguy hại là ngay cả những đứa trẻ trong các gia đình có tư tưởng ôn hòa cũng dễ dàng trở thành những chiến binh máu lạnh. Điều này chẳng có gì khó hiểu vì ở dải Gaza, hình ảnh những người tử vì đạo được tôn vinh khắp nơi. Kênh truyền hình của Hamas (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo) mới đây đã phát cảnh một cậu bé 10 tuổi dõng dạc tuyên bố: “Vì Thánh Allah, chúng ta sẽ tiêu diệt bọn Do Thái”. Hamas đưa ra khẩu hiệu: “Allah là mục tiêu, Nhà tiên tri Muhammad là hình mẫu, Kinh Koran là hiến pháp, thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là sự thể hiện lòng trung thành”. Vì những lý do đó, Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel. Để thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo, đối với họ không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành thánh chiến.

Đại diện của Chương trình sức khỏe tâm lý cho người dân Gaza (GCMHP) nói rằng, mọi đứa trẻ ở đây đều bị tác động bởi tâm lý tôn thờ bạo lực. Đối với chúng, để đạt được mục đích thì phải dùng tới sức mạnh và sự hiếu chiến. Trong con mắt của trẻ vị thành niên Palestine ở Gaza, người có quyền lực tối thượng không phải bố mẹ mà là các chiến binh với khẩu súng trên tay.

Theo một cuộc thăm dò do GCMHP tiến hành thì trong số các em từ 6 đến 17 tuổi đã chứng kiến cuộc chiến gần đây nhất, có tới 50% nghĩ đến việc báo thù cho người thân. Ngoài ra, hơn 60% các em bị mắc hội chứng hậu chấn thương nặng nề và 99% cho rằng không ai có thể bảo vệ chúng. Cảm giác không được chở che lý giải cho tình yêu mãnh liệt của trẻ em Palestine ở Gaza đối với những khẩu súng đồ chơi. Súng giả phổ biến đến mức trong các ngày lễ, loại đồ chơi này được bày bán cả ở những tiệm bánh kẹo.

Thêm vào đó, trẻ em ở Gaza còn bị lôi kéo vào sự đối đầu chính trị nội bộ của người Palestine, giữa các chiến binh Hamas và phong trào Hồi giáo Fatah trung thành với Tổng thống Mahmoud Abbas. Tại các cuộc mít tinh, những đứa trẻ lên năm cũng phân chia theo “chiến tuyến” - một số phất phất lá cờ vàng bé tẹo, số khác thì cầm trong tay lá cờ xanh. Các chuyên gia của GCMHP cho biết những chương trình tuyên truyền do chính quyền ở dải Gaza tiến hành thường mang tính chất phân hóa xã hội về mặt tư tưởng và chính trị một cách cố ý. Từ đó tạo nên các hình mẫu giáo dục cho trẻ em hoàn toàn xa lạ với những giá trị chung của nhân loại như yêu chuộng hòa bình và thái độ khoan dung.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm