ĐSQ Mỹ bị tấn công vì bộ phim báng bổ Hồi giáo

14/09/2012 09:14 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Khi cơn thịnh nộ của thế giới Hồi giáo bùng lên bởi một bộ phim sản xuất ở Mỹ với nội dung lăng nhục họ, người ta mới tá hỏa đi tìm những kẻ đứng đằng sau màn chọc giận, và té ngửa khi phát hiện nhiều điều mờ ám có liên quan.

Bộ phim gây tranh cãi là một sản phẩm nghiệp dư mang tên "Innocence of Muslims" (Sự vô tội của những người Hồi giáo).

Báng bổ đấng tiên tri

Ít nhất một đoạn ngắn giới thiệu "tác phẩm" này đã có nhiều chi tiết báng bổ nặng nề đối với đấng tiên tri Muhammad vốn được sùng kính trong Hồi giáo. Mặc dù chỉ thu hút một lượng nhỏ người xem khi đoạn phim giới thiệu được tung lên mạng YouTube, nó đã tạo nên một cơn thịnh nộ lớn trong thế giới Arab, là nguyên nhân để người ta tấn công vào cơ quan sứ quán Mỹ ở Ai Cập và Libya. Các vụ bạo động đã gây nên cái chết cho đại sứ Mỹ ở Libya là Chris Stevens và 3 người khác, khiến nước Mỹ bị sốc.

Trong nỗ lực làm rõ danh tính những kẻ đã cho ra đời bộ phim trên, hãng tin AP đã mở một cuộc tìm kiếm và họ đã tình cờ gặp được một nhân vật theo đạo Thiên Chúa Trung Đông ở Ai Cập đang sống lưu vong ở California, Mỹ. Nhân vật này có tên Nakoula Basseley Nakoula, 55 tuổi, thừa nhận vai trò của mình trong việc quản lý và cung cấp cơ sở vật chất cho hoạt động sản xuất bộ phim tranh cãi.

Người biểu tình đã đốt cờ Mỹ và tấn công nhiều cơ quan ngoại giao Mỹ tại các nước Arab để thể hiện sự phẫn nộ trước bộ phim

Nakoula nói rằng ông là một người Thiên Chúa giáo Trung Đông ở Ai Cập và đã tham gia làm phim nhằm ủng hộ các quan ngại của người Thiên Chúa giáo Trung Đông trước việc bị người Hồi giáo ngược đãi.

Nakoula bác bỏ thông tin rằng ông là đạo diễn phim Sam Bacile. Mặc dù vậy số điện thoại mà hãng tin AP liên hệ để gặp viên đạo diễn đã dẫn họ tới cùng một địa chỉ ở gần Los Angeles, chính là nơi ở của Nakoula. Thân phận của người đàn ông này cũng rất đáng ngờ, bởi tờ tòa án liên bang nói rằng các bí danh khác của Nakoula gồm có Nicola Bacily, Erwin Salameh và một số tên khác.

Trong cuộc trao đổi tại nhà riêng, Nakoula đã cho phóng viên AP xem bằng lái xe với danh tính thực của ông ta, nhưng giữ ngón tay cái đè lên phần tên đệm là Basseley. Việc kiểm tra do AP tiến hành sau đó làm lộ ra rằng cái tên đệm này và nhiều dấu vết khác cho thấy Nakoula có các đặc điểm giống với Bacile.

Lợi dụng diễn viên

Nhân vật đạo diễn Sam Bacile này hiện đang là một ẩn số với báo chí Mỹ. Theo AP, ông ta đã lập một tài khoản trên mạng xã hội YouTube mang tên Sam Bacile và dùng nó để công bố các đoạn phim gây hấn hồi tháng 7 vừa qua.

Tài khoản này cũng được dùng để viết các bình luận gây hấn mang nội dung bảo vệ bộ phim. Bình luận gần đây nhất xuất hiện hôm 11/9, với nội dung viết bằng tiếng Arab: "Đây là phim Mỹ 100%, lũ bò ạ".

Trong một cuộc phỏng vấn ngắn với AP qua điện thoại, Bacile từng gọi đạo Hồi là một căn bệnh ung thư và ông ta định làm phim để phát ra thông điệp chính trị lên án tôn giáo này. Nhưng vài thông tin Bacile cung cấp rất đáng nghi. Bacile nói với AP ông ta 56 tuổi, nhưng tự khai trong hồ sơ YouTube rằng mình 74 tuổi. Bacile nói rằng ông ta đầu tư vào bất động sản, nhưng cái tên Bacile không xuất hiện trong danh sách những người được hành nghề này ở California. Ngành công nghiệp phim ở Hollywood và California cũng cho biết họ không thấy có dự án làm phim nào mang tên Innocence of Muslims.

Trong những lần tiếp xúc với AP và tờ Wall Street Journal, Bacile "nổ" rằng ông ta làm phim thành công nhờ quyên góp được 5 triệu USD từ khoảng 100 người Do thái hảo tâm. Ông ta cũng làm việc với 60 diễn viên và đoàn làm phim đầy nhiệt huyết, trong vòng 3 tháng vào năm ngoái. Song các diễn viên trong phim hôm 12/9 đã ra tuyên bố chung nói rằng họ bị đạo diễn lừa phỉnh, rằng một số câu thoại đã bị chỉnh sửa thô thiển trong quá trình hậu kỳ.

Cindy Lee Garcia, nữ diễn viên đã góp mặt rất ngắn trong đoạn clip giới thiệu phim, cho tờ Los Angeles Times biết rằng phim quay hồi năm 2011 trong một nhà thờ gần Los Angeles, với tên "Desert Warrior" (Chiến binh sa mạc). Đạo diễn nói với mọi người rằng đây là "phim lịch sử về vùng sa mạc Arab" có kinh phí rẻ. Không một diễn viên nào trong phim được gọi là Mohammad. Phim xoay quanh một nhân vật độc tài có tên Chủ nhân George.

Thế nhưng trong đoạn phim giới thiệu ở trên YouTube, nhân vật Garcia thủ vai đã gọi Chủ nhân George là Muhammad. Khi xem kỹ, người ta có thể thấy không một diễn viên nào xuất hiện khi từ "Muhammad" vang lên, hoặc miệng họ dường như đang nói một từ khác.

"Toàn bộ các diễn viên đã rất tức giận và cảm thấy bị nhà sản xuất lợi dụng" - Garcia cho biết - "Chúng tôi hoàn toàn không ủng hộ phim này và đã bị lừa phỉnh về ý định và mục đích của nó. Chúng tôi sốc trước việc kịch bản bị viết lại và những lời nói dối mà người ta đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi rất buồn vì các thảm kịch có liên quan".

Khi cảnh báo bị bỏ ngoài tai

Theo Los Angeles Times, cộng đồng người Thiên Chúa Trung Đông ở Ai Cập có mối quan hệ không được nồng ấm với người Hồi giáo chiếm đa số. Các xung đột về việc cải đạo, về các cuộc tình diễn ra giữa hai tôn giáo và hoạt động xây dựng nhà thờ/thánh đường đã diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi.

Kể từ khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị hạ bệ, người Thiên Chúa giáo ở đây đã lo ngại trước việc nhiều nhà thờ của họ bị tấn công. Họ đổ lỗi cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan, dù giới quan sát chỉ ra rằng nguyên nhân xuất phát từ những tranh chấp trong chính nội bộ những người Thiên Chúa giáo.

Giáo hội Thiên Chúa giáo Chính thống Ai Cập đã không ít lần lên án những người cùng tôn giáo sống ở nước ngoài đã bỏ vốn làm phim xúc phạm đấng tiên tri Muhammad. Nhưng có vẻ như những lời cảnh báo của họ đã chẳng được ai chú ý lắng nghe và rút kinh nghiệm.

Trong nỗ lực giảm bớt ác cảm nhằm vào Mỹ, công ty Google, vốn sở hữu mạng xã hội YouTube, đã dẫn lý do pháp lý để ngừng việc phát hình bộ phim gây tranh cãi ở Ai Cập và Libya. Tuy nhiên làn sóng bạo lực chống lại các cơ quan ngoại giao Mỹ vẫn đã kịp lan sang Yemen trong ngày 13/9, khi  hàng trăm người biểu tình tấn công đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sanaa, đốt phá một số xe mang biển ngoại giao và một số khu vực trong tòa nhà.

Tường Linh (Theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm