“Siết” lại các thủ thuật “đón lõng” giá thuốc

11/03/2011 11:20 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trước bối cảnh giá cả leo thang, người tiêu dùng đã bắt đầu tính đến việc “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm nhu cầu chi tiêu của mình, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp. Nhưng với thuốc, dù có đội giá đến mấy, người dân cũng phải cắn răng chịu, nếu không muốn sống chung với bệnh, hay “buông xuôi” sức khỏe, tính mạng mình.

Gần đây, báo chí đã nêu về hiện tượng đáng sợ là các doanh nghiệp kê khai giá thuốc cao ngất trời để “đón lõng” tăng giá, vì vậy họ thoải mái tăng giá thuốc mà không sợ bị phạt. Họ khai giá chênh lệch nhiều so với giá bán thực tế và tự ý điều chỉnh giá mà không tiến hành kê khai lại, đã gây ảnh hưởng tới sự bình ổn của thị trường thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế không thể làm ngơ trước hiện tượng này, ngày hôm qua 10/3, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bao giờ người bệnh mới hết bị “hành” vì giá thuốc? (Nguồn: SGGP)

Công văn do ông Nguyễn Việt Hùng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược ký cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cần lưu ý yêu cầu các cơ sở báo cáo giá thuốc kê khai để đối chiếu với giá niêm yết, giá bán thực tế nhằm phát hiện các trường hợp kê khai giá thuốc bất hợp lý. Trường hợp phát hiện, Sở Y tế cần yêu cầu các cơ sở kê khai lại giá cho phù hợp với giá bán thực tế và gửi về Cục Quản lý Dược. Theo đó, thường trực Tổ Công tác liên ngành xem xét việc kê khai, kê khai lại giá thuốc.

Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu cần rà soát và báo cáo cụ thể về giá thuốc đã kê khai, kê khai lại đang có hiệu lực; giá bán thực tế của tất cả các mặt hàng thuốc do cơ sở sản xuất, nhập khẩu. Đối với trường hợp các mặt hàng có giá đã kê khai chênh lệch nhiều so với giá bán thực tế của cơ sở, yêu cầu cơ sở kê khai giảm giá cho phù hợp... Cục Quản lý Dược cũng nhấn mạnh, trong trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh dược không tiến hành rà soát, báo cáo và kê khai theo yêu cầu của Cục, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Còn nhớ, trong năm 2010, Cục Quản lý Dược đã xử lý nhiều vi phạm về vấn đề giá thuốc như tạm dừng cấp số đăng ký hoặc giấy phép nhập khẩu của 12 cơ sở sản xuất, cơ sở đứng tên đăng ký thuốc và cơ sở nhập khẩu thuốc. Tạm dừng cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu thuốc của 10 công ty nước ngoài. Chuyển Sở Y tế TP.HCM xử lý hành chính 5 cơ sở và Sở Y tế Hà Nội xử lý 4 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc. Hy vọng, lần này, các cơ quan chức năng thực sự “mạnh tay” với những lời “khai gian”, để giá thuốc được “bình ổn”, để người bệnh đỡ khổ.

Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm