Giá thuốc thoải mái tăng... không sợ phạt?

04/03/2011 12:51 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), muốn tăng giá thuốc thì doanh nghiệp phải xin kê khai lại và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý thì mới được tăng nếu không sẽ bị xử phạt! Thế nhưng trong đợt kiểm tra thị trường thuốc ngày 3/3 của Sở Y tế TP Hà Nội đã có một thực tế xảy ra là giá thuốc bán buôn, bán lẻ được cập nhật thời điểm này chỉ bằng, thậm chí thấp hơn giá doanh nghiệp đã kê khai 3 năm về trước.

Điều này giải thích vì sao, trong 3 năm qua, giá thuốc dù đã điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn thấp hơn giá doanh nghiệp đã đăng ký với Cục Quản lý Dược. Vì thế mà giá thuốc cứ tăng nhưng cơ quan quản lý thì không thể xử phạt? Phải chăng đó là “chiêu đón lõng” nhằm lách luật của các doanh nghiệp thuốc.

Giá bán thấp hơn giá kê khai giá từ… 2007

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội

Tại trung tâm dược phẩm Ngọc Khánh, qua kiểm tra quầy bán hàng của Công ty TNHH một thành viên dược phẩm TƯ 1, đoàn kiểm tra phát hiện có tới hơn 30 mặt hàng thuốc tăng giá với mức tăng chủ yếu là 5%, một số loại tăng cao, cá biệt có thuốc Clorocid 0,25g tăng tới 26%, Oxytocin (ống) của Đức tăng 10%... Kiểm tra quầy hàng của Công ty Sao Thái Dương, đoàn cũng phát hiện có 9/11 mặt hàng tăng giá từ 15 -25%. Công ty Cổ phần Dược phẩm Bến Tre có một số mặt hàng tăng giá trên 30% như Lidocain (dạng phun mù) tăng từ 88.200 đồng lên 115.500 đồng/chai (tăng 31%), Cavinton F 10mg viên nén tăng từ 3.360 lên 4.515 đồng/viên (tăng 34%). Công ty Dược phẩm Fitopharma cũng có một số mặt hàng tăng giá như: Fitogra - F hộp 22 viên tăng từ 60.000 đồng lên 68.000 đồng/hộp (tương đương 12%), hộp 40 viên tăng từ 118.000 đồng lên 131.000 đồng/hộp (tăng 11%)... Công ty Cổ phần Trapharco có mặt hàng tăng từ 17 đến 25%, Công ty Domesco có 14/249 mặt hàng tăng giá với mức từ 8 đến 21%...

Qua kiểm tra trực tiếp sổ sách của các gian hàng kinh doanh thuốc cho thấy có một thực tế nhiều loại thuốc tăng giá thoải mái trong những năm qua nhưng vẫn chưa bằng giá mà doanh nghiệp đăng ký kê khai ban đầu với cơ quan chức năng. Thậm chí, có một số mặt hàng thuốc, mặc dù giá bán đã kê khai với Cục quản lý Dược từ năm 2007 nhưng đến nay sau nhiều lần điều chỉnh tăng giá thì giá bán vẫn chỉ bằng, thậm chí thấp hơn giá đã kê khai. Như tại quầy của Công ty TNHH một thành viên dược phẩm TƯ 1, thuốc Boganic giá kê khai là 1.500 đồng/viên nhưng giá bán niêm yết chỉ là 1.050 đồng/viên nang nén. Hay thuốc Calcium D của Công ty Dược phẩm Thắng Lợi, giá kê khai từ năm 2007 là 13.500/hộp, và cho dù đã điều chỉnh tăng giá nhiều lần nhưng giá bán chỉ vẫn là 13.500 đồng/hộp; thuốc Furoxingo giá kê khai và bán bằng nhau là 49.000 đồng/hộp... Thuốc clorocid 0,25gr giá bán hiện nay là 284đồng/viên, tăng 20% so với giá cũ. Nhưng giá kê khai đăng ký lên tới 294đồng/viên.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội làm việc tại Trung tâm Dược phẩm Ngọc Khánh
Giá vẫn tăng nhưng không thể xử lý?

Từ thực tế này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhận định, có khoảng 70% mặt hàng có giá bán thực tế bằng hoặc thấp hơn giá kê khai hoặc kê khai lại, cá biệt có một số thuốc giá bán chỉ bằng 30-40% giá kê khai như mỡ Tetraciclin, Calcipholinat...

Khi giải thích về sự vô lý của giá kê khai và giá bán, ông Cường lại cho rằng, Sở Y tế chỉ có chức năng kiểm tra thị trường xem doanh nghiệp có bán đúng với giá niêm yết và giá kê khai hay không. Còn chuyện vênh nhau như thế nào là do quy định của cơ quan quản lý!

Theo pháp lệnh Giá, Luật dược và Nghị định 79 hướng dẫn thi hành Luật dược, Nhà nước quản lý giá theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp dược hiện nay sẽ căn cứ vào giá nhập khẩu (giá CIF), cộng thêm tỷ giá ngoại tệ hiện thời, cộng thêm các chi phí phát sinh (30%) để định giá thuốc bán trong nước. Ngoài ra, giá thuốc khi vào các cửa hàng bán lẻ đều phải cộng thêm ít nhất 10% chi phí hoa hồng. Tuy nhiên, quy định này đang có sơ hở. Trên thực tế, các doanh nghiệp khi nhập khẩu thuốc chỉ khai báo giá CIF với cơ quan hải quan (giá CIF khai báo nhiều khi cũng không được kiểm chứng) rồi đưa ra thị trường bán. Cơ quan quản lý giá thuốc chỉ tiến hành hậu kiểm. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp “lách luật” tăng giá thuốc mà cơ quan chức năng không thể xử lý được, còn người dân thì phải hứng chịu mọi gánh nặng từ việc giá thuốc tăng.

Ông Nguyễn Việt Cường cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã họp với 31 công ty, chi nhánh sản xuất, kinh doanh thuốc thì có 20 công ty báo cáo điều chỉnh giá thuốc, với 240/4.000 mặt hàng. Biên độ điều chỉnh từ 3 đến 30%.

Các loại thuốc được điều chỉnh tăng giá nhiều nhất gồm: kháng sinh, vitamine và khoáng chất, giảm đau chống viêm, đông dược, tim mạch, thuốc điều trị ung thư, dịch truyền, tuần hoàn não, một số vaccine và sinh phẩm... Sắp tới Sở Y tế sẽ thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra tại các công ty sản xuất, nhập khẩu, bán buôn bán lẻ thuốc về thực hiện quản lý giá thuốc.

Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm