Góc nhìn 365: Đánh thức những cây cầu 'khô cứng'

09/05/2024 06:46 GMT+7 | Văn hoá

Một dự án nghệ thuật công cộng độc đáo vừa được khánh thành cuối tuần qua, với chủ thể là cây cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - công trình vốn đã quen thuộc với người dân Thủ đô trong 10 năm trở lại đây.

Tại đó, trên các trục cầu thang lên xuống lẫn chiều dài gần 50 mét của cầu, một loạt các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đã được sơn, vẽ và bố trí - để rồi cộng cùng hệ thống chiếu sáng ban đêm biến cây cầu này thành môt không gian tràn đầy ánh sáng và màu sắc.

Đây là dự án được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và một nhóm họa sĩ thực hiện.

Như lời Nguyễn Thế Sơn, qua quan sát, cây cầu bộ hành này (xây dựng từ 2014) có mặt cầu khá thiếu ánh sáng vào buổi tối. Do vậy, các nghệ sĩ muốn biến nơi đây thành một không gian vui tươi sinh động. Nhất là khi, cầu đặt cạnh trường tiểu học Trần Nhật Duật và được rất nhiều em học sinh thường xuyên sử dụng.

Góc nhìn 365: Đánh thức những cây cầu 'khô cứng' - Ảnh 1.

Công trình nghệ thuật công cộng biến cầu đi bộ Trần Nhật Duật trở thành một tác phẩm nghệ thuật công cộng hấp dẫn. Ảnh: BTC cung cấp/VOV

Bắc qua đường Trần Nhật Duật để dẫn ra khu dân cư ngoài đê sông Hồng, vị trí của cầu đi bộ này cũng có thể coi là một nơi gắn với sông Hồng trong lịch sử. Ở một góc độ khác, theo các nghệ sĩ, phần vòm nhựa uốn cong trên mái cầu gợi liên tưởng tới thế giới trong thủy cung vốn rất hấp dẫn trẻ em. Do vậy, "nước" là chủ đề xuyên suốt các tác phẩm tại đây.

Chẳng hạn, tác phẩm "Thuỷ cung" của Vũ Xuân Đông cung cấp các loại cá, mực, sứa… được làm từ làm từ chất liệu tái chế, được hấp thụ ánh sáng bởi hệ thống đèn led hoặc đèn hắt dọc từ vòm cầu. Tác phẩm "Sóng" của Lê Đăng Ninh gợi mở ký ức về những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa, xen giữa là hình ảnh vẽ tay tái hiện những người lao động tại Hà Nội đầu thế kỷ XIX trong tư liệu thời Pháp.

Hoặc, phía chân cầu là các bức "Cá chép vượt Vũ Môn" của Cấn Văn Ân từ mẫu tranh dân gian Hàng Trống, vốn là ước vọng thường được gửi gắm kèm theo sĩ tử. Chưa hết, cây cầu còn có cả những bức vẽ 3D trên trụ cầu, trên tường đê với hình nước chảy tràn hoặc hình những con thuyền giấy rất thân thuộc với tuổi học trò.

***

Biến một cây cầu có hình dáng khởi thủy khá bình thường (thậm chí có phần thô kệch vì bị bao phủ bởi nhiều biển pano, đèn led quảng cáo) thành một không gian mang tính thẩm mỹ cao - đó là điểm tích cực đầu tiên có thể nhận thấy ở các dự án này.

Xa hơn, với việc dẫn từ khu vực phố cổ sang vùng dân cư ngoài đê sông Hồng thuộc quận Hoàn Kiếm - nơi có một số dự án nghệ thuật cộng đồng được triển khai trong thời gian qua - có thể coi đây là công trình mở ra sự cộng hưởng giữa 2 không gian đặc thù: Không gian văn hóa cũ của phố cổ và không gian sinh thái - nghệ thuật mới hình thành ven sông.

Như lời họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, các nghệ sĩ kỳ vọng một tour đi bộ trải nghiệm nghệ thuật công cộng sẽ sớm hình thành từ những công trình này - trong đó, vai trò kết nối của cầu đi bộ Trần Nhật Duật là vô cùng quan trọng.

Nhìn ở góc độ rộng, Hà Nội hiện có khoảng 70 cầu bộ hành trải trên địa bàn thành phố. Phần lớn những cây cầu này vẫn đảm nhiệm chức năng đơn thuần, trong đó không ít trường hợp cũng không được đầu tư nhiều về hình thức thẩm mỹ. Thậm chí, tại một số nơi, cầu đi bộ cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc thu hút người sử dụng, bởi trái với thói quen ưa giản tiện khi… liều băng qua đường.

Bởi thế, từ chức năng chỉ kết nối 2 điểm đến, việc "đánh thức" một cây cầu bộ hành thành một không gian nghệ thuật mà… ai cũng muốn thử đi qua là một "lời giải" thú vị và độc đáo. Tất nhiên, đó phải là câu chuyện của sự sáng tạo - bởi không phải cây cầu nào cũng có thể hội tụ nhiều ưu điểm để được dễ dàng "đánh thức". Và rộng hơn, đó còn phải là câu chuyện thu hút nguồn lực từ các biển quảng cáo, hay sự gia tăng giá trị từ quỹ đất 2 đầu cầu, để có thể thuận lợi nhân rộng những trường hợp như cầu đi bộ Trần Nhật Duật.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm