Dấu hỏi về tính giải trí của V-League

20/05/2024 05:44 GMT+7 | Bóng đá Việt

Kể từ sau đợt tập trung cho đội tuyển U23 dự VCK châu Á đến nay, chỉ trong vòng 15 ngày, Night Wolf V-League 2023/24 đã đá 4 vòng đấu, tức là nhiều đội phải chơi với mật độ 3 ngày/trận. Chưa hết, từ nay đến cuối tháng, họ sẽ phải tiếp tục đá dồn 3 vòng trong vòng 9 ngày.

Từ ngày 3 đến 31 tháng 5, V-League mùa giải 2023/24 diễn ra 7 vòng đấu. Mật độ là 4 ngày/trận, có thể nói là một kỷ lục không chỉ của bóng đá Việt Nam. Thêm nữa, các cầu thủ trong độ tuổi U23 mà có được gọi lên đội tuyển quốc gia như trường hợp Khuất Văn Khang thì sẽ còn rơi vào mật độ khủng khiếp hơn, tức là cộng thêm 4 trận ở giải U23 châu Á và 2 trận sắp tới ở vòng loại World Cup. Tính chung là sẽ đá 12 trận trong chưa đầy 2 tháng. Khủng khiếp!

Dấu hỏi về tính giải trí của V-League - Ảnh 2.

Mật độ thi đấu dày đặc cộng với việc phải di chuyển liên tục khiến các cầu thủ bị hao hụt rất nhiều thể lực trong thời gian vừa qua. Ảnh: Hoàng Linh

Tạm bỏ qua yếu tố sức khỏe cầu thủ, hậu quả nhãn tiền của việc đá dồn dập bất kể thời gian chính là sự sụt giảm đáng báo động về lượng khán giả đến sân. Các con số trung bình/trận lần lượt từ vòng 16 đến vòng 19 là 4.214 – 5.429 – 4.216 – 4.775.

Trong khi đó, số khán giả bình quân vòng 15 (trước U23 châu Á) là 7.071. Chính 4 vòng đấu gần nhất của V-League đã làm cho số khán giả bình quân toàn mùa từ mức 7.800 rơi xuống còn khoảng 6.000 người/trận.

Tất nhiên là việc đá dồn dập để bảo đảm tiến độ thi đấu như vậy cũng có những "lý do chính đáng" và về lý thuyết là đã có sự đồng thuận từ nhà tổ chức đến CLB. Thế nhưng, việc chúng ta dễ dàng thoả hiệp để "hy sinh" các lợi ích của V-League đã cho thấy một sự thật: Chẳng ai quan tâm đến tính giải trí của V-League cả. Cứ xếp lịch mà đá cho xong, không cần biết đó là ngày đầu tuần hay giữa tuần, rồi 2 trận liên tiếp trên sân nhà trong vòng 3 ngày thì liệu người hâm mộ có cảm thấy "ngộp" khi mua vé hay không. Tóm lại, mọi thứ sẽ gói gọn trong cái gọi là "vì cái chung" mặc dù chẳng ai giải thích "cái chung" ấy cụ thể là gì.

Như đã nói, điều đáng bàn là việc dễ dàng chấp nhận một lịch thi đấu không đem lại lợi ích cho ai. Phải chăng nó phản ảnh một tư duy làm bóng đá "theo nghĩa vụ" rất đáng lo ngại. Số lượng khán giả sụt giảm trong 4 vòng gần nhất rất đáng báo động, bởi người hâm mộ bây giờ khá tinh tường. Họ không thể bỏ thời gian của một ngày làm việc bình thường để đi xem các trận đấu có rất ít ý nghĩa về thành tích.

Bóng đá nói cho cùng chỉ là một trò chơi, tính giải trí mà ít thì khán giả cũng sẽ ít. Ngày trước, chỉ riêng chuyện giữa bầu Thắng – bầu Đức - bầu Hiển "kèn cựa" nhau trên truyền thông cũng đã tạo ra sự hấp dẫn cho các trận đấu dù bóng chưa lăn. Xem ra ngày đó chưa có mạng xã hội phát triển nhưng người làm bóng đá đã biết tại ra "trend" cho mình và khiến V-League hấp dẫn một cách… rất bóng đá.

Bây giờ thì sao, không còn ông bầu nào cả. Công Phượng lúc mới sang Nhật Bản còn phải cùng đồng đội đi phát tờ rơi ở nhà ga tàu điện mời công chúng đến sân, còn tại Việt Nam, liệu có bao nhiêu cầu thủ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội để vận động khán giả đến sân xem mình thi đấu. Hình như, họ chủ yếu dùng trang cá nhân của mình để quảng cáo sản phẩm và xây dựng hình ảnh cá nhân.

V-League cần thêm các yếu tố giải trí đặc trưng của nó dành cho những người yêu bóng đá. Đó là cách để cứu vãn tình trạng sụt giảm khán giả ở giai đoạn cuối mùa khi xuất hiện ngày càng nhiều các trận đấu vô thưởng vô phạt khi cuộc đua vô địch thu hẹp ứng viên và đội xuống hạng bị nhận diện sớm.

Thực tế thì tính chất của các trận đấu không phải lúc nào cũng "nóng", nhưng nếu đội bóng có mối liên hệ mật thiết với CĐV của mình thì người ta vẫn đến sân để xem cầu thủ cống hiến. Nghĩa là đôi khi, CĐV đến sân chỉ để thư giãn, một dịp gặp gỡ nhau hay đơn giản hơn là tận hưởng ngày cuối tuần thoải mái.

Cứ lấy trường hợp của sân Thiên Trường của Nam Định. Số lượng khán giả mùa này đến sân cũng chẳng cao hơn so với những mùa trước, cho dù đây là thời điểm có tính lịch sử đối với bóng đá thành Nam khi chức vô địch V-League đầu tiên đang đến rất gần. Nghĩa là dù đội nhà có chơi bóng khốn khổ để trụ hạng, hay thăng hoa tưng bừng trên ngôi đầu, thì thứ khiến người ta đến sân vẫn là cách cầu thủ chơi bóng dưới sân.

Thế nên, khi những người làm bóng đá dễ dàng thoả hiệp với một lịch thi đấu mà chính họ cũng thấy mệt mỏi, thì liệu có mấy ai quan tâm đến yếu tố giải trí nữa.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm