Ra mắt ban tư vấn đạo đức VPF: Sạch bóng tiêu cực?

22/02/2013 10:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với bộ nhận diện thương hiệu, ban tư vấn đạo đức của VPF đã ra mắt báo chí vào chiều qua.

Bộ nhận diện thương hiệu (ghép bằng 3 chữ V trên nền hình tròn làm chủ đạo), nói thì to tát, nhưng trên thực tế đó chỉ là cái logo của VPF sau một năm Cty này được thành lập và điều hành các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam. Cũng với lễ công bố tại hội trường tòa nhà tập đoàn truyền thông Thanh Niên (TP.HCM) vào chiều qua, ban Tư vấn Đạo đức (TVĐĐ, với 7 thành viên, bao gồm ít nhất 5 nhà báo và 2 chuyên gia bóng đá lão thành-PV) cũng ra mắt báo chí…

Logo mới của VPF (hay còn gọi là bộ nhận diện thương hiệu) là hình tròn quả bóng với 3 chữ V ghép lại. Ảnh: Quang Nhựt

VPF có gì để bán?

Theo trình bày của đơn vị thiết kế logo VPF (hay còn gọi là bộ nhận diện thương hiệu), hình tròn quả bóng với 3 chữ V ghép lại được thực hiện khá công phu và từ hơn… 3 tháng nay. Ngoài sự phát triển có logic của từ logo, biểu tượng những giải đấu, các CLB hàng đầu thế giới (tức lý tính)…, phần cảm tính cho sự ra đời của bộ nhận diện thương hiệu này cũng được trình bày khá tỉ mỉ từ những video clip ghép lại cảm xúc của CĐV, của màu cờ sắc áo...

Cũng theo đó, một loại các thương hiệu của VPF sẽ được đính kèm logo vừa được công bố, từ các bảng quảng cáo trên sân, đến bục nhận danh hiệu, trên các tấm huy chương, Cúp, cờ và cả những chiếc xe ôtô của BTC, nhằm phục vụ giải đấu, đưa rước các đoàn khách… Rất hoành tráng và công phu, hoàn toàn không giống như cái lần VFF tổ chức một cuộc thi thiết kế logo cho tổ chức này cách đây không lâu. Nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây là, VPF có cái gì để bán và liệu cái thương hiệu của Cty này có đủ sức hấp dẫn với người tiêu dùng hay không?

Đó chắc chắn không phải là những trận đấu mà khán đài vắng như chùa Bà Đanh; chuyện một ông chủ sở hữu vài đội bóng gây nhức nhối dư luận; cũng chẳng phải tiền bản quyền truyền hình đắt đỏ như hứa hẹn, khi chất lượng chuyên môn của giải đấu không đủ hấp lực người hâm mộ và càng khi một bộ phận người xem vẫn quen được miễn phí… Tất cả đều biết rằng, cánh cửa SVĐ (nơi soát vé) mới quyết định sự sống còn của nền bóng đá, của giải đấu, chứ chẳng phải sự hào nhoáng của cái… logo!

Tiêu cực hết đất sống?

“Ban TVĐĐ sẽ hoạt động độc lập với nguồn kinh phí tự vận động, trong đó 2 hoạt động hàng đầu sẽ là phối hợp phòng chống và ngăn ngừa tiêu cực bằng việc tư vấn cho HĐQT VPF và BTC giải về các trận đấu nhạy cảm, các sự việc liên quan đến đạo đức của đối tượng là thành viên của giải có thể nảy sinh trong quá trình thi đấu; tập trung theo dõi và có hướng xử lý các thông tin qua từng trận đấu, vòng đấu để có đánh giá tương đối đầy đủ về các biểu hiện phi thể thao, đề nghị cách giải quyết các sự cố đến Ban kỷ luật…”, trích quy chế ban TVĐĐ.

Rất nhiều chức năng (và cả quyền hạn) của ban TVĐĐ, mà người trong cuộc không ngần ngại công bố và có cảm giác như với sự ra đời của ban này, ban Kỷ luật vốn tồn tại từ trước đến nay sẽ trở nên thừa thãi. Trả lời câu hỏi của TT&VH về việc làm thế nào để ban TVĐĐ có thể sử dụng cho các chức năng (nặng nề và quan trọng) mà họ tự nhận, trưởng ban Nguyễn Công Khế cho rằng, phòng bao giờ cũng tốt hơn chống và “chúng tôi sẽ cố gắng ngăn chặn các vấn đề tiêu cực từ trong trứng nước”.

“Ban TVĐĐ đã làm việc với… công an, cũng như rất nhiều những ban ngành khác, những cá nhân, tổ chức, giới luật gia, báo chí và cả giới chuyên môn…, chúng tôi cam kết rằng luôn có đủ những vệ tinh cũng như phương tiện để đưa các sự vụ tiêu cực ra ánh sáng. Với sự công tâm, liêm khiết, làm việc trên tinh thần tự nguyện của các thành viên, ban TVĐĐ tin tưởng tuyệt đối vào lộ trình mà mình đã vạch ra”, ông Nguyễn Công Khế chắc nịch. 

TÙY PHONG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm