Nỗi lo tháng cận Tết: 10/11 nhóm hàng hóa tăng giá

25/01/2011 14:56 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 24/1, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng đầu năm 2011 và đưa ra dự báo về chỉ số này trong tháng 2 - thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán Tân Mão. Theo đó, giá lương thực, thực phẩm thuộc nhóm hàng tăng cao nhất trong tháng 1 và sẽ tiếp tục tăng “nóng” khi người dân ăn Tết.

TCTK cho biết, CPI tháng 1 của cả nước đã tăng tới 1,74% so với tháng 12/2010 và tăng 12,17% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là mức tăng cao so với các tháng đầu năm trong 10 năm trở lại đây, mức tăng này chỉ thấp hơn mức “bất thường” của tháng 1/2008.

Tăng mạnh do Tết, do rét và…

Có 10 trong tổng số 11 nhóm hàng hóa tăng giá, với mức tăng từ 0,36 đến 2,89%. Dẫn đầu về mức tăng là nhóm giáo dục với mức tăng 2,89%. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 2,47%; trong đó lương thực tăng 2,28% và thực phẩm tăng 2,74%. Điển hình như dầu ăn tăng 7,4%; bánh mứt kẹo tăng 3,17%; sữa nội tăng 2,07%... các loại thịt chế biến đóng hộp cũng tăng 2,54%. Riêng giá thịt lợn, loại thực phẩm phổ biến nhất đã tăng giá mạnh với mức 4,98% so với tháng 12/2010; trong đó giá thịt lợn thăn hiện ở mức 85 đến 95 nghìn đồng/kg.

Người dân bắt đầu sắm Tết
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Giá TCTK, bên cạnh nhu cầu sắm Tết tăng, mức tăng CPI cao là do nhiều tỉnh trong cả nước bắt đầu tăng học phí giáo dục từ ngày 1/1. Việc doanh nghiệp bắt đầu tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1 cộng với thưởng Tết đã khiến sức mua của thị trường tăng lên.

Bên cạnh đó, trong tháng 1, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tại miền Bắc khiến giá cả của hầu hết các loại quần áo may sẵn mùa Đông, giá thiết bị sưởi ấm tăng cao. Ngoài ra, giá gas tăng 2,55%, giá vật liệu xây dựng tăng, cũng là các nguyên nhân kéo CPI tháng 1 tăng mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Đức Thắng nhận định, tháng 2 tới trùng với tháng Tết Nguyên đán trong khi năm nay, số ngày nghỉ Tết kéo dài tới 8 ngày liên tục nên chắc chắn nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí. Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 sẽ còn cao hơn nhiều so với tháng 1.

TP.HCM: Lo các mặt hàng Tết sẽ tăng giá đột biến

Trong cuộc họp tháng 1 của UBND TP.HCM diễn ra hôm qua 24/1, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo: Nếu không quản lý chặt chẽ thì cận Tết sẽ xảy ra tăng giá đột biến. Sở Công thương cần phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa và điều tiết các mặt hàng chủ lực tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá dịp Tết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ các sở, ngành bày tỏ lo ngại về nguy cơ giá cả các mặt hàng phục vụ Tết sẽ tăng đột biến. Hàng thực phẩm tươi sống sẽ là nhóm có khả năng tăng cao nhất.

Theo báo cáo của Sở Công thương, CPI tháng 1 tăng 1,01% so với tháng trước và tăng 9,29% so với cùng kỳ. Theo đó có 3 loại nhóm hàng đã tăng cao hơn so với mức trung bình gồm: đồ uống và thuốc lá tăng 1,06%, nhà ở, điện nước, hàng dịch vụ ăn uống tăng 1,35%, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,21%,...

Nỗ lực bình ổn

Hiện tại, việc chuẩn bị hàng hóa bình ổn phục vụ Tết đã được các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng. Có 2.100 điểm bán hàng bình ổn trên toàn thành phố được các doanh nghiệp tham gia, chiếm 30% nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn sẵn sàng cung ứng 39 nhóm hàng hải sản, có giá thấp hơn thị trường từ 3 - 5% trong dịp Tết.

Bà Quách Tố Dung, PGĐ Sở Công thương TP.HCM khẳng định: Lường trước những nguy cơ tăng giá đột biến trong mùa Tết và chuẩn bị cho nguồn hàng Tết, Sở đã giao nhiệm vụ cho các chợ đầu mối phải tăng cường lượng hàng cung cấp về các chợ lẻ và nhất quyết không để khan hiếm hàng hóa. Các cơ quan Quản lý Thị trường tại các quận, huyện phải phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý Thị trường thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời những hiện tượng găm hàng nhằm tăng giá.

Tuy nhiên, bà Bùi Hạnh Thu, PGĐ Saigon Co.op Mart nhận định: “Các mặt hàng bình ổn chuẩn bị đầy đủ. Cái khó nhất là hàng thực phẩm tươi sống không thể trữ lâu, cho nên những ngày cận Tết, mặt hàng này tại các chợ sẽ tăng giá là điều khó tránh khỏi”.

Bà Thu cho biết, tính đến thời điểm này, sức mua sắm tại các siêu thị đã tăng gấp đôi so với ngày thường và sức mua đã tăng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện siêu thị Co.op Mart đã mở cửa sớm hơn 1 tiếng và đóng cửa trễ hơn 1 tiếng so với trước.

Phương Linh - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm