Người Đức chấm dứt cơn khát 3 thập kỷ tại Olympic

25/06/2015 06:54 GMT+7 | Bóng đá Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận hòa 1-1 với đội chủ nhà CH Czech, HLV Horst Hrubesch thở phào nhẹ nhõm. Đội bóng của ông đã chính thức giành vé dự Olympic Rio 2016, và mục tiêu bây giờ sẽ là chức vô địch U21 châu Âu.  

Đó không phải màn trình diễn thuyết phục nhất của đội bóng được đánh giá là mạnh nhất bảng, thậm chí là nhất giải, với những cái tên đáng chú ý như Ter Stegen (Barcelona), Emre Can (Liverpool), Serge Grabry (Arsenal), Max Meyer (Schalke 04), và Kevin Volland (Hoffenheim). Họ vào bán kết với vị trí nhì bảng sau 1 trận thắng và 2 trận hòa.

Cơn khát 27 năm

Dù đã từng 4 lần vô địch thế giới, nhưng người Đức chưa một lần giành HCV Olympic. Thậm chí, lần gần nhất họ được tham dự Thế vận hội mùa Hè diễn ra cách đây gần ba thập kỷ. Tại Seoul 1988, thế hệ của Juergen Klinsmann, Thomas Hassler, Karl-Heinz Riedle đã giành được tấm huy chương đồng, và chỉ hai năm sau, những ngôi sao ấy đã lên ngôi vô địch thế giới.

Nhưng sau đó là cơn khát tưởng chừng như vô tận. 6 kỳ Thế vận hội liên tiếp, người Đức vắng mặt dù trong khoảng thời gian ấy, họ tiếp tục sản sinh ra hàng loạt ngôi sao như Mario Basler, Oliver Kahn, Michael Ballack, Miroslav Klose, Thomas Mueller, Mesut Oezil, Mario Goetze,…

Giải vô địch U21 châu Âu cũng chính là vòng loại Olympic. Tuy nhiên, giải đấu này diễn ra 2 năm một lần trong khi Olympic thì 4 năm một lần. Đó là lý do tại sao lứa Manuel Neuer, Jerome Boateng, Mats Hummels, Mesut Oezil, Sami Khedira từng đăng quang tại giải đấu này năm 2009, nhưng vẫn lỡ hẹn với London 2012.

Thế hệ Ter Stegen đến VCK U21 năm nay với sự kỳ vọng rất lớn. Sau chiến thắng 3-0 trước U21 Đan Mạch, khi tấm vé Olympic đã cận kề, áp lực lại càng lớn. Đó là lý do, Horst Hrubesch đã bố trí một đội hình tương đối thận trọng, đặc biệt là bên hành lang trái. Nico Schulz, một cầu thủ có xu hướng phòng ngự nhiều hơn Leon Bittencourt và Maximilian Arnold, đá tiền vệ trái. Mục đích của Hrubesch là ngăn chặn khả năng hỗ trợ tấn công rất tốt của hậu vệ phải Pavel Kaderabek.

Schulz đã làm được nhiều hơn thế khi mở tỷ số ở phút 55, nhưng chỉ 10 phút sau, U21 Đức bị gỡ hòa, và 25 phút cuối trận là khoảng thời gian người Đức sống trong nỗi ám ảnh từ quá khứ. Thật may cho họ, điều đó không xảy ra.

Xong áp lực, giờ là cuộc chinh phục

Chiến dịch chinh phục chức vô địch U21 châu Âu của người Đức sẽ dễ dàng hơn nếu họ kết thúc vòng bảng với ngôi đầu. Nhưng trong nửa cuối của hiệp hai, dù đã tạo được một số cơ hội và dứt điểm không thành công, song có thể thấy, U21 Đức vẫn đề cao an toàn với một trận hòa hơn là dồn tất cả lên tìm một trận thắng để vững ngôi đầu bảng. Toan tính đó không phải không có lý, bởi tấm vé bán kết, cùng suất trực tiếp dự Olympic mới là ưu tiên số một, chứ không phải ngôi đầu bảng. Nếu dính đòn hồi mã thương, họ có thể phải trả giá đắt.

Nhưng bây giờ, thì người Đức có thể vứt bỏ mọi áp lực đã bám đuổi tâm trí họ suốt từ đầu giải. Họ đã đi được hơn một nửa chặng đường của giải, đã đạt được mục tiêu tối thiểu, và bây giờ sẽ là một cuộc chinh phục, như lời Hrubesch nhắn nhủ các học trò: “Chúng ta đã vào bán kết, đã có vé dự Olympic trong túi. Giờ là lúc bắt đầu tổng tấn công vào danh hiệu”.

Với lực lượng hiện tại, U21 Đức vẫn được đánh giá rất cao, và nếu chơi với những cái đầu hứng khởi thì họ hẳn sẽ xứng đáng là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch. 

27 Bóng đá Đức đã trải qua 27 năm liên tiếp vắng mặt tại các kỳ Thế vận hội.

1 Cho tới thời điểm này, Đức đã 4 lần lọt vào chung kết U21 châu Âu. Nhưng họ mới vô địch 1 lần (2009), còn lại là về nhì (1978, 1980, 1982).

9 Kevin Volland và Philipp Hofmann là hai cầu thủ đang ghi nhiều bàn thắng nhất cho U21 Đức với cùng 9 lần lập công.


Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm